Để HTX nông nghiệp không còn là “vùng trũng”
Một mô hình chăn nuôi trâu, bò của thành viên HTX Nông sản an toàn ở xã Yên Đổ (Phú Lương) - đơn vị đã nhận được nhiều sự hỗ trợ của các cấp, ngành liên quan. |
Từ lâu, các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp đã có vị trí, vai trò quan trọng trong phát triển nông nghiệp, nông thôn. Tuy nhiên, nhiều năm qua, các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn luôn gặp không ít khó khăn, có ý kiến cho rằng đây là “vùng trũng” của khu vực kinh tế tập thể (KTTT). Vậy, thực trạng đó do những nguyên nhân nào và các giải pháp cần thiết là gì? Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Báo Thái Nguyên đã phỏng vấn ông Dương Văn Toản, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp - PTNT), cơ quan quản lý Nhà nước trực tiếp về lĩnh vực này.
P.V: Vai trò của các HTX nông nghiệp đối với phát triển nông nghiệp, nông thôn là không thể phủ nhận và ngày càng được đề cao. Ông có thể nói rõ hơn về điều này?
Ông Dương Văn Toản: Quan điểm chỉ đạo của Trung ương về KTTT nêu rõ: “Phát triển kinh tế hợp tác trong nông nghiệp có ý nghĩa sâu sắc cả về kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường và trật tự an ninh”. Đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập, cạnh tranh gia tăng, việc sản xuất hàng hóa lớn tất yếu phải có sự liên kết, hợp tác. Khi tham gia HTX, người nông dân được liên kết lại, chia sẻ kinh nghiệm làm ăn, hỗ trợ nhau trong các khâu sản xuất, cùng xây dựng thương hiệu, có pháp nhân để hợp tác tiêu thụ sản phẩm tốt hơn, hạn chế rủi ro. Các HTX cũng góp phần tăng tính đoàn kết trong cộng đồng dân cư, giúp ổn định xã hội và thực hiện tốt các phong trào ở địa phương.
P.V: Những kết quả nổi bật trong phát triển các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh thời gian gần đây như thế nào, thưa ông?
Ông Dương Văn Toản: Từ năm 2018 đến nay, tỉnh có 134 HTX nông nghiệp thành lập mới (bằng 167,5% kế hoạch); có 39 HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (bằng 130% kế hoạch); công tác phát triển mô hình HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa chủ lực, hay như chỉ tiêu thành lập mới HTX từ các tổ hợp tác nông nghiệp cũng đạt kết quả khả quan.
Toàn tỉnh hiện có 345 HTX nông nghiệp, tăng 79 HTX so với cuối năm 2018 với tổng số thành viên và người lao động đạt gần 21.000, trong đó có 150 HTX hoạt động hiệu quả, tăng 57 đơn vị so với 3 năm trước. Đến nay, 137/137 xã của tỉnh đã có ít nhất 1 HTX nông nghiệp, nhiều HTX điển hình đang tạo sức lan tỏa mạnh góp phần thúc đẩy phong trào HTX.
P.V: Tuy vậy, các HTX nông nghiệp vẫn được nhắc đến bởi còn nhiều khó khăn, yếu kém, có cả những tồn tại mang tính cố hữu. Ông có thể cho biết thực trạng và những nguyên nhân chính?
Ông Dương Văn Toản: Đa số các HTX nông nghiệp có quy mô nhỏ, tài sản của một số đơn vị nghèo nàn, không có trụ sở làm việc, cơ sở vật chất, kỹ thuật lạc hậu, ít vốn, khả năng tích lũy vốn rất hạn chế. Ở không ít đơn vị, sự gắn kết lợi ích giữa HTX và các thành viên mờ nhạt, lợi ích kinh tế trực tiếp do HTX mang lại cho hộ thành viên chưa đáng kể, việc liên kết giữa HTX với các thành phần kinh tế khác chưa chặt chẽ, hiệu quả…
Nguyên nhân của thực trạng này có nhiều nhưng chủ yếu do các yếu tố chính như: trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ, lãnh đạo HTX còn nhiều hạn chế (số người có trình độ từ cao đẳng trở lên chỉ chiếm 5,62%), còn thụ động, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Nhận thức của không ít cán bộ, người dân về vai trò, ưu điểm của KTTT chưa đúng, chưa đầy đủ, thậm chí còn nhiều định kiến với HTX nông nghiệp. Đây là “rào cản” thực sự. Trong khi đó, các cơ chế, chính sách hỗ trợ HTX nông nghiệp tuy nhiều nhưng thiếu nguồn lực triển khai.
P.V: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh còn tới 45 HTX nông nghiệp đã dừng hoạt động, chưa chuyển đổi theo Luật HTX hoặc giải thể, gây khó khăn cho công tác quản lý và tạo tâm lý, quan niệm không tốt về KTTT. Thực trạng này cần được giải quyết dứt điểm như thế nào, thưa ông?
Ông Dương Văn Toản: Đúng vậy. Việc chuyển đổi hoặc giải thể các HTX nông nghiệp đã dừng hoạt động của tỉnh chậm so với kế hoạch. Thời gian gần đây, ngành Nông nghiệp và UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt nhằm sớm giải quyết dứt điểm vấn đề này.
Mới đây, lãnh đạo UBND tỉnh đã tổ chức đối thoại với đại diện các HTX nông nghiệp trên địa bàn. Cuộc đối thoại phần nào thể hiện sự quan tâm lớn của tỉnh đối với KTTT nói chung, với các HTX nông nghiệp nói riêng. Điều đó cũng cho thấy khu vực HTX nông nghiệp đang có nhiều vấn đề cần giải quyết, cần sự chung tay vào cuộc của các cấp, ngành liên quan; triển khai đồng bộ, hiệu quả hơn nữa các cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích, thúc đẩy sự phát triển của các HTX nông nghiệp như: hỗ trợ vốn, kỹ thuật để triển khai, nhân rộng các mô hình, dự án; đào tạo, bồi dưỡng, thu hút nhân lực cho các HTX; quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm; tư vấn, hỗ trợ xây dựng phương án sản xuất – kinh doanh; “vực dậy” các HTX chưa hoat động hiệu quả… để khu vực HTX nông nghiệp không còn bị coi là “vùng trũng” của KTTT, góp phần đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển nông nghiệp, nông thôn.
P.V: Xin cảm ơn ông!