Để giảm nghèo bền vững và thực chất

Cập nhật: Thứ hai 21/12/2020 - 08:31
 Từ năm 2016 đến nay, tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh tăng từ 60% lên gần 70%, góp phần giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội. Trong ảnh: Đào tạo nghề phi nông nghiệp cho lao động nông thôn ở huyện Phú Lương.
Từ năm 2016 đến nay, tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh tăng từ 60% lên gần 70%, góp phần giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội. Trong ảnh: Đào tạo nghề phi nông nghiệp cho lao động nông thôn ở huyện Phú Lương.

Tổng kết công tác giảm nghèo giai đoạn 2016-2020 trong toàn quốc, Thái Nguyên là địa phương đạt tốc độ giảm nghèo nhanh và đứng thứ 2 trong số 11 tỉnh miền núi vùng Đông Bắc. Để tìm hiểu rõ hơn về những kết quả cụ thể và giải pháp thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh, phóng viên Báo Thái Nguyên đã phỏng vấn ông Vũ Văn Mão, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

P.V: Trước hết, ông có thể cho biết những kết quả cụ thể trong công tác giảm nghèo tỉnh Thái Nguyên đã đạt được thời gian qua?

Ông Vũ Văn Mão: Tại thời điểm đầu tháng 1-2016, toàn tỉnh có 42.080 hộ nghèo trên tổng số 313.950 hộ trong toàn tỉnh, chiếm đến 13,4%; số hộ diện cận nghèo có 28.054 hộ, chiếm gần 9% trong tổng số hộ. Hộ nghèo chủ yếu tập trung ở vùng nông thôn, miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm đến trên 90% số hộ nghèo toàn tỉnh. Sau 5 năm thưc hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả rất quan trọng, về đích vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra. Cụ thể là: Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh chỉ còn dưới 3%, mỗi năm giảm bình quân trên 2%. Chuyển biến mạnh mẽ nhất là khu vực các xã vùng đặc biệt khó khăn. Đầu năm 2016, số hộ nghèo ở các xã này còn gần 20.000 hộ, đến nay đã giảm xuống còn 6.980 hộ, chiếm khoảng 11,6% số hộ khu vực các xã vùng đặc biệt khó khăn, giảm bình quân mỗi năm 4,5%, vượt mục tiêu đề ra khi xây dựng kế hoạch hành động thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 là giảm bình quân 3,5% mỗi năm… 

P.V: Những nguồn lực và tác động có tính đột phá để toàn tỉnh đạt được kết quả nêu trên là gì, thưa ông?

Ông Vũ Văn Mão: Có hai yếu tố cơ bản tạo nên kết quả tích cực về giảm nghèo trên địa bàn tỉnh giai đoạn vừa qua, đó là chủ trương, chính sách được triển khai đúng, trúng, quyết liệt tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội và huy động tập trung nhiều nguồn lực về vốn để thực hiện chương trình giảm nghèo.

Về chủ trương, chính sách, các ngành, địa phương đã bám sát Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2015-2020. Ngay sau đó, UBND tỉnh đã trình HĐND tỉnh thông qua các nghị quyết về chương trình giảm nghèo bền vững của tỉnh giai đoạn 2017-2020; Chương trình việc làm giai đoạn 2017-2020; Chương trình phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng ATK, vùng dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn giai đoạn 2017-2020... Hàng năm, UBND tỉnh giao chỉ tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo trong kế hoạch phát triển KT-XH của toàn tỉnh đến các địa phương. Đặc biệt, hàng năm toàn tỉnh tổ chức phát động phong trào thi đua “Thái Nguyên chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”; Hỗ trợ xóa nghèo cho hộ nghèo có thành viên thuộc đối tượng chính sách, người có công với cách mạng... Các ngành, địa phương đã chủ động phân công, phân cấp trách nhiệm trong tổ chức thực hiện giảm nghèo cụ thể đến từng hộ, từng xóm, bản. Các chương trình, kế hoạch giảm nghèo đều được lồng ghép để các chính sách thực hiện hiệu quả.

Về nguồn lực vốn để thực hiện chương trình giảm nghèo, trong giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh đã huy động và triển khai thực hiện trên 6.500 tỷ đồng. Trong đó ngân sách Trung ương là gần 3.000 tỷ đồng, ngân sách địa phương trên 480 tỷ đồng, vốn tín dụng gần 3.000 tỷ đồng, nguồn huy động khác là trên 109 tỷ đồng. 

Bên cạnh đó, tỉnh đã thực hiện tốt các chính sách giảm nghèo của Trung ương, quyết định của tỉnh, như: Dạy nghề và giải quyết việc làm cho trên 107.600 lao động, cấp 1.642.242 thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo với tổng kinh phí trên 1.113 tỷ đồng, góp phân bao phủ bảo hiểm y tế toàn tỉnh đạt gần 98,5%. Các nguồn hỗ trợ theo chính sách cho giáo dục, y tế, nhà ở, nước sinh hoạt vệ sinh môi trường...đã tạo nguồn lực thúc đẩy nhanh kế hoạch giảm nghèo các địa phương.

P.V: Về tổng quan chương trình giảm nghèo của tỉnh đã đạt và vượt một số mục tiêu đề ra, song mức độ chênh lệch về giảm nghèo giữa khu vực thành thị và nông thôn còn khá lớn. Vậy, làm thế nào để rút ngắn khoảng cách chênh lệch này, thưa ông?

Ông Vũ Văn Mão: Đánh giá về kết quả công tác giảm nghèo giai đoạn vừa qua cho thấy, tỷ lệ hộ nghèo ở khu vực T.P Thái Nguyên, T.P Sông Công chiếm 0,68% và 1,47%, nhưng huyện Định Hóa chiếm đến 6,4%, huyện Võ Nhai chiếm trên 9,5%. Điều đó cho thấy nhiệm vụ giảm nghèo với mỗi cấp, mỗi ngành và địa phương cần tập trung hơn tạo nguồn lực tổng hợp mới giải quyết được cơ bản mục tiêu giảm nghèo. Trước mắt phải xây dựng kế hoạch cụ thể và tích hợp đồng bộ các chính sách, nguồn lực để thực hiện mục tiêu giảm nghèo theo từng vùng, từng địa phương phù hợp với đặc thù vùng miền, chất lượng lực lượng lao động và trình độ sản xuất. Trong quá trình hỗ trợ nên quan tâm hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển KT-XH và đầu tư trực tiếp cho sản xuất kinh tế hộ... Mục tiêu chính là phải để người nghèo có động lực và chủ động vươn lên thoát nghèo; công tác giảm nghèo phải bảo đảm thực chất và bền vững.

P.V: Xin cảm ơn ông!   

Trần Nguyên
(Thực hiện)
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: