Cung ứng đủ hàng hóa trong dịp Tết
Các nhà phân phối thực phẩm, hàng tiêu dùng đã tăng lượng hàng về tỉnh để phục vụ nhu cầu dịp Tết. |
Theo dự báo, sức mua của người dân trên địa bàn tỉnh trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 sẽ không tăng mạnh, nguyên nhân là do điều kiện kinh tế khó khăn vì ảnh hưởng của dịch COVID-19. Mặc dù vậy, việc dự trữ và lưu thông, cung ứng hàng hóa vẫn được ngành chức năng của tỉnh chỉ đạo thực hiện chu đáo, bảo đảm về chất lượng, giá cả ổn định, sẵn sàng đáp ứng đủ nhu cầu mua sắm của nhân dân… Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Báo Thái Nguyên đã phỏng vấn ông Nguyễn Huy Hoàng, Phó Giám đốc Sở Công Thương.
P.V: Trước hết, xin ông cho biết vấn đề hàng hóa phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần được chuẩn bị như thế nào?
Ông Nguyễn Huy Hoàng: Chúng tôi xin khẳng định là đến thời điểm hiện tại, công tác chuẩn bị hàng hóa của các cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã đầy đủ đúng theo kế hoạch đề ra. Với quan điểm chỉ đạo của UBND tỉnh là không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa nên khi tham mưu xây dựng kế hoạch, Sở Công Thương và các ngành chức năng liên quan đã có sự tính toán rất kỹ lưỡng để đưa ra những dự báo sát với tình hình thực tế của tỉnh.
Thời điểm giáp Tết, sức mua của người dân trong tỉnh bắt đầu tăng nhưng chưa mạnh và lượng hàng hóa tại các siêu thị, chợ, cửa hàng thực phẩm đang khá dồi dào. Các cơ sở, doanh nghiệp trong tỉnh đều đã cam kết không để thiếu hàng. Tổng giá trị hàng hóa dự trữ của tỉnh năm nay lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng. Với tổng giá trị hàng hóa lớn như vậy, người dân không lo xảy ra tình trạng khan hiếm. Cùng với đó, việc lưu thông hàng hóa đã thuận lợi nên việc điều tiết hàng hóa giữa các vùng, địa phương trong tỉnh sẽ nhanh chóng, đáp ứng kịp thời sức mua của người dân.
P.V: Ngành Công Thương có những giải pháp như thế nào để bảo đảm bình ổn thị trường trước nhu cầu mua sắm hàng hóa tăng cao của người dân trong thời điểm cận kề Tết Nguyên đán, thưa ông?
Ông Nguyễn Huy Hoàng: Hiện tại, giá trị hàng hóa dự trữ khá lớn nên tình trạng thiếu hàng sẽ không xảy ra. Không bị thiếu hàng thì việc người kinh doanh tăng giá bán để trục lợi khó xảy ra. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn không loại trừ khả năng một số đối tượng sẽ lợi dụng nhu cầu mua sắm tăng mạnh của người dân để tạo cơn sốt ảo, gây khan hiếm hàng hóa để tăng giá.
Vì thế, công tác kiểm tra, kiểm soát để kịp thời nắm bắt thông tin, xử lý các vi phạm trong lĩnh vực thương mại trên địa bàn tỉnh đã và đang được ngành chức năng các cấp triển khai quyết liệt, khi phát hiện trường hợp vi phạm sẽ xử lý nghiêm minh.
P.V: Vấn đề chống buôn bán hàng hóa kém chất lượng, không có nguồn gốc xuất xứ được thực hiện như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Huy Hoàng: Sở Công Thương đã tham mưu với UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 229/KH-UBND ngày 20/12/2021 về thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2021 và dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Trong đó, UBND tỉnh nêu rõ chức năng, nhiệm vụ của các ngành, địa phương triển khai nhiệm vụ này.
Về phía ngành Công Thương, chúng tôi đã có kế hoạch phối hợp với một số đơn vị chức năng (Quản lý thị trường, An toàn thực phẩm…) tổ chức các đợt kiểm tra để ngăn ngừa tình trạng lợi dụng, đưa ra thị trường những sản phẩm, hàng hóa kém chất lượng. Qua đó, cơ quan chức năng của tỉnh kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm để bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng trong thời gian cao điểm mua sắm dịp giáp Tết. Với việc chuẩn bị đủ nguồn hàng và công tác thanh tra, kiểm tra được tăng cường thì thị trường hàng hóa trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 sẽ không có biến động lớn.
P.V: Hàng hóa kém chất lượng thường được các đối tượng "tuồn" về nông thôn, vùng sâu, xa của tỉnh tiêu thụ. Trước tình trạng này, ngành Công Thương có biện pháp xử lý như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Huy Hoàng: Việc quản lý các chợ cấp 2 trở xuống thuộc thẩm quyền UBND cấp huyện nên Sở sẽ chỉ đạo lực lượng Thanh tra của Ngành phối hợp với các địa phương trong tỉnh để thực hiện các cuộc kiểm tra đột xuất về vấn đề kinh doanh hàng hóa thương mại, dịch vụ; kịp thời xử lý các địa điểm kinh doanh hàng hóa kém chất lượng.
Tuy nhiên, do mạng lưới chợ nông thôn rộng khắp nên ngành Công Thương đề nghị UBND cấp huyện, cấp xã trong tỉnh thường xuyên chỉ đạo cơ quan chức năng thuộc thẩm quyền tiến hành kiểm tra, xử lý. Cùng với đó, ngành chức năng của tỉnh khuyến cáo mỗi người dân khi mua hàng hóa nên kiểm tra thật kỹ nhãn mác, trọng lượng, nơi sản xuất, thời hạn sử dụng để tránh mua phải hàng kém chất lượng. Khi người dân phát hiện có cơ sở kinh doanh hàng hóa kém chất lượng cần kịp thời thông báo tới cơ quan chức năng để có biện pháp ngăn chặn, xử lý…
Xin cảm ơn ông!