Cộng đồng trách nhiệm trong bảo vệ môi trường
Ô nhiễm nghiêm trọng tại hồ điều hòa Cống Ngựa, T.P Thái Nguyên. (Ảnh: Mạnh Hùng). |
Kiểm soát ô nhiễm môi trường (ONMT) trên địa bàn tỉnh thời gian qua luôn là chủ đề được dư luận quan tâm, nhất là khi, mới đây trường hợp của Công ty cổ phần (CP) giấy Hoàng Văn Thụ bị xử lý vì ngầm xả trực tiếp nước thải ra sông Cầu. Để có cái nhìn rõ hơn về hoạt động kiểm soát ONMT trên địa bàn, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với bà Hoàng Thị Liên, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (BVMT) - Sở Tài nguyên và Môi trường.
P.V: Bà đánh giá thế nào về hoạt động kiểm soát ONMT trên địa bàn tỉnh thời gian qua?
Bà Hoàng Thị Liên: So với trước, hiện nay công tác kiểm soát ONMT trên địa bàn tỉnh đã tốt hơn rất nhiều, nhất là đối với một số nguồn thải lớn. Điển hình như ở T.P Thái Nguyên, địa phương này đã đầu tư, đưa vào vận hành Trạm xử lý nước thải công nghệ hiện đại của Cộng hòa Pháp với công suất xử lý 8.000m3/ngày, đêm, giúp giảm bớt nỗi lo nước thải gây ONMT. Các khu công nghiệp có nguồn thải lớn, như: Yên Bình, Điềm Thụy, Sông Công 1 cũng đều đầu tư các nhà máy xử lý nước thải tập trung, trong đó các dự án công nghiệp đều lắp đặt dây chuyền xử lý ô nhiễm tiên tiến, đảm bảo an toàn môi trường xung quanh.
Tuy nhiên, thực tế vẫn còn không ít chủ nguồn thải chưa chấp hành nghiêm các quy định về BVMT. Trong đó, đáng chú ý là các nguồn thải từ khai thác khoáng sản, sản xuất công nghiệp ngoài khu công nghiệp, chăn nuôi trang trại, các khu dân cư, đô thị tập trung… Trong đó, trường hợp vi phạm điển hình nhất gần đây là của Công ty CP giấy Hoàng Văn Thụ. Theo lực lượng cảnh sát môi trường (Bộ Công an), đơn vị này đã xả nước thải chưa qua xử lý ra sông Cầu với lưu lượng khoảng 700m3/ngày/đêm.
P.V: Vậy, tại sao các nguồn thải gây ONMT như trên vẫn chưa được kiểm soát triệt để?
Bà Hoàng Thị Liên: Thực tế cho thấy, hầu hết các chủ nguồn thải đều ý thức được vấn đề BVMT, nhưng một số lại chỉ nghĩ đến lợi ích của cá nhân, đơn vị mình nên tìm đủ cách trốn tránh, cắt xén đầu tư hệ thống xử lý môi trường, cố tình xả thải trực tiếp ra môi trường tự nhiên. Với những trường hợp này, càng kiểm soát chặt, họ càng vi phạm tinh vi hơn. Mặt khác, còn nhiều nhà máy, cơ sở công nghiệp, mỏ khoáng sản quy mô nhỏ, đầu tư manh mún, nên công nghệ lạc hậu dễ tác động xấu đến môi trường. Hơn nữa, nguồn ngân sách địa phương dành cho môi trường hàng năm còn thấp, nhất là ở cấp huyện. Phí môi trường hàng năm đều cấp lại 100% cho các địa phương để đầu tư phục hồi môi trường, nhưng chủ yếu tập trung cho hạ tầng giao thông, ít đầu tư các công trình xử lý môi trường hiệu quả. Đặc biệt, trách nhiệm kiểm soát ONMT của cấp huyện, xã còn chưa thật sự được quan tâm.
P.V: Về vấn đề này, trách nhiệm chung được quy định như thế nào và khó khăn ra sao đối với cơ quan BVMT của tỉnh?
Bà Hoàng Thị Liên: Hiện nay, chỉ riêng nước thải, toàn tỉnh có trên 1.000 nguồn thải với khối lượng hơn 100.000m3/ngày/đêm. Với lực lượng rất mỏng của Chi cục BVMT (11 cán bộ làm nghiệp vụ, trong đó có 5 người trực tiếp tham gia công tác kiểm soát ONMT) chắc chắn sẽ không thể quản lý xuể. Trong khi, nhiều địa phương chưa nắm rõ quy định, vẫn cho rằng BVMT là trách nhiệm của cơ quan quản lý môi trường. Luật BVMT năm 2014 quy định rất rõ, nếu để xảy ra ONMT nghiêm trọng trên địa bàn, UBND cấp xã phải chịu trách nhiệm trước hết, sau đó đến cấp huyện, cấp tỉnh. Thực tế cũng cho thấy, nếu địa phương nào buông lỏng quản lý thì ở đó vấn đề môi trường luôn nóng bỏng.
Chức năng của Chi cục BVMT là quản lý Nhà nước về môi trường, tham mưu cho lãnh đạo Sở chủ quản về công tác quản lý thông qua các văn bản pháp luật, chương trình, kế hoạch, dự án… Vì thế, với những trường hợp vi phạm tinh vi, bí mật, khó tiếp cận như ở Công ty CP giấy Hoàng Văn Thụ, thì cán bộ Chi cục không thể tự giải quyết, chỉ có lực lượng cảnh sát môi trường với chức năng của mình và bằng các nghiệp vụ chuyên môn mới có thể phát hiện, xử lý…
P.V: Theo bà, đâu là giải pháp hữu hiệu để nâng cao chất lượng kiểm soát ONMT trên địa bàn tỉnh?
Bà Hoàng Thị Liên: Muốn BVMT hiệu quả cần phải có sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ, thống nhất của cả hệ thống chính trị, trong đó vai trò của chính quyền cơ sở phải được xem trọng. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc từng phát biểu: “Không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế”, nên tất cả các vấn đề liên quan đến phát triển cần phải gắn với BVMT. Trong thu hút đầu tư cũng phải thận trọng lựa chọn các dự án ít tiềm ẩn nguy cơ gây ONMT. Đối với các dòng sông, nhất là sông Cầu, về góc độ môi trường nên quản lý theo lưu vực (liên vùng) chứ không quản lý theo địa bàn riêng lẻ. Hiện nay, đối với chất thải rắn, rác thải, tỉnh đã tăng cường thu hút đầu tư các dự án có công nghệ xử lý bằng lò đốt khá hiệu quả, song nên đầu tư tập trung, quy mô lớn, tránh dàn trải, nhỏ lẻ khó giải quyết tận gốc vấn đề. Ngoài ra, công tác phối hợp giữa các ngành, địa phương trong quản lý Nhà nước về môi trường cần phải chặt chẽ, đồng bộ hơn nữa. Trong phân công trách nhiệm cần cụ thể, rõ ràng, bởi BVMT không chỉ là trách nhiệm của Sở Tài nguyên và Môi trường mà của cả các ngành, địa phương và toàn xã hội. Cần tiếp tục đầu tư nâng cấp hạ tầng BVMT, tăng cường giám sát việc sử dụng ngân sách chi sự nghiệp môi trường và phí BVMT tại cấp huyện để từ đó thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ theo quy định của Luật BVMT…
P.V: Xin cảm ơn bà!