Doanh nghiệp cần biết tận dụng lợi thế sẵn có

Cập nhật: Thứ hai 11/03/2019 - 10:58
 Gạch xây dựng không nung là một trong những sản phẩm của Doanh nghiệp Việt Cường đang dần chiếm lĩnh thị trường.
Gạch xây dựng không nung là một trong những sản phẩm của Doanh nghiệp Việt Cường đang dần chiếm lĩnh thị trường.

Giới chuyên môn trong tỉnh đang đánh giá rất cao một doanh nghiệp (DN) tư nhân biết tận dụng lợi thế sẵn có của tỉnh để xây dựng thương hiệu mạnh về sản xuất vật liệu xây dựng (VLXD) và đóng góp cho sự phát triển chung. Đó là Công ty TNHH Bê tông xây dựng Việt Cường (viết tắt là DN Việt Cường). Trao đổi với phóng viên Báo Thái Nguyên, ông Đoàn Văn Tùng, Giám đốc DN Việt Cường chia sẻ: Hầu hết các sản phẩm VLXD của DN đều khai thác nguồn nguyên liệu sẵn có trong tỉnh…

 

P.V: Được biết, DN Việt Cường hiện là một trong số ít đơn vị của tỉnh phát triển theo mô hình đa dạng hóa các sản phẩm VLXD. Ông có thể cho biết một số sản phẩm chính mà DN hiện có?

Ông Đoàn Văn Tùng: Chúng tôi đang sở hữu các dây chuyền sản xuất VLXD quy mô lớn gồm: Hệ thống trạm trộn bê tông thương phẩm công suất 180m3/h với các sản phẩm bê tông tươi có thiết kế cấp phối từ M150 đến M500; Nhà máy gạch tuynel, công suất 8 triệu viên/năm tại Cụm công nghiệp Cao Ngạn (T.P Thái Nguyên) với sản phẩm gạch xây dựng các loại; DN cũng đầu tư dây chuyền sản xuất gạch không nung tại phường Đồng Bẩm (T.P Thái Nguyên), công suất 8 triệu viên/năm với các sản phẩm gạch xây dựng, gạch lát vỉa hè, trang trí sân vườn... Năm 2018, DN chính thức đưa vào vận hành Nhà máy sản xuất cấu kiện bê tông và cống xây dựng với công nghệ rung lõi và ép thủy lực của Cộng hòa Liên bang Đức tại Khu công nghiệp Điềm Thụy (Phú Bình), công suất từ 300-350m cống các loại/ngày…

P.V: Thái Nguyên là tỉnh giàu tiềm năng về phát triển VLXD. DN Việt Cường đã tận dụng lợi thế này như thế nào trong thời gian qua?

Ông Đoàn Văn Tùng: Tỉnh ta đang là địa phương có nhiều mỏ VLXD thông thường nhất nhì các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc, gồm: Cát, sỏi, đá, đất sét... Bởi thế, khi xây dựng DN chuyên sản xuất VLXD, chúng tôi luôn xác định phải khai thác triệt để lợi thế vốn có của tỉnh. Được các bộ, ngành Trung ương và tỉnh Thái Nguyên tạo điều kiện, trong những năm qua DN đã xin cấp phép khai thác tại một số mỏ đất, đá, cát sỏi ở gần khu vực sản xuất để tiện cho hoạt động chế biến. Đó là Mỏ đá Na Lay, xã Quang Sơn (Đồng Hỷ); Mỏ cát, sỏi Đồng Cẩu, xã Hòa Bình (Đồng Hỷ); Mỏ cát, sỏi Dân Tiến, xã Dân Tiến và Mỏ cát Thần Sa, xã Thần Sa (Võ Nhai) với tổng công suất khai thác 65.000m3/năm; Mỏ đất sét Theo Cầy, xã Hoá Thượng và xã Minh Lập (Đồng Hỷ)… DN cũng rất quan tâm và có trách nhiệm cùng chính quyền địa phương kích cầu tiêu thụ sản phẩm VLXD do cộng đồng DN trong tỉnh sản xuất. Cụ thể, đã hợp đồng sử dụng sản phẩm của các nhà máy sản xuất xi măng, sắt thép trên địa bàn.

P.V: Ông có thể cho biết đôi nét về những đóng góp của DN Việt Cường đối với sự phát triển chung của tỉnh thời gian vừa qua?

Ông Đoàn Văn Tùng: Do chủ động được phần lớn nguồn vật tư, nguyên liệu đầu vào với chi phí thấp nhất, lại thường xuyên quan tâm đầu tư phương tiện, máy móc hiện đại, nên thị phần cung cấp bê tông tươi và các sản phẩm VLXD khác của DN luôn đứng ở vị trí cao trong tỉnh. Thời gian qua, gần như các dự án lớn trên địa bàn đều có sự góp mặt của bê tông và VLXD Việt Cường, trong đó phải kể đến như: Dự án xây dựng các nhà máy của Tập đoàn Samsung tại Khu công nghiệp Yên Bình; Dự án xây dựng mỏ đa kim Núi Pháo; Dự án xây dựng mới đường cao tốc Thái Nguyên - Hà Nội; Dự án cải tạo, nâng cấp QL3 cũ; Dự án Trung tâm thiết kế thời trang TNG... Ngoài ra, các sản phẩm VLXD Việt Cường còn có mặt ở rất nhiều công trình xây dựng dân dụng khác trong và ngoài tỉnh. Hàng năm, DN Việt Cường đóng góp cho ngân sách Nhà nước hàng chục tỷ đồng, giải quyết việc làm thường xuyên cho gần 300 lao động, với mức thu nhập bình quân khoảng 9 triệu đồng/người/tháng.

P.V: Tỉnh Thái Nguyên đã, đang và sẽ tạo mọi điều kiện để DN, trong đó có DN sản xuất VLXD mở rộng quy mô phát triển. Thời gian tới, DN Việt Cường có những dự định đầu tư phát triển như thế nào?

Ông Đoàn Văn Tùng: Chúng tôi đang nỗ lực tận dụng cơ hội, tiềm năng sẵn có của địa phương để phát triển thành mô hình DN đa sản phẩm VLXD. Hiện giờ DN có bê tông tươi, gạch tuynel, gạch không nung, ống cống, cọc li tâm, cát, sỏi, đá xây dựng các loại. Trong tương lai gần, DN sẽ đầu tư và ra mắt một số sản phẩm VLXD mới phù hợp với thị trường để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội. DN sẽ mở rộng quy mô, phát triển đa dạng, có chiều sâu để dần trở thành nhà cung cấp VLXD số 1 trên địa bàn, hướng tới mục tiêu xây dựng thành Tập đoàn sản xuất và cung ứng VLXD ở địa phương. Chúng tôi rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện các bộ, ngành Trung ương và của tỉnh để sớm hoàn thành mục tiêu phát triển DN. Ngoài ra, mong muốn các DN hoạt động cùng lĩnh vực không ngừng phát huy lợi thế vốn có của địa phương để xây dựng thương hiệu và đóng góp vào sự tăng trưởng chung của kinh tế Thái Nguyên.

P.V: Xin cảm ơn ông!

Nguyễn San
(Thực hiện)
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: