Nghề của lòng nhân ái

Cập nhật: Thứ hai 19/08/2019 - 11:04
 Cán bộ Dự án chăm sóc sức khỏe tâm thần tại cộng đồng làm việc tại Trung tâm Bảo trợ và CTXH tỉnh Thái Nguyên.
Cán bộ Dự án chăm sóc sức khỏe tâm thần tại cộng đồng làm việc tại Trung tâm Bảo trợ và CTXH tỉnh Thái Nguyên.

Nhiều người ví rằng, công tác xã hội (CTXH) là nghề của lòng nhân ái, bởi đây là hoạt động phát hiện và giúp đỡ những cá nhân, nhóm người gặp khó khăn, nhằm hỗ trợ họ vượt qua rào cản của cuộc sống, giảm thiểu bất bình đẳng và giúp hoà nhập với cộng đồng một cách tích cực nhất. Để bạn đọc hiểu hơn về công việc này, phóng viên Báo Thái Nguyên có cuộc trao đổi với bà Phùng Thị Thơm, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo trợ và CTXH (Sở Lao động, Thương binh - Xã hội).

P.V: Dù ngày càng phổ biến nhưng có lẽ không nhiều người hiểu rõ nghề CTXH, bà có thể chia sẻ đôi chút đặc thù về công việc này?

Bà Phùng Thị Thơm: Trên thế giới, CTXH được đánh giá là một nghề chuyên nghiệp và ngày càng có ý nghĩa lớn trong đời sống. Tuy nhiên, tận đến năm 2010, đây mới trở thành một nghề được công nhận về mặt pháp lý ở Việt Nam. CTXH có vai trò là cầu nối các ngành liên quan để thực hiện mục tiêu an sinh xã hội, góp phần giải quyết vấn đề cho cá nhân, gia đình và cộng đồng.

Nghề CTXH cung cấp dịch vụ cho người dân và bản thân nhân viên CTXH là người làm việc, tiếp xúc với nhiều đối tượng khác nhau. Bên cạnh người yếu thế cần trợ giúp thì họ còn làm việc với những nhóm đối tượng xã hội phức tạp như: Nghiện ma túy, nhiễm HIV/AIDS, mại dâm... Với đặc thù như vậy, yêu cầu đối với nhân viên CTXH là không chỉ nắm vững kiến thức chuyên môn mà còn phải có kỹ năng giao tiếp, khai thác thông tin, hiểu biết tâm lý. Mặt khác, do đối tượng được hỗ trợ thường rất đặc biệt nên cũng yêu cầu nhân viên làm CTXH phải có đạo đức nghề nghiệp.

P.V: Vậy những khó khăn của nghề này là gì, thưa bà?

Bà Phùng Thị Thơm: Có một thực tế là hiểu biết của người dân và nhiều cán bộ, công chức về nghề CTXH còn hạn chế; đôi khi bị đánh đồng với hoạt động từ thiện.

Có khá nhiều khó khăn đối với nghề CTXH. Đó là mạng lưới cơ sở, tổ chức cung cấp dịch vụ và nhân viên, cộng tác viên CTXH còn thiếu về số lượng, hạn chế về chất lượng. Tại các địa phương, cộng tác viên CTXH chủ yếu là cán bộ kiêm nhiệm. Cơ chế phối hợp liên ngành chưa đồng bộ, chế độ chính sách hỗ trợ đối tượng còn bất cập. Nhiều trường hợp bị lạm dụng, xâm hại, bạo lực, còn bị chính quyền địa phương cũng như gia đình che giấu vì sợ làm ảnh hưởng đến thành tích thi đua.

Bên cạnh đó, việc huy động nguồn lực để trợ giúp và cung cấp các dịch vụ cho người dân, các đối tượng yếu thế trong xã hội còn gặp nhiều khó khăn. Nhiều người chưa biết và chưa chủ động đến tiếp cận với các dịch vụ.

P.V: Như bà đề cập, một trong số những khó khăn lớn nhất của lĩnh vực CTXH là sự nhìn nhận của xã hội còn hạn chế, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là gì ?

Bà Phùng Thị Thơm: Về mặt khách quan, CTXH ở nước ta là nghề mới và chưa có sự phổ biến, tuyên truyền nhận thức đầy đủ nên người dân rất ít thông tin và sự nhìn nhận về công việc này còn hạn chế. Bên cạnh đó, nghề CTXH lại chưa có hành lang pháp lý rõ ràng quy định vai trò, nhiệm vụ, thẩm quyền của công chức, viên chức, nhân viên CTXH trong các lĩnh vực cụ thể; tiêu chuẩn cung cấp dịch vụ, giấy phép hành nghề; tổ chức và hoạt động của cơ sở cung cấp dịch vụ CTXH; quyền và nghĩa vụ của người thụ hưởng dịch vụ CTXH. Tất cả chỉ mới xuất hiện tản mạn ở nhiều nghị định, luật chuyên ngành.

P.V: Đối với Thái Nguyên, nghề CTXH hiện nay phát triển ra sao, thưa bà?

Bà Phùng Thị Thơm: Ở Thái Nguyên, số lượng người yếu thế có nhu cầu cung cấp các dịch vụ CTXH khá lớn (khoảng 235.000 người), gồm: Người cao tuổi không có lương hưu, trợ cấp; người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng; trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt; người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý; hộ nghèo và cận nghèo. Ngoài ra, còn nhiều gia đình cần được trợ giúp đột xuất do thiên tai, hỏa hoạn, mất mùa, nạn nhân bị bạo lực gia đình, phụ nữ, trẻ em bị ngược đãi…

Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án về phát triển nghề CTXH, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã chủ động tham mưu đề xuất với UBND tỉnhra quyết định và trở thành một trong những tỉnh đầu tiên cả nước thành lập Trung tâm CTXH. Qua hơn 8 năm, Trung tâm Bảo trợ và CTXH Thái Nguyên đã tập trung hỗ trợ với 2 hình thức: Trực tiếp tại trung tâm, cộng đồng và qua tổng đài tư vấn miễn phí 1800 8080. Nội dung chủ yếu là chế độ chính sách cho đối tượng yếu thế: Người nghèo, khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, người nhiễm HIV, phụ nữ, trẻ em bị xâm hại, bạo hành… Đồng thời thực hiện truyền thông nâng cao nhận thức của cộng đồng; đào tạo đội ngũ cộng tác viên cấp xã, phường; đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cộng đồng qua nhiều hình thức, tăng cường hợp tác quốc tế phát triển nghề CTXH…

P.V: Trên phương diện là nhà quản lý và nhiều năm gắn bó với nghề, bà có kiến nghị gì để lĩnh vực CTXH ngày càng phát triển hơn nữa?

Bà Phùng Thị Thơm: Là người gắn bó lâu năm với nghề CTXH, tôi đề nghị sớm có hệ thống cơ chế, chính sách mang tính toàn diện, lâu dài và phối hợp của các cấp, ngành cũng như sự chung tay của cả cộng đồng và xã hội. Đặc biệt là cần có cơ chế phối hợp liên ngành đồng bộ, thống nhất từ Trung ương đến địa phương để nhân viên CTXH có cơ sở làm việc hiệu quả. Ngoài ra, cần xem xét khả năng thành lập phòng CTXH ở cấp huyện để tăng cường tiếp cận của các đối tượng yếu thế.   

Nhị Hà
(thực hiện)
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: