Đẩy mạnh triển khai hóa đơn điện tử
Cục Thuế tỉnh đặt mục tiêu đến ngày 31/5/2022, tất cả các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh sử dụng hóa đơn điện tử. |
Theo Thông tư số 78/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn một số điều của Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 và Nghị định số 123/2020/NĐ-CP, chậm nhất đến hết tháng 7-2022, tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước đều phải triển khai hóa đơn điện tử (HĐĐT) đến 100% các tổ chức, doanh nghiệp (DN). Vậy, đối với Thái Nguyên, việc triển khai nội dung này được thực hiện như thế nào? Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Báo Thái Nguyên đã phỏng vấn ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh.
P.V: Trước hết, ông đánh giá như thế nào về chủ trương chuyển toàn bộ việc sử dụng hóa đơn giấy sang HĐĐT?
Ông Trần Thanh Hải: Việc chuyển đổi từ hóa đơn giấy sang HĐĐT là yêu cầu tất yếu, giúp các đơn vị, DN giảm thời gian, chi phí khi thực hiện các thủ tục hành chính thuế. Đồng thời cũng là giải pháp “vàng” đối với công tác quản lý Nhà nước khi giúp cơ quan thuế thuận lợi trong xây dựng cơ sở dữ liệu về hóa đơn, không tốn nhiều thời gian đối chiếu hóa đơn. Ngoài ra, với độ an toàn, chính xác cao của HĐĐT, tình trạng gian lận thuế, trốn thuế, xuất hóa đơn của các DN bỏ trốn, mất tích sẽ được ngăn chặn kịp thời. Sử dụng HĐĐT sẽ thúc đẩy mạnh mẽ phát triển thương mại điện tử.
Theo lộ trình, việc thực hiện HĐĐT sẽ chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1: Từ tháng 11-2021 đến tháng 3-2022, triển khai tại 6 tỉnh, thành phố (gồm: Hà Nội, T.P Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Hải Phòng, Phú Thọ và Bình Định); giai đoạn 2: Từ tháng 4 đến tháng 7-2022 triển khai tại 57 tỉnh, thành còn lại. Với lộ trình này sẽ giúp cơ quan thuế có thời gian chuẩn bị những điều kiện cần thiết, cũng như để người nộp thuế làm quen với HĐĐT mới.
P.V: Đâu là những khó khăn, hạn chế các đơn vị trên địa bàn tỉnh gặp phải trong quá trình triển khai sử dụng HĐĐT và những vấn đề này đã được ngành Thuế khắc phục, thưa ông?
Ông Trần Thanh Hải: Trong quá trình triển khai sử dụng HĐĐT, nhiều tổ chức, DN vẫn còn hóa đơn giấy chưa sử dụng với số lượng lớn, nếu hủy bỏ rất lãng phí nên chưa thực hiện áp dụng HĐĐT ngay; một số tổ chức, DN cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin chưa đảm bảo để áp dụng HĐĐT.
Nằm trong 57 tỉnh, thành triển khai HĐĐT ở giai đoạn 2, song Cục Thuế Thái Nguyên đã triển khai đạt kết quả khá cao so với toàn quốc. Tính đến cuối tháng 2-2022, trên địa bàn tỉnh đã có gần 4.300/5.694 đơn vị đã phát hành HĐĐT, đạt tỷ lệ 75%. Ngành Thuế Thái Nguyên đặt mục tiêu đến ngày 31/5/2022 đạt 100% số tổ chức, DN sử dụng HĐĐT.
P.V: Được biết, sau một thời gian Tổng cục Thuế triển khai thí điểm hệ thống HĐĐT theo quy định mới tại 6 tỉnh, thành, đã có một số khó khăn, vướng mắc nảy sinh. Ông có thể thông tin thêm về nội dung này?
Ông Trần Thanh Hải: Trong quá trình triển khai HĐĐT trên hệ thống, có một số DN, hộ kinh doanh gặp khó khăn do bị nghẽn hệ thống cấp mã HĐĐT. Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, lãnh đạo Tổng cục Thuế đã chỉ đạo Trung tâm điều hành HĐĐT và Cục Công nghệ thông tin (Tổng cục Thuế) phối hợp với trung tâm của 6 cục thuế khẩn trương rà soát và báo cáo nhanh về vấn đề này. Đồng thời, Tổng cục Thuế đã cho thành lập 7 trung tâm điều hành HĐĐT với Trung tâm chính đặt tại Tổng cục Thuế và 6 Trung tâm đặt tại 6 cục Thuế các tỉnh, thành phố triển khai thực hiện trong giai đoạn 1, với nhiệm vụ trực tiếp điều hành hệ thống HĐĐT và tiếp nhận kịp thời những vướng mắc từ người nộp thuế để hỗ trợ kịp thời. Các trung tâm đều hoạt động với tần suất 24/7.
Để chuẩn bị cho giai đoạn 2, từ tháng 4-2022, Tổng cục Thuế tiếp tục triển khai mở rộng kết nối với các tổ chức cung cấp dịch vụ nhận truyền và lưu trữ dữ liệu HĐĐT. Đồng thời rà soát, hoàn thiện thể chế, quy trình nghiệp vụ HĐĐT phục vụ triển khai trên phạm vi toàn quốc. Trong đó, trọng tâm là rà soát các ý kiến, nội dung vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai tại 6 tỉnh, thành phố giai đoạn 1 để nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tế và thực hiện kiểm tra, kết nối giữa hệ thống giải pháp hóa đơn của DN và hệ thống quản lý HĐĐT của cơ quan Thuế.
P.V: Ông có thể cho biết, công tác chuẩn bị còn lại và tiếp theo đang được Cục Thuế tỉnh triển khai như thế nào từ nay cho đến ngày 31-5?
Ông Trần Thanh Hải: Ngay sau khi có các văn bản chỉ đạo của cấp trên, Cục Thuế tỉnh Thái Nguyên đã xây dựng lộ trình thúc đẩy các DN chuyển đổi sang sử dụng HĐĐT; yêu cầu các phòng, chi cục thuế trực thuộc tăng cường tuyên truyền, phổ biến lợi ích của việc áp dụng HĐĐT tới toàn thể cán bộ công chức trong đơn vị cũng như người nộp thuế; thông báo để các DN, tổ chức kinh tế, hộ, cá nhân kinh doanh chủ động chuẩn bị điều kiện về cơ sở hạ tầng và giải pháp công nghệ thông tin sẵn sàng áp dụng HĐĐT theo thông báo của cơ quan Thuế; phối hợp với các tổ chức cung cấp giải pháp HĐĐT tổ chức tập huấn cho người nộp thuế; thành lập tổ triển khai HĐĐT, tổ xử lý vướng mắc về phần mềm HĐĐT để hỗ trợ, xử lý kịp thời các vướng mắc cho người nộp thuế và công chức thuế…
Từ nay đến hết tháng 5-2022, ngành Thuế tỉnh tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền về HĐĐT để người nộp thuế hiểu rõ lợi ích và sử dụng hiệu quả HĐĐT. Cục Thuế tỉnh mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát, thường xuyên của Tổng cục Thuế, UBND tỉnh; sự chung tay, phối hợp chỉ đạo, đồng hành của các cấp chính quyền địa phương; sự ủng hộ, đồng lòng của cộng đồng DN và sự phối hợp của các tổ chức cung cấp giải pháp đối với hệ thống HĐĐT.
Xin cảm ơn ông!