Giảm nghèo không phải cuộc đua thành tích
Bình quân hàng năm, huyện Võ Nhai có 270 người lao động được đào tạo nghề. Trong ảnh: Lớp học nghề may công nghiệp tại xã Vũ Chấn do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Hợp tác và Phát triển nguồn nhân lực Thái Nguyên tổ chức. |
Quyết liệt vào cuộc, không chạy theo thành tích, các nguồn vốn của Nhà nước và Nhân dân đều được huy động. Tất cả tạo thành sức mạnh tổng hợp, từng bước đưa Võ Nhai vượt qua khó nghèo, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện… Để tìm hiểu rõ hơn về những kết quả giảm nghèo ở địa phương vùng cao này, phóng viên Báo Thái Nguyên đã phỏng vấn đồng chí Bùi Thị Sen, Chủ tịch UBND huyện Võ Nhai.
P.V: Trước hết, đồng chí có thể thông tin khái quát về những thành quả huyện Võ Nhai đạt được trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020?
Đồng chí Bùi Thị Sen: Võ Nhai là huyện vùng cao duy nhất của tỉnh Thái Nguyên, gồm 15 xã, thị trấn với 176 xóm, trong đó, 8 xã khu vực III, 1 xã khu vực II, 6 xã khu vực I và 59 xóm, bản đặc biệt khó khăn. Toàn huyện có hơn 18.000 hộ, gần 70.000 nhân khẩu, gần 73% là người dân tộc thiểu số.
Tại các xóm vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, đồng bào các dân tộc còn hạn chế về trình độ dân trí, tập quán canh tác lạc hậu, khả năng ứng dụng những kiến thức khoa học kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi còn chậm, sản xuất manh mún, chưa tạo thành vùng hàng hóa tập trung... Đây là những nguyên nhân trực tiếp làm hạn chế sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Để khắc phục khó khăn, từng bước nâng cao mức sống về vật chất, tinh thần cho người dân, các cấp, ngành của huyện chủ động bám sát những văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, đồng thuận triển khai, thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững.
Trong đó, tập trung vào các chính sách ưu đãi tín dụng; hỗ trợ dạy nghề và tạo việc làm; cung cấp dịch vụ khuyến nông, khuyến lâm cho người nghèo, hộ nghèo. Thực hiện hỗ trợ về giáo dục, đào tạo nghề, nhà ở; trợ giúp pháp lý, văn hoá, thông tin và hỗ trợ nâng cao mức sống cho các đối tượng bảo trợ xã hội… Kết quả là số hộ nghèo trên toàn huyện giảm nhanh, từ hơn 5.400 hộ (năm 2016) xuống còn hơn 1.100 hộ (năm 2021). Hiện, 14 xóm trên địa bàn đã được xóa tên trong danh sách xóm, bản đặc biệt khó khăn của Chính phủ.
P.V: Với những kết quả khả quan trên, giai đoạn 2021-2025, mục tiêu được huyện đặt ra trong công tác giảm nghèo bền vững là gì, thưa đồng chí?
Đồng chí Bùi Thị Sen: Giai đoạn 2021-2025, huyện Võ Nhai tập trung huy động mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội, trong đó thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các dự án, chính sách để hỗ trợ giảm nghèo, tạo điều kiện để các hộ nghèo, cận nghèo phát triển sản xuất, tăng thu nhập, tiếp cận thuận lợi với các dịch vụ xã hội cơ bản về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt, vệ sinh môi trường, thông tin.
Đồng thời, địa phương cũng tăng cường đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, tạo điều kiện cho phát triển kinh tế - xã hội. Gắn công tác giảm nghèo với xây dựng nông thôn mới; phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu Chương trình giảm nghèo bền vững trên địa bàn; phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo giảm 3%/năm…
P.V: Số hộ nghèo còn lại của huyện được đánh giá là khó thoát nghèo. Do vậy, để đạt được mục tiêu trên, xin đồng chí cho biết, Võ Nhai đã đề ra những giải pháp đột phá như thế nào?
Đồng chí Bùi Thị Sen: Quả thật, 1.100 hộ nghèo còn lại của huyện đều là những gia đình có hoàn cảnh rất khó khăn. Vì vậy, giai đoạn 2021-2025, chúng tôi tập trung huy động các nguồn lực đầu tư cho công tác giảm nghèo bền vững theo phân kỳ. Trong đó có một số chương trình, dự án trọng điểm như: Xây dựng các công trình hạ tầng cơ sở; nâng cao năng lực sản xuất của người dân thông qua các hoạt động tuyên truyền, chuyển giao khoa học kỹ thuật tiên tiến về nông - lâm nghiệp; tạo thuận lợi cho mọi người dân được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi của Nhà nước.
Đặc biệt, 2 đề án kinh tế có tính khả thi cao cũng sẽ được huyện triển khai. Đó là Đề án “Phát triển nông, lâm nghiệp huyện Võ Nhai giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030” theo hướng tiếp tục hỗ trợ xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế nông, lâm nghiệp tiến tới sản xuất các sản phẩm hàng hóa an toàn, có sức cạnh tranh cao, có đầu ra ổn định.
Đối với Đề án “Phát triển du lịch huyện Võ Nhai giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030” sẽ tập trung phát triển các mô hình dịch vụ du lịch sinh thái, du lịch gắn với các di tích và lễ hội truyền thống, ẩm thực, du lịch khám phá hang động, du lịch mạo hiểm.
Cuối cùng, xin được khẳng định: Võ Nhai quyết liệt trong triển khai thực hiện giảm nghèo bền vững, coi trọng chất lượng, không chạy theo thành tích.
P.V: Xin cảm ơn đồng chí!