Nhiều giải pháp để quản lý giá vật liệu xây dựng
Giá các loại thép hình, thép thanh vằn bán tại Thái Nguyên thấp hơn thị trường Bắc Ninh từ 53-55 nghìn đồng/tấn. |
Thời gian qua, giá vật liệu xây dựng (VLXD) liên tục tăng cao làm ảnh hưởng đến việc thi công công trình, dự án của cả người dân và doanh nghiệp (DN). Là địa phương có nhiều nhà máy, dự án khai thác, sản xuất các loại VLXD, Thái Nguyên có những giải pháp gì để quản lý các mặt hàng này? Cuộc trao đổi của phóng viên Báo Thái Nguyên với ông Nguyễn Ngọc Lâm, Phó Giám đốc Sở Tài chính sau đây sẽ phần nào giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về vấn đề này.
P.V: Trước hết, ông có thể cho biết, thời gian qua, tình hình giá VLXD trên địa bàn tỉnh diễn biến ra sao?
Ông Nguyễn Ngọc Lâm: VLXD là một trong những mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất, kinh doanh của DN và người dân nên việc quản lý mặt hàng này luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Chính phủ, các bộ, ngành và chính quyền địa phương. Trong đó có công tác điều hành giá, theo dõi diễn biến của thị trường cung - cầu, giá các loại vật tư, vật liệu cung cấp cho các đơn vị sản xuất, kinh doanh.
Thời gian qua, do ảnh hưởng của việc tăng giá xăng, dầu nên giá nhiều loại VLXD cũng có xu thế tăng. Riêng mặt hàng sắt, thép còn chịu thêm tác động do giá phôi thế giới nên mức độ tăng cao hơn so với các loại VLXD khác, trung bình tăng khoảng 20% so với năm 2021; xi măng tăng khoảng 5%. Ngoài ra, một mặt hàng khác cũng bị tăng giá là nhựa đường, tăng khoảng 1,03% so với thời điểm đầu năm 2022.
P.V: Ông có thể phân tích rõ hơn về nguyên nhân của việc tăng giá VLXD? Và trong tình cảnh giá VLXD "leo thang" như hiện nay, Thái Nguyên được coi là có lợi thế hay không khi so sánh với các địa phương lân cận?
Ông Nguyễn Ngọc Lâm: Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc tăng giá các loại VLXD là do sau Tết, nhu cầu xây dựng của người dân và DN tăng cao; các dự án xây dựng mới và dự án đang thực hiện đều tích cực triển khai để đáp ứng tiến độ của chủ đầu tư. Thêm vào đó, giá xăng, dầu liên tục tăng cao làm tăng giá thành sản phẩm và chi phí vận chuyển. Chính vì thế, nhiều mặt hàng đã phải điều chỉnh giá để bù đắp chi phí hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN.
Trong bối cảnh tăng giá như hiện nay, so với các tỉnh lân cận như Bắc Ninh, Bắc Giang, Phú Thọ…, Thái Nguyên có lợi thế rất lớn đối với mặt hàng VLXD. Chúng ta có các nhà máy sản xuất thép; xi măng; có các mỏ khai thác quặng sắt, thiếc, cát, sỏi, đá xây dựng; các mỏ đất để làm gạch... Đây là nguồn nguyên liệu dồi dào tại chỗ để phục vụ sản xuất nhiều loại VLXD. Cùng với đó, tỉnh có hệ thống đường giao thông thuận lợi, giúp giảm chi phí trong việc cung cấp vật liệu, hàng hoá nên giá thành một số loại vật liệu cung ứng trên địa bàn rẻ hơn các địa phương khác.
P.V: Theo ông, việc giá VLXD được điều chỉnh tăng đã và đang ảnh hưởng thế nào đến việc lập dự toán, quản lý chi phí đầu tư, giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn?
Ông Nguyễn Ngọc Lâm: Như đã trao đổi, về cơ bản, giá các loại VLXD trên địa bàn tỉnh thời gian qua có biến động theo xu thế chung của thị trường, tuy nhiên mức biến động không quá lớn. Hơn nữa, do việc lập dự toán, quản lý chi phí đầu tư, giải ngân vốn đầu tư công cũng như bố trí nguồn vốn từ ngân sách để triển khai các công trình, dự án xây dựng trên địa bàn cơ bản được lập từ năm 2021 và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt làm cơ sở triển khai thực hiện năm 2022, nên yếu tố giá một số loại VLXD điều chỉnh tăng trong 4 tháng qua chưa tác động lớn.
Tuy nhiên, trong trường hợp giá VLXD tăng cao đột biến, làm ảnh hưởng đến việc thực hiện dự án thì nhà thầu sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền xin thực hiện điều chỉnh tổng mức đầu tư nhằm đảm bảo tiến độ thi công và chất lượng công trình theo quy định.
P.V: Là cơ quan tham mưu cho UBND tỉnh các biện pháp bình ổn giá, ông có thể cho biết, việc xây dựng phương án và quản lý giá VLXD của Sở Tài chính thời gian qua như thế nào?
Ông Nguyễn Ngọc Lâm: Thời gian qua, Sở Tài chính đã chủ trì phối hợp với các đơn vị có liên quan chủ động giám sát chặt chẽ giá cả thị trường, nhất là các mặt hàng thuộc danh mục Nhà nước định giá, để ổn định thị trường và tâm lý người tiêu dùng.
Cùng với đó, Sở thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về quản lý giá; phối hợp với Sở Xây dựng thực hiện việc công bố giá vật tư, VLXD trên cơ sở đăng ký, niêm yết giá hằng tháng của các đơn vị sản xuất, kinh doanh, cung ứng vật tư, VLXD, giá bình quân mua - bán trên thị trường tại thời điểm thông báo nhằm cung cấp thông tin cho chủ đầu tư, tổ chức tư vấn và các đơn vị có liên quan áp dụng trong công tác lập dự toán, quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình theo quy định…
Qua đó, đã giúp hạn chế tối đa các tác động tăng giá, không để các tin đồn thất thiệt làm ảnh hưởng đến mặt bằng giá cả thị trường, đời sống người dân và ổn định kinh tế.
Thời gian tới, thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính và UBND tỉnh, chúng tôi tiếp tục xây dựng, công bố giá và chỉ số giá các loại VLXD theo quy định và khẩn trương thực hiện các giải pháp để quản lý giá, bình ổn giá VLXD theo đúng quy định của pháp luật.
P.V: Xin cảm ơn ông!