Nỗ lực thực hiện nhiệm vụ thu
Công chức Chi cục Thuế TP. Thái Nguyên hỗ trợ người nộp thuế sử dụng hóa đơn điện tử. |
Năm 2022, nền kinh tế cả nước tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp và những ảnh hưởng của cuộc xung đột Nga - Ukraine. Cùng với đó là chính sách miễn giảm một số loại thuế, phí của Chính phủ làm giảm đáng kể nguồn thu. Tuy nhiên, 2022 cũng được dự báo là năm sẽ có nhiều khởi sắc, khi nước ta đã mở cửa hoàn toàn trở lại. Để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về những tác động của tình hình kinh tế - xã hội đến nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước (NSNN), chúng tôi đã trao đổi với ông Đỗ Trọng Nghĩa, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh.
P.V: Ông có thể cho biết, việc thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách năm nay của Thái Nguyên có những thuận lợi, khó khăn gì? Kết quả thu quý I của tỉnh có gì nổi bật?
Ông Đỗ Trọng Nghĩa: Những năm qua, ngành Thuế Thái Nguyên luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Tổng cục Thuế, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự phối hợp của các Sở, ngành, địa phương; sự ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp. Đây là những yếu tố quan trọng giúp ngành Thuế hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Năm 2022, việc mở cửa nền kinh tế sau khi kiểm soát tốt dịch bệnh và các chính sách hỗ trợ của Chính phủ đang giúp hoạt động sản xuất, kinh doanh của người nộp thuế (NNT) dần trở lại trạng thái bình thường, là cơ sở để tạo nguồn thu ổn định cho NSNN.
Tuy nhiên, dự báo còn không ít khó khăn. Đó là việc phần lớn DN trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19, cần thời gian nhất định để phục hồi sản xuất, kinh doanh. Các chính sách miễn, giảm các khoản phải nộp NSNN làm giảm số thu ở nhiều chỉ tiêu trong dự toán thu ngân sách. Bên cạnh đó, ở một số lĩnh vực, ý thức kê khai và thực hiện nghĩa vụ với NSNN của NNT còn hạn chế.
Bằng sự quyết tâm và nhiều giải pháp quyết liệt, thu NSNN quý I của ngành Thuế đạt 4.730 tỷ đồng, bằng 37% dự toán pháp lệnh, bằng 30% dự toán năm tỉnh giao và tăng 42% so với cùng kỳ năm trước. Với kết quả này, Thái Nguyên là tỉnh nằm trong tốp các địa phương có tỷ lệ thực hiện dự toán cao của cả nước.
P.V: Nếu như mọi năm, việc đôn đốc nhiệm vụ thu ngân sách được tỉnh thực hiện vào đầu quý IV, thì năm nay, lại được thực hiện ngay từ cuối quý I. Lý do là gì thưa ông?
Ông Đỗ Trọng Nghĩa: Như đã trao đổi, năm nay, việc thực hiện nhiệm vụ thu NSNN được cơ quan Thuế nhận định tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, theo chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, thu NSNN trên địa bàn vẫn phải đảm hoàn thành dự toán đã giao.
Để đảm bảo tiến độ thu từ những tháng đầu tiên của năm, tạo tiền đề cho việc hoàn thành dự toán ngân sách cả năm, ngành Thuế đã tham mưu cho UBND tỉnh triển khai việc rà soát, kiểm tra công tác thu ngân sách trên địa bàn ngay từ đầu năm để định hướng cũng như kịp thời tháo gỡ những khó khăn phát sinh.
P.V: Qua làm việc với các địa phương, ông có đánh giá như thế nào về tình hình thu năm nay của tỉnh?
Ông Đỗ Trọng Nghĩa: Những khó khăn gặp phải của NNT do dịch COVID-19, cùng các chính sách miễn, giảm thuế của Chính phủ đã ảnh hưởng đến kết quả thu NSNN nói chung, dẫn tới một số địa bàn chưa đảm bảo tiến độ thu bình quân tháng trong năm.
Tuy nhiên, nhiệm vụ thu đã được chính quyền các địa phương, Chi cục Thuế triển khai tích cực và sát sao; các khoản giảm thu được đánh giá, dự báo chính xác. Qua đánh giá, kế hoạch thu được Chi cục Thuế phối hợp với UBND cùng cấp xây dựng với tiến độ cụ thể, đặc biệt đối với khoản thu tiền sử dụng đất. Kế hoạch thu sau khi được Đoàn công tác rà soát đều có tính khả thi cao, đảm bảo hoàn thành ở mức cao nhất dự toán thu NSNN năm 2022 được giao.
P.V: Chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí theo Nghị quyết số 11/NQ-CP khiến một số nguồn thu bị giảm. Ngành Thuế đã có những giải pháp gì để bù đắp sự thiếu hụt đó, cũng như để hoàn thành kế hoạch được giao?
Ông Đỗ Trọng Nghĩa: Số tiền thuế, phí, tiền thuế đất được miễn giảm trong năm 2022 dự kiến lên tới vài trăm tỷ đồng. Để bù đắp phần hụt thu này, bên cạnh việc bám sát sự chỉ đạo cũng như tranh thủ sự ủng hộ của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, địa phương trong công tác thu ngân sách, cơ quan Thuế đã và đang triển khai đồng thời nhiều giải pháp chuyên sâu, với phương châm “vừa hỗ trợ NNT phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh, vừa đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ thu NSNN được giao”. Theo đó, các giải pháp của chúng tôi tập trung vào các nội dung:
(1) Triển khai đầy đủ các chính sách hỗ trợ, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho NNT.
(2) Theo dõi chặt chẽ tiến độ thu ngân sách; rà soát nguồn thu, tập trung khai thác các nguồn thu còn tiềm năng, các lĩnh vực đang phát triển sôi động như: Thương mại điện tử, chuyển nhượng, kinh doanh bất động sản...
(3) Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, chống thất thu thuế, tập trung phân tích rủi ro cho NNT.
(4) Nâng cao chất lượng quản lý NNT, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp trọng điểm.
(5) Tiếp tục tăng cường và quyết liệt trong công tác đôn đốc và thu hồi nợ thuế, áp dụng đầy đủ các biện pháp cưỡng chế thu hồi nợ thuế theo quy định.
(6) Tập trung triển khai thực hiện hóa đơn điện tử, phấn đấu hoàn thành việc chuyển đổi hóa đơn điện tử trên địa bàn tỉnh về đích sớm hơn so với chỉ đạo của Bộ Tài chính và Tổng Cục Thuế.
P.V: Xin cảm ơn ông!