Giảm hội họp để tập trung giải quyết công việc và đi cơ sở
Lãnh đạo thị trấn Hùng Sơn (Đại Từ) đến thăm, động viên gia đình người có công với cách mạng trên địa bàn. |
Lồng ghép tổ chức các hội nghị, giảm thiểu tối đa những cuộc họp không cần thiết để dành thời gian cho cán bộ giải quyết công việc chuyên môn và đi cơ sở là chủ trương được Huyện ủy Đại Từ triển khai thực hiện từ nhiều năm qua. Đây được xem là một trong những giải pháp đột phá trong cải cách thủ tục hành chính, hướng tới sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp. Trao đổi với phóng viên Báo Thái Nguyên, ông Lê Kim Phúc, Bí thư Huyện ủy Đại Từ đã chia sẻ về kinh nghiệm thực hiện vấn đề này trên địa bàn huyện.
P.V: Hội họp quá nhiều làm hệ thống hành chính trì trệ có thể coi là căn bệnh kinh niên ở nhiều cấp, nhiều ngành. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Ông Lê Kim Phúc: Đây là vấn đề đã được bàn đến khá nhiều. Cần khẳng định rằng, họp là cần thiết và những cuộc họp trong cơ quan, tổ chức đa phần là bổ ích, nếu không họp thì nhiều vấn đề không được làm sáng tỏ và giải quyết triệt để. Nhưng việc gì cũng phải họp, việc gì cũng đưa ra bàn và họp quá nhiều sẽ gây lãng phí thời gian, tiền bạc, nhân lực... và đáng lo hơn nữa là sẽ tạo ra chỗ dựa cho bệnh “thiếu trách nhiệm” trong lãnh đạo, quản lý. Thực tế là có quá nhiều cuộc họp nên một số cơ quan, đơn vị không đủ lãnh đạo đi dự trong cùng một buổi. Đặc biệt là cấp cơ sở - nơi tiếp nhận nhiều nội dung của cấp trên để triển khai trong nhân dân, rồi một cán bộ tham gia nhiều “vai” nên phải dự nhiều cuộc họp dẫn đến công tác điều hành nhiệm vụ chuyên môn, giải quyết công việc, đi cơ sở bị ảnh hưởng.
P.V: Vậy, để hạn chế hội họp, nhất là những cuộc họp không cần thiết, huyện Đại Từ đã khắc phục như thế nào, thưa ông?
Ông Lê Kim Phúc: Với mục tiêu nâng cao hiệu quả công vụ phục vụ người dân và doanh nghiệp, lãnh đạo và thực hiện mục tiêu xây dựng địa phương phát triển nhanh, bền vững, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Thường trực Huyện ủy Đại Từ đã chỉ đạo tập trung cải cách hành chính. Trong đó nhấn mạnh việc giảm bớt họp không cần thiết; lồng ghép các cuộc họp cùng thành phần tham dự, cùng nội dung cần thảo luận để tập trung cho công tác lãnh đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ và đi cơ sở của cán bộ. Đến nay, Đại Từ đã áp dụng tốt phần mềm quản lý văn bản nên tài liệu các hội nghị được gửi trước cho đại biểu nghiên cứu, chuẩn bị ý kiến. Khi triển khai họp thì lược bớt phần rờm rà không cần thiết, ý kiến phát biểu trọng tâm hơn và hạn chế tổ chức ăn cơm hội nghị. Cùng với đó, các buổi học tập, quán triệt nghị quyết của Trung ương, của tỉnh khi được tổ chức trực tuyến thì huyện mời toàn thể cán bộ trong diện quy định hoặc tiếp nối đường truyền xuống tận cấp xã để hạn chế phải tổ chức quán triệt nhiều lần.
P.V: Để nâng cao chất lượng mỗi cuộc họp, đạt được hiệu quả như mong muốn, theo ông cần bảo đảm những yếu tố gì?
Ông Lê Kim Phúc: Theo tôi, để tổ chức một cuộc họp hiệu quả cần bảo đảm các yếu tố: Thực hiện đúng chức trách, quyền hạn và nguyên tắc tập trung dân chủ, công khai, minh bạch; kết hợp các nội dung có liên quan với nhau để tổ chức chung, kể cả các vấn đề khác nhau nhưng khi chuẩn bị kỹ, có thể tạo sự đồng thuận nhanh thì cũng ghép vào một buổi để đỡ mất thời gian; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, từ phát tài liệu, phiếu chất vấn, phiếu xin ý kiến đến kết luận và đặc biệt từng bước họp trực tuyến với các cơ quan, đơn vị và địa phương; giảm bớt thủ tục nghi lễ mang tính hình thức để dành thời gian cho nội dung chính. Một yếu tố cần nhấn mạnh là phát huy năng lực và kỹ năng của người chủ trì, nhất là quá trình điều hành, tổng hợp ý kiến và kết luận. Điều quan trọng là khi tổ chức họp, phải bảo đảm hoạt động của cơ quan, đơn vị, địa phương diễn ra bình thường để thực hiện nhiệm vụ và phục vụ nhân dân.
P.V: Không chỉ với cán bộ chủ chốt và phòng ban chuyên môn cấp huyện, chủ trương giảm hội họp đã lan tỏa và được các xã, thị trấn trên địa bàn thực hiện ra sao, thưa ông?
Ông Lê Kim Phúc: Chủ trương giảm và lồng ghép các cuộc họp đem lại hiệu quả thiết thực và tạo sự đồng thuận cao. Đặc biệt với cấp xã, thị trấn là đơn vị hành chính cuối cùng trực tiếp với nhân dân nên càng cần phải giảm họp để thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, tiếp dân và bám sát cơ sở. Các xã, thị trấn của Đại Từ đã tích cực giảm họp, nhất là lồng ghép các cuộc họp như: Sơ kết, tổng kết của đảng bộ, HĐND, UBND cơ bản cùng một báo cáo đánh giá; hội nghị MTTQ và các đoàn thể, hội nghị các hội đặc thù… Đối với cấp cơ sở có một yếu tố thuận lợi cho chủ trương giảm và lồng ghép các cuộc họp là thành phần các hội nghị đa số trùng lặp.
P.V: Từ thực tế ở huyện Đại Từ, ông có đề xuất gì, nhất là về vấn đề thể chế để giảm họp, tăng hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính?
Ông Lê Kim Phúc: Để giảm họp, tăng hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính, tôi có một số đề xuất sau: Sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật về chế độ hội họp, trước hết là bổ sung vào Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức quy định việc tổ chức hội họp trong hoạt động công vụ, thực hiện chức trách và nhiệm vụ được giao của cán bộ, công chức, viên chức. Đồng thời đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra để các quy định về hội họp bảo đảm thực hiện nghiêm túc. Tiếp tục đẩy mạnh phân công, phân cấp giữa các cấp, các ngành và quy định thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ rõ ràng, không chồng chéo. Một việc chỉ giao cho một cơ quan làm đầu mối chủ trì thực hiện, các cơ quan khác làm nhiệm vụ phối hợp. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức hội họp, nhất là họp trực tuyến, phòng họp không giấy tờ…
P.V: Xin cảm ơn ông!