Khám, chữa bệnh từ xa: Xu thế tất yếu
Các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên tư vấn, hội chẩn và tham gia phẫu thuật cho người bệnh ở Bệnh viện đa khoa Cao Bằng. |
Như thông tin chúng tôi đã đưa, mới đây, Bộ Y tế đã tổ chức khánh thành 1.000 cơ sở y tế khám, chữa bệnh từ xa. Để hiểu hơn về hoạt động khám, chữa bệnh từ xa ở Việt Nam nói chung và Thái Nguyên nói riêng, phóng viên Báo Thái Nguyên đã có cuộc phỏng vấn với ông Hoàng Hải, Phó Giám đốc Sở Y tế.
P.V: Ông đánh giá như thế nào về lợi ích của công tác khám, chữa bệnh từ xa?
Ông Hoàng Hải: Khi thực hiện khám, chữa bệnh từ xa, bác sĩ có thể theo dõi, điều trị cho người bệnh thông qua màn hình mà không nhất thiết gặp trực tiếp, kịp thời xử lý các rắc rối về sức khỏe. Khi thực hiện khám chữa bệnh từ xa, các bác sĩ có thể áp dụng cho nhiều quy trình từ chẩn đoán đến điều trị (kể cả phẫu thuật), dự phòng đến phục hồi. Người bệnh không phải đến bệnh viện, phòng khám, không phải xếp hàng, chờ đợi để được khám. Dù ở bất cứ nơi nào đều có thể nhanh chóng nhận được sự tư vấn về sức khỏe và y tế cần thiết; không mất chi phí đi lại, vận chuyển. Đây chính là nền tảng giúp kết nối các y bác sĩ đầu ngành với đồng nghiệp và người bệnh từ khắp nơi, giúp tiết kiệm chi phí, nâng cao chất lượng y tế cộng đồng, đặc biệt đối với các ca bệnh khó, các trường hợp cấp cứu, các vùng xa xôi giao thông khó khăn. Đồng thời, đây cũng là hình thức đào tạo đặc biệt kiểu “cầm tay chỉ việc” giúp nhân viên y tế nâng cao trình độ chuyên môn.
Trên thực tế, loại hình khám, chữa bệnh này cũng đã xuất hiện trên thế giới và ở nước ta từ nhiều năm nay nhưng chưa đồng bộ và nhỏ lẻ. Trong giai đoạn toàn cầu ứng phó với đại dịch COVID-19 như hiện nay thì mô hình này càng chiếm ưu thế và được tận dụng tối đa để giải quyết vấn đề tránh lây nhiễm vi rút SAR-Cov-2.
Tại Việt Nam, trong thời đại công nghệ 4.0, để đồng bộ hóa hệ thống y tế của Việt Nam và kết nối với thế giới, vừa qua, Bộ Y tế đã phê duyệt Đề án "Khám, chữa bệnh từ xa" giai đoạn 2020-2025, hướng tới người dân được sử dụng dịch vụ y tế có chất lượng của tuyến trên ngay tại cơ sở y tế tuyến dưới. Mục tiêu của Đề án là: Mọi người dân đều được quản lý, tư vấn, khám, chữa bệnh, hỗ trợ chuyên môn của các bác sĩ từ tuyến xã đến tuyến Trung ương; người dân được sử dụng dịch vụ y tế có chất lượng của tuyến trên ngay tại cơ sở y tế tuyến dưới. Các cơ sở y tế được hỗ trợ chuyên môn thường kỳ và đột xuất từ các bệnh viện tuyến cuối dựa trên nền tảng công nghệ thông tin; góp phần phòng chống dịch bệnh, giảm quá tải cho bệnh viện tuyến trên, nâng cao chất lượng, hiệu quả khám, chữa bệnh và sự hài lòng của người dân.
P.V: Trong điều kiện hiện nay, Thái Nguyên gặp khó khăn, thuận lợi gì trong việc thực hiện Đề án Khám, chữa bệnh từ xa, giai đoạn 2020-2025 của Bộ Y tế, thưa ông?
Ông Hoàng Hải: Đây là một bước đột phá về ứng dụng công nghệ phạm vi toàn quốc nên tại Thái Nguyên sẽ gặp không ít khó khăn khi thực hiện Đề án, trong đó phải kể đến việc kết nối và đồng bộ dữ liệu của tất cả các cơ sở y tế, bao gồm cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, phần mềm, đường truyền. Bên cạnh đó, đây lại là một nhiệm vụ mới được triển khai, các cán bộ công nghệ thông tin và độ ngũ cán bộ y tế chưa được tập huấn về trình tự, kỹ năng tham gia các buổi hội chẩn, khám chữa bệnh từ xa.
Tuy nhiên, được sự quan tâm của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và cả hệ thống chính trị, trên nền tảng các đơn vị khám, chữa bệnh trên địa bàn đã nhiều năm ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và được kết nối liên thông ở tất cả các cấp, cán bộ y tế luôn nhiệt huyết, mong muốn được tiếp cận học tập nâng cao trình độ chuyên môn từ các bệnh viện tuyến trên cũng như giúp bệnh nhân được chẩn đoán và điều trị tại cơ sở, không phải chuyển lên tuyến trên giảm gánh nặng về chi phí điều trị cho bệnh nhân. Những nền tảng vững chắc này sẽ là “đòn bẩy” để Thái Nguyên thực hiện tốt công tác khám, chữa bệnh từ xa.
P.V: Ông có thể thông tin đến bạn đọc Báo Thái Nguyên những phần việc Thái Nguyên đã, đang và sẽ làm để triên khai thực hiện Đề án Khám chữa bệnh từ xa?
Ông Hoàng Hải: Thực hiện Quyết định số 2628/QĐ-BYT ngày 22/6/2020 của Bộ Y tế về việc Phê duyệt Đề án "Khám, chữa bệnh từ xa" giai đoạn 2020-2025, thời gian qua, chúng tôi đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về công tác này tới các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn, nhiều đơn vị rất mong đợi hoạt động khám, chữa bệnh từ xa được “khởi động” tại đơn vị mình. Vì vậy, đến nay đã có 17 bệnh viện đăng ký thực hiện khám, chữa bệnh từ xa cho người dân và kết nối nối với các bệnh viện Trung ương và các bệnh viện đầu ngành. Mặc dù mới triển khai nhưng thời gian qua, một số bệnh viện tuyến trên đã tổ chức một số buổi hội chẩn điều trị, xử trí trực tiếp ca bệnh với các bệnh viện tuyến dưới, từ đó tạo tiền đề tốt cho các bệnh viện thực hiện hiệu quả công tác này.
Về nhiệm vụ thời gian tới, chúng tôi sẽ chỉ đạo và hướng dẫn các đơn vị thành lập Trung tâm hội chẩn, lập kế hoạch đầu tư và số hóa trang thiết bị, thực hiện danh mục các kỹ thuật hội chẩn từ xa theo hướng dẫn của Bộ Y tế, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng kiến thức về ứng dụng công nghệ thông tin cho cán bộ y tế. Đồng thời, nghiên cứu tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng Đề án Y tế thông minh giai đoạn 2021-2025 theo chỉ đạo của Bộ Y tế.
Với xu hướng kết nối toàn cầu, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự quyết tâm của ngành và của các đơn vị, mong muốn của người dân, chúng tôi tin tưởng hoạt động khám, chữa bệnh từ xa sẽ thành công trên địa bàn tỉnh.
P.V: Xin cảm ơn ông!