Không để tồn đọng thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai
Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh, thời gian qua, ngành Tài nguyên và Môi trường đã đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến Luật Đất đai năm 2013 và nhiều văn bản pháp lý đến các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Đặc biệt, ngành Tài Nguyên và Môi trường tỉnh đã đầu tư nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị chuyên môn để giảm thiểu tình trạng tồn đọng thủ tục hành chính. Để bạn đọc hiểu rõ về nội dung này, Báo Thái Nguyên đã phỏng vấn ông Nguyễn Thế Hoàn, Giám đốc Văn phòng cấp quyền sử dụng đất tỉnh (Sở Tài nguyên và Môi trường)…
P.V: Trước hết, ông có thể thông tin về tình hình giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai từ đầu năm 2020 đến nay?
Ông Nguyễn Thế Hoàn: Căn cứ các văn bản chỉ đạo của các Bộ, ngành Trung ương; các văn bản chỉ đạo của Sở Tài nguyên và Môi trường, thời gian qua, lãnh đạo Văn phòng Đăng ký Đất đai tập trung chỉ đạo quyết liệt, đưa ra các giải pháp trọng tâm, trọng điểm để các phòng chuyên môn, các chi nhánh trực thuộc tiếp tục chú trọng đẩy nhanh tiến độ, chất lượng giải quyết các thủ tục hành chính về đất đai trên địa bàn tỉnh.
Kết quả cụ thể: Tính từ ngày 16/12/2019 đến hết ngày 15/7/2020, Văn phòng Đăng ký Đất đai đã tiếp nhận tổng số 51.875 hồ sơ, trong đó nhận mới 48.042 hồ sơ, tháng 11/2019 chuyển sang 3.833 hồ sơ. Đã giải quyết xong 47.274 hồ sơ, trong đó, đúng hạn 46.934 hồ sơ, chiếm 99,28% số hồ sơ đã giải quyết. Số hồ sơ quá hạn là 258 hồ sơ,chiếm 0,72% số hồ sơ đã giải quyết.
P.V: Sau thời gian nghỉ giãn cách xã hội do dịch bệnh COVID-19, hồ sơ đề nghị giải quyết thủ tục hành chính của các tổ chức, cá nhân có biến động nhiều so với cùng kỳ năm trước hay không, thưa ông?
Ông Nguyễn Thế Hoàn: Trong 06 tháng đầu năm 2020, Văn phòng Đăng ký đất đai và các chi nhánh đã tiếp nhận tổng số 44.050 hồ sơ, giảm 4.230 hồ sơ so với cùng kỳ năm 2019. Đã giải quyết tổng số 39.068 hồ sơ, trong đó có 38.810 hồ sơ giải quyết đúng hạn, chiếm 99.34% tổng số hồ sơ đã giải quyết. Số hồ sơ quá hạn là 258 hồ sơ (đã giải quyết xong), tăng 19 hồ sơ so với cùng kỳ năm 2019, chiếm 0,66 % tổng số hồ sơ đã giải quyết.
So với cùng kỳ năm 2019, trong 6 tháng đầu năm nay, số lượng hồ sơ tiếp nhận có giảm, tỷ lệ hồ sơ quá hạn cao hơn 19 hồ sơ, nguyên nhân do thực hiện việc cách ly xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, những hồ sơ này được giám sát qua hệ thống phần mềm một của điện tử. Ngày đến hạn kết thúc trên phần mềm đúng vào ngày cán bộ làm việc ở nhà để thực hiện cách ly nên không kết thúc được hồ sơ trên phần mềm.
Trong thời gian thực hiện việc cách ly xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Đăng ký Đất đai đã đẩy mạnh những giải pháp như: ứng dụng công nghệ thông tin để giải quyết công việc; tăng cường sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 đối với việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ…
P.V: Đối với những hồ sơ bị quá hạn hoặc Văn phòng Đăng ký đất đai chuyển trả 9 chi nhánh văn phòng cấp huyện vì những nguyên nhân gì, thưa ông?
Ông Nguyễn Thế Hoàn: Việc tiếp nhận và giải quyết các thủ tục hành chính về đất đai của tỉnh có khối lượng rất lớn. Hàng năm, có khoảng hơn 100.000 thủ tục cần giải quyết trên địa bàn tỉnh, tập trung chủ yếu ở một số chi nhánh như: T.P Thái Nguyên, T.X Phổ Yên…mặc dù tập thể lãnh đạo, cán bộ ,viên chức, người lao động đã rất nỗ lực và cố gắng nhưng vẫn còn hồ sơ quá hạn (dù chiếm tỷ lệ nhỏ) do một số nguyên nhân sau: chỉ tiêu biên chế (hiện tại có 64 biên chế), nhân lực tại 9 chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai còn thiếu, không được bổ sung; hồ sơ sau khi giải quyết xong, kết thúc không kịp thời trên hệ thống một cửa điện tử (do phần mềm một cửa điện tử tính theo từng giờ).
Sau khi tiếp nhận hồ sơ do các chi nhánh chuyển lên, trong quá trình thẩm định phát hiện những hồ sơ chưa đủ điều kiện như: Thiếu thành phần hồ sơ, thiếu căn cứ pháp lý, không đảm bảo các quy định của pháp luật thì Văn phòng Đăng ký Đất đai trả lại yêu cầu bổ sung.
P.V: Việc cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp trước thời điểm tháng 10-1993 có ghi phần đất ở là “chữ T” vượt quá hạn mức theo quy định của pháp luật hiện hành sẽ giải quyết như thế nào thưa ông?
Ông Nguyễn Thế Hoàn: Theo Khoản 4, Điều 6, Quyết định số 1597/2007/QĐ-UBND ngày 10/8/2007 của UBND tỉnh Thái Nguyên: Người sử dụng đất thuộc trường hợp phải điểu chỉnh cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sau thời hạn quy định tại Điều 8 của quy định này, mà không làm thủ tục điều chỉnh cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì UBND cấp huyện ra quyết định thu hồi hoặc huỷ bỏ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp, sau ngày 31/12/2008 .
Theo đó, sau ngày 31/12/2008, những trường hợp phải thực hiện điều chỉnh, cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà chưa thực hiện điều chỉnh, cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì thẩm quyền giải quyết thuộc UBND cấp huyện, thị xã, thành phố, không thuộc trách nhiệm của Văn phòng Đăng ký Đất đai.
P.V: Xin cảm ơn ông!