Hướng tới xây dựng chính quyền số
Nâng cao chất lượng giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác cải cách hành chính giai đoạn 2021-2025. Trong ảnh: Người dân đến làm thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh. |
Nhiệm vụ trọng tâm trong công tác cải cách hành chính (CCHC) giai đoạn 2021-2025 của tỉnh là xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) chuyên nghiệp, có năng lực, phẩm chất đạo đức. Cùng với đó là đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số… Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Báo Thái Nguyên đã phỏng vấn ông NGUYỄN ĐỨC LỰC, Giám đốc Sở Nội vụ, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo CCHC của tỉnh.
P.V: Trước hết, ông đánh giá như thế nào về kết quả đạt được trong việc thực hiện Đề án “Đẩy mạnh CCHC Nhà nước tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2016-2020”?
Ông Nguyễn Đức Lực: Công tác CCHC đã nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ Đảng, chính quyền các cấp, sự tham gia của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân. Bộ máy hành chính các cấp ngày càng được hoàn thiện hơn; chức năng, nhiệm vụ được phân định rõ ràng; chất lượng ban hành các văn bản quy phạm pháp luật được chú trọng, các thủ tục hành chính (TTHC) được đơn giản hóa, tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư; ý thức, trách nhiệm của đội ngũ công chức và chất lượng giải quyết TTHC cho tổ chức, cá nhân ngày càng được nâng lên.
Điều đó được minh chứng qua kết quả cải thiện thứ hạng CCHC hằng năm. Năm 2020 là năm thứ 4 liên tiếp tỉnh cải thiện thứ hạng Chỉ số CCHC, tăng tới 42 bậc so với năm 2016. Nhiều nội dung, tiêu chí được duy trì và cải thiện, như: Cải cách TTHC, cải cách thể chế, cải cách tài chính công, hiện đại hóa hành chính...
P.V: Theo ông, điểm nổi bật nhất trong công tác CCHC của tỉnh trong giai đoạn qua là gì?
Ông Nguyễn Đức Lực: Năm 2020, các chỉ số liên quan đến đánh giá CCHC đều được cải thiện: Chỉ số CCHC (Par Index) xếp thứ 12/63 tỉnh, thành phố trong cả nước, tăng 2 bậc so với năm 2019; Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công xếp thứ 3 và Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Thái Nguyên luôn có thứ hạng cao, xếp thứ 11/63 tỉnh, thành phố.
Kết quả trên khẳng định hướng đi đúng đắn của tỉnh trong công tác CCHC, gắn công tác CCHC với phát triển kinh tế - xã hội bền vững, hiệu quả hoạt động quản lý, điều hành của bộ máy chính quyền các cấp được nâng lên...
P.V: Mặc dù có những bước tiến vượt bậc, song công tác CCHC vẫn còn bộc lộ những hạn chế, tồn tại nào cần khắc phục trong thời gian tới, thưa ông?
Ông Nguyễn Đức Lực: Trong quá trình thực hiện công tác CCHC vẫn còn một số nhiệm vụ chậm tiến độ. Ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương người đứng đầu chưa thực sự quyết liệt, nguồn kinh phí đầu tư cho CCHC còn hạn hẹp, cơ sở hạ tầng nhiều nơi chưa thực sự đáp ứng yêu cầu, nhất là hạ tầng về công nghệ thông tin. Qua khảo sát, đánh giá sự hài lòng của tổ chức, cá nhân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước cho thấy, trách nhiệm thực thi công vụ đối với cán bộ, công chức ở một số nơi chưa cao, vẫn còn đơn vị, địa phương để hồ sơ quá hạn, việc cung ứng các dịch vụ công còn hạn chế...
P.V: Vậy, nhiệm vụ trọng tâm công tác CCHC giai đoạn 2021-2025 là gì, thưa ông?
Ông Nguyễn Đức Lực: Là cơ quan Thường trực công tác CCHC, Sở Nội vụ chủ động tham mưu cho tỉnh xây dựng Chương trình tổng thể CCHC Nhà nước tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, định hướng năm 2030. Trọng tâm là xây dựng đội ngũ CBCCVC chuyên nghiệp, có năng lực, phẩm chất đạo đức, có số lượng, cơ cấu hợp lý; đẩy mạnh xây dựng và phát triển chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số.
Tiếp tục xây dựng các nhóm giải pháp nhằm duy trì, nâng cao thứ hạng các chỉ số: Par Index, PAPI, PCI, ICT Index. Đồng thời, tiếp tục rà soát, tăng cường cung ứng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; nâng cao chất lượng giải quyết hồ sơ TTHC. Tăng cường kiểm tra công tác CCHC ở cấp cơ sở; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho đội ngũ CBCCVC...
P.V: Xin cảm ơn ông!