Đồng hành vượt khó
Với hàng chục vạn lao động đang làm việc tại các đơn vị, công ty, doanh nghiệp nên khi dịch COVID-19 xảy ra đã làm ảnh hưởng đến việc làm và thu nhập của nhiều người lao động (NLĐ) trên địa bàn tỉnh. Trước bối cảnh này, với vai trò là “điểm tựa”, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh đã và sẽ có những giải pháp gì hỗ trợ NLĐ vượt qua khó khăn. Phóng viên Báo Thái Nguyên đã có cuộc phỏng vấn ông Vũ Duy Hoàng, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh về nội dung này.
PV: Trước hết, ông có thể cho biết, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng như thế nào đến NLĐ trên địa bàn tỉnh và có hay không tình trạng DN lợi dụng dịch bệnh để sa thải NLĐ?
Ông Vũ Duy Hoàng: LĐLĐ tỉnh hiện trực tiếp quản lý 9 LĐLĐ huyện, thành phố; thị xã; 7 ngành và tương đương; 14 đơn vị trực thuộc; phối hợp chỉ đạo hoạt động 40 doanh nghiệp trung ương trên địa bàn. Trong tổng số trên 215 nghìn công nhân viên chức lao động (CNVCLĐ) thì có gần 176,5 nghìn CNVCLĐ do LĐLĐ tỉnh trực tiếp quản lý. Theo thống kê từ các cấp công đoàn trên địa bàn tỉnh, tính đến cuối tháng 4, số đoàn viên, NLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 là 8.140 người. Trong đó, khối doanh nghiệp có 10 người bị chấm dứt hợp đồng lao động mà chưa đủ điều kiện nhận bảo hiểm thất nghiệp; 3.518 người bị tạm dừng hợp đồng 1 tháng; 96 người tạm dừng hợp đồng trên 1 tháng. Đối với khối giáo dục có 723 người bị chấm dứt hợp đồng chưa đủ điều kiện nhận bảo hiểm thất nghiệp; 3.768 người tạm dừng hợp đồng trên 1 tháng.
Qua nắm bắt, chúng tôi chưa phát hiện có trường hợp nào NLĐ bị nghỉ việc hay sa thải vì lý do DN muốn trục lợi từ chính sách hỗ trợ của Nhà nước, mà do DN thực sự gặp khó khăn, như thiếu đơn hàng hay hàng không thể xuất…
PV: Trước thực tế này, các cấp công đoàn trên địa bàn tỉnh đã có giải pháp gì để cùng doanh nghiệp bảo vệ quyền lợi NLĐ?
Ông Vũ Duy Hoàng: Căn cứ Chỉ thị của Chính phủ và các cấp ngành chức năng, ngay từ đầu tháng 2-2020, LĐLĐ tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch; đẩy mạnh các biện pháp tuyên truyền và đã ban hành 15 văn bản chỉ đạo đến Công đoàn các cấp trên địa bàn tỉnh; tổ chức tuyên truyền vận động theo sát chỉ đạo trong từng giai đoạn và diễn biến dịch bệnh; thành lập đoàn kiểm tra, giám sát công tác phòng chống dịch; tặng khẩu trang, nước rửa tay diệt khuẩn tại một số địa phương, đơn vị, doanh nghiệp trong tỉnh; chỉ đạo các cấp công đoàn trên địa bàn rà soát và xây dựng kế hoạch hỗ trợ đoàn viên, CNVCLĐ bị ảnh hưởng của dịch…
LĐLĐ tỉnh Thái Nguyên đã trích 750 triệu đồng, cấp phát 10 nghìn khẩu trang, 12 vạn chai nước rửa tay khử khuẩn và hỗ trợ kinh phí cho công đoàn cơ sở thực hiện phòng chống dịch. Bên cạnh đó, các cấp công đoàn đã tích cực phối hợp tuyên truyền vận động CNVCLĐ toàn tỉnh chung tay ủng hộ; hỗ trợ gạo cho CNLĐ gặp khó khăn… Tính đến cuối tháng 4, tổng tiền mà các cấp CĐ phối hợp với chuyên môn cùng cấp và các đơn vị, tổ chức vận động được cho công tác phòng chống dịch là trên 30 tỷ đồng. Trong đó, công đoàn các cấp và LĐLĐ tỉnh Thái Nguyên vận động trên 3 tỷ đồng.
PV: Mặc dù hiện nay, tình hình dịch COVID-19 đã được kiềm chế ở Việt Nam nhưng hậu quả để lại cho NLĐ vẫn chưa dứt, nhất là khi diễn biến dịch bệnh vẫn còn phức tạp tại nhiều quốc gia trên thế giới, tiếp tục tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với DN và NLĐ. LĐLĐ tỉnh đã có sự chuẩn bị gì nếu NLĐ tiếp tục bị gián đoạn hoặc mất việc?
Ông Vũ Duy Hoàng: Quả thật, với nhiều lao động, sau khi mất việc, họ không dễ để tìm kiếm ngay việc làm mới, trong khi, họ lại là lao động chính của gia đình. Vì thế, các cấp công đoàn trên địa bàn tỉnh vẫn đang tiếp tục thực hiện rà soát thống kê lao động bị ảnh hưởng do dịch bệnh COVID-19, đồng thời tích cực tuyên truyền vận động đoàn viên, CNVCLĐ đóng góp ủng hộ, động viên chia sẻ trong công tác phòng, chống dịch; cùng doanh nghiệp có những giải pháp duy trì việc làm, giữ chân NLĐ, phát hiện những cách làm hay, sáng tạo, gương điển hình để động viên và đề nghị biểu dương khen thưởng kịp thời.
Cùng với đó, LĐLĐ tỉnh cũng đã xây dựng kế hoạch hỗ trợ gạo cho đoàn viên, CNLĐ gặp khó khăn do tác động của dịch bệnh 10kg/người (thời gian đến tháng 6-2020, hoặc có thể kéo dài tùy vào tình hình dịch bệnh). Đặc biệt, chúng tôi sẽ tiếp tục chỉ đạo các cấp công đoàn triển khai thực hiện nghiêm túc các Chỉ thị của Chính phủ, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh trong công tác phòng chống dịch COVID-19. Chủ động, tích cực trong phối hợp với chính quyền chuyên môn đồng cấp để thực hiện tốt nhiệm vụ này. Theo dõi và có báo cáo kịp thời khi phát hiện có hiện tượng bất thường xảy ra...
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!