Chủ động kết nối doanh nghiệp với người lao động
Phiên giao dịch việc làm lưu động được tổ chức tại xã Thượng Nung, huyện Võ Nhai. Ảnh: Tư liệu |
Những tháng đầu năm thường là thời điểm sôi động của thị trường lao động, việc làm. Với Thái nguyên cũng vậy. Bà PHẠM NHƯ THÙY, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội) khẳng định: Đơn vị đang chủ động, tăng cường kết nối thông tin thị trường, giúp người lao động có nhiều hơn cơ hội tìm kiếm việc làm.
P.V: Bà đánh giá thế nào về nhu cầu việc làm trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên vào thời điểm này?
Bà Phạm Như Thùy: Qua theo dõi những năm gần đây, chúng tôi nhận thấy thị trường lao động trên địa bàn tỉnh dịp đầu năm có tăng nhưng không đến mức đột biến. Thời điểm này, nhu cầu tuyển dụng của các đơn vị, doanh nghiệp tăng khoảng 10% so với quý IV/2019, chủ yếu là những người mong muốn tìm một công việc mới tốt hơn. Con số này cho thấy thị trường lao động đã có sự chuyển dịch tích cực, thể hiện sự gắn kết chặt chẽ giữa người lao động và doanh nghiệp nên tỷ lệ lao động quay trở lại làm việc sau khi nghỉ Tết rất cao.
P.V: Về phía doanh nghiệp, những lĩnh vực nào thường tuyển dụng nhiều lao động dịp đầu năm, thưa bà?
Bà Phạm Như Thùy: Từ cuối quý IV/2019 tới nay, chúng tôi đã tổng hợp nhu cầu tuyển dụng của 38 đơn vị, doanh nghiệp với 102 vị trí việc làm; số lượng nhu cầu tuyển dụng là 20.500 người. Vị trí việc làm gồm: Kế toán, kiểm hàng, kinh doanh, bán hàng, bảo vệ, nhân viên giao nhận, quảng cáo, giám sát, kỹ thuật viên, cơ khí, may mặc, công nhân lắp ráp điện tử, giày da… Các đơn vị có nhu cầu tuyển nhiều lao động chủ yếu thuộc khối doanh nghiệp vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) do mở rộng quy mô sản xuất, tập trung nhiều ở các ngành điện tử và may mặc.
P.V: Thực tế ở vùng nông thôn, tỷ lệ thiếu việc làm của người dân rất lớn. Tuy nhiên, đặc thù người lao động là phần lớn chưa qua đào tạo và khả năng tiếp cận các kênh thông tin hạn chế. Thời gian qua, Trung tâm có giải pháp gì cho vấn đề này?
Bà Phạm Như Thùy: Đây là vấn đề Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Thái Nguyên rất lưu tâm. Chúng tôi thường xuyên phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các địa phương trong tỉnh để khảo sát, tổng hợp thông tin thị trường lao động trên địa bàn. Trên cơ sở đó đẩy mạnh các hình thức tư vấn, giới thiệu việc làm, học nghề; đa dạng hoá hoạt động giao dịch việc làm như: Tổ chức ngày hội việc làm đầu Xuân, phiên giao dịch lưu động, hội nghị tư vấn chuyên sâu và cho các đối tượng đặc thù… Năm 2019, số lao động của tỉnh được tư vấn về chính sách pháp luật, việc làm và nghề học miễn phí là hơn 30.000 lượt người; giới thiệu việc làm cho 6.000 lượt lao động; phối hợp, trực tiếp tuyển và cung ứng trên 4.000 lao động. Từ đầu năm tới nay, số lao động được cung cấp thông tin, tư vấn giới thiệu việc làm là 1.446 người.
P.V: Bà đánh giá hiệu quả các kênh tư vấn, tuyển dụng lao động tại cơ sở hiện nay như thế nào?
Bà Phạm Như Thùy: Thời gian qua, các kênh tư vấn, giới thiệu việc làm đã được Trung tâm hướng nhiều về cơ sở thông qua các tổ chức đoàn thể, phòng chuyên môn cấp huyện và nhất là các phiên giao dịch lưu động, hội nghị tư vấn chuyên sâu và dành cho đối tượng đặc thù. Tôi đánh giá đây là một giải pháp rất hiệu quả, giúp doanh nghiệp và người lao động có thể tăng cường kết nối với nhau. Đặc biệt với các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông và thời vụ thì khu vực nông thôn là thị trường rất dồi dào. Người lao động cũng có nhiều cơ hội hơn để tìm công việc phù hợp với trình độ, năng lực của mình.
P.V: Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã có văn bản chỉ đạo tạm dừng các sàn giao dịch việc làm. Để doanh nghiệp và người lao động có thể gặp gỡ nhau, đơn vị đã và đang triển khai các giải pháp nào để thay thế, thưa bà?
Bà Phạm Như Thùy: Thực hiện chỉ đạo của các cấp, ngành về phòng chống dịch COVID-19, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Thái Nguyên đã tạm dừng các hoạt động, sự kiện tập trung đông người như hội nghị, phiên giao dịch việc làm, nhất là Ngày hội việc làm Xuân Canh Tý 2020. Thay thế vào đó, chúng tôi tiếp tục phối hợp để thu thập, cập nhật thông tin thị trường lao động, nhu cầu tuyển dụng của các đơn vị doanh nghiệp; tăng cường việc tư vấn, định hướng, giới thiệu việc làm, học nghề thông qua điện thoại, Website, tin nhắn của nhà mạng xã hội như Zalo, Facebook... Thông qua đó, Trung tâm vẫn có thể kết nối được người lao động và các đơn vị, doanh nghiệp. Để có được thông tin chính xác và uy tín, người lao động trên địa bàn tỉnh nên truy cập và Website hoặc gọi điện trực tiếp đến Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Thái Nguyên để được tư vấn cụ thể.
P.V: Xin cảm ơn bà!