Nỗ lực cải thiện Chỉ số PAPI
Các cấp, ngành trong tỉnh luôn quan tâm cải cách, hiện đại hóa nền hành chính công, góp phần nâng cao Chỉ số PAPI. Trong ảnh: Người dân làm thủ tục tại Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh. |
Giai đoạn 2015-2020, tỉnh Thái Nguyên đã triển khai quyết liệt nhiều giải pháp nhằm cải thiện Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI). Kết quả, năm 2020, Thái Nguyên xếp thứ 3/63 tỉnh, thành phố về Chỉ số PAPI. Nhằm tiếp tục duy trì và nâng cao hiệu quả quản trị hành chính công, trong giai đoạn tiếp theo, tỉnh đề ra nhiều giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm. Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Báo Thái Nguyên đã phỏng vấn ông NGUYỄN VĂN HIỂN, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, thành viên Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính, nâng cao Chỉ số PAPI của tỉnh giai đoạn 2021-2025.
P.V: Đầu tiên, xin ông đánh giá về Chương trình nâng cao hiệu quả quản trị và hành chính công tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2015-2020 (viết tắt là Chương trình)?
Ông Nguyễn Văn Hiển: Có thể khẳng định, Chương trình đã đạt được những kết quả tích cực. Công tác cải thiện và nâng cao hiệu quả quản trị và hành chính công đã được các cấp, ngành trong tỉnh quan tâm, công tác chỉ đạo, điều hành bám sát Chương trình, nội dung của Chỉ số PAPI, đặc biệt là đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ. Bên cạnh đó, trên cơ sở kết quả đánh giá chỉ số hằng năm, UBND tỉnh yêu cầu các cấp, ngành nghiêm túc triển khai các giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế nhằm cải thiện, nâng cao Chỉ số PAPI.
P.V: Ông có thể nói cụ thể hơn về những con số, kết quả nổi bật?
Ông Nguyễn Văn Hiển: Kết quả thực hiện Chương trình được minh chứng bằng việc một số trục nội dung Chỉ số PAPI của tỉnh đã được cải thiện và thuộc nhóm cao so với cả nước. Riêng năm 2020, Chỉ số PAPI của tỉnh đạt 46,47 điểm, xếp hạng 3/63 tỉnh, thành phố (tăng 3,271 điểm, 36 bậc so với năm 2019). 8/8 trục nội dung đều tăng thứ hạng, trong đó, 6/8 trục nội dung được xếp vào nhóm các tỉnh có số điểm cao nhất, đặc biệt, 2 trục nội dung đứng đầu cả nước gồm: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở và Công khai, minh bạch trong việc ra quyết định.
P.V: Bên cạnh những kết quả đạt được, việc nâng cao hiệu quả quản trị hành chính công của tỉnh trong thời gian qua vẫn còn những hạn chế, tồn tại. Ông có thể cho biết rõ hơn về vấn đề này?
Ông Nguyễn Văn Hiển: Hạn chế lớn nhất là kết quả công bố PAPI hằng năm, thứ hạng đánh giá các trục nội dung của Chỉ số không ổn định, còn nhiều chỉ tiêu, tiêu chí thành phần có điểm số thấp hoặc không thay đổi; xuống thứ hạng và có xu hướng giảm điểm. Đặc biệt, trục nội dung quản trị môi trường vẫn thuộc nhóm điểm thấp nhất. Ngoài ra, một số cơ quan, địa phương chưa thực sự quan tâm đúng mức đến công tác nâng cao Chỉ số PAPI...
P.V: Để nâng cao hiệu quả quản trị hành chính công trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh triển khai các những giải pháp trọng tâm nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Hiển: Tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính, nâng cao Chỉ số PAPI giai đoạn 2021-2025, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên. Trên cơ sở đó, triển khai các nhiệm vụ, giải pháp nâng cao hiệu quả quản trị hành chính công tại cơ quan, đơn vị, địa phương.
Đối với Sở Nội vụ, với vai trò là cơ quan Thường trực thực hiện công tác cải cách hành chính, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh hằng năm xây dựng Kế hoạch cải thiện, nâng cao Chỉ số PAPI, tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm như: Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, phát huy vai trò giám sát của hệ thống chính trị - xã hội, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; triển khai thực hiện nghiêm túc quy chế dân chủ ở cơ sở; tăng cường kiểm tra, giám sát về thực hiện quản trị hành chính công; đặc biệt thực hiện hiệu quả Nghị quyết của Tỉnh ủy về Chương trình chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2021-2025 đến năm 2030...
P.V: Xin cảm ơn ông!