Phòng tránh tái mắc COVID-19: Cần tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng dịch
Tái nhiễm SARS-CoV-2 thường xảy ra ở người cao tuổi, có bệnh nền. Trong ảnh: Bác sĩ Khoa Thần kinh, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên khám và tư vấn cho người bệnh cách phòng bệnh tăng huyết áp, COVID-19. |
Đi cùng với việc gia tăng số ca mắc COVID-19, hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã xuất hiện các trường hợp tái nhiễm vi rút SARS-CoV-2. Thực tế này đã khiến không ít người lo ngại về nguy cơ biến chứng của những lần tái nhiễm. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Bác sĩ CKII Hoàng Thị Thư, Trưởng Khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên.
P.V: Bác sĩ nhận định ra sao về tình trạng tái nhiễm SARS-CoV-2?
Bác sĩ Hoàng Thị Thư: Thông thường, người mắc COVID-19 sau khi khỏi bệnh sẽ sinh ra kháng thể để chống lại sự tấn công của vi rút SARS-CoV-2. Kháng thể ở người đã khỏi bệnh có thể bảo vệ lâu dài tới đâu còn tùy thuộc vào từng loại vi rút và bản thân người bệnh. Khả năng tạo kháng thể mạnh hay yếu tùy theo đặc tính riêng (cơ địa, bệnh nền…) của từng người.
Một số người đã từng mắc COVID-19 nhưng không sinh miễn dịch, hoặc miễn dịch kém; người chưa tiêm vắc-xin hay cơ thể không sinh miễn dịch vẫn có thể nhiễm lại. Ngoài ra, người bệnh có thể tái nhiễm vi rút do mắc phải chủng khác (như từng mắc chủng Delta và lại mắc thêm chủng Omicron).
Qua nghiên cứu của nhiều quốc gia trên thế giới cho thấy, sau 14 ngày, người từng mắc COVID-19 có thể tái nhiễm SARS-CoV-2. Nguy cơ tái nhiễm cao hơn ở những tháng tiếp theo. Đặc biệt, người chưa tiêm vắc-xin phòng COVID-19 có nguy cơ tái nhiễm cao hơn rất nhiều so với với những người đã tiêm đủ liều.
Tuy nhiên, chúng ta không nên lầm tưởng giữa tái dương tính và tái nhiễm vi rút SARS-CoV-2.
P.V: Làm thế nào để phân biệt được tình trạng tái dương tính và tái nhiễm SARS-CoV-2 thưa bác sĩ?
Bác sĩ Hoàng Thị Thư: Tái dương tính là tình trạng được ghi nhận khi người mắc đang trong diễn biến của bệnh. Họ từng có giai đoạn xét nghiệm cho kết quả âm tính, sau đó dương tính. WHO từng khẳng định, người tái dương tính COVID-19 chỉ tồn tại xác vi rút, do đó không có triệu chứng, không có khả năng lây nhiễm.
Trong khi đó, tái nhiễm SARS-CoV-2 được hiểu là tiếp tục mắc COVID-19 sau khi đã khỏi bệnh hoàn toàn. Trường hợp này có thể đi kèm các triệu chứng của bệnh, có thể có biến chứng (tùy thuộc vào việc đã tiêm hay chưa tiêm vắc-xin phòng bệnh và kháng thể của người bệnh). Khi tái nhiễm COVID-19, nếu không được quản lý, cách ly, điều trị, người bệnh sẽ làm dịch bệnh lây lan.
P.V: Nhiều người lo ngại về sự biến chứng của vi rút SARS-CoV-2 vào những lần tái nhiễm, bác sĩ đánh giá ra sao về tình trạng này?
Bác sĩ Hoàng Thị Thư: Từ thực tế đã chứng minh, những trường hợp tiêm đủ mũi vắc-xin phòng bệnh COVID-19, diễn biến bệnh khi tái nhiễm cũng tương tự những người bình thường khác. Những trường hợp có nguy cơ tái nhiễm vi rút cao vẫn là nhóm có hệ miễn dịch kém, mắc bệnh nền, người cao tuổi.
Đã có nhiều bệnh nhân tái nhiễm COVID-19 sau khoảng một tháng khỏi bệnh, triệu chứng nhẹ hơn lần đầu và được tư vấn tự cách ly, điều trị tại nhà, không cần nhập viện.
Tuy nhiên, những người tái nhiễm biến chủng mới vẫn có nguy cơ diễn biến nặng nếu chưa tiêm vắc-xin. Diễn biến bệnh khi tái nhiễm cũng sẽ phụ thuộc vào mức độ ác tính của biến chủng. Tháng 10-2020, trên thế giới đã ghi nhận trường hợp bệnh nhân tử vong do tái nhiễm COVID-19 (một phụ nữ người Hà Lan, 89 tuổi, mắc bệnh ung thư tủy xương).
Một trường hợp từng nhiễm biến chủng Alpha và khỏi bệnh, sau đó tiếp tục nhiễm biến chủng Delta. Do biến chủng Delta có mức độ độc tính cao hơn nên người tái nhiễm vẫn có nguy cơ diễn biến nặng nếu chưa đảm bảo được tiêm đủ mũi vắc-xin. Người này sau khi khỏi bệnh vẫn có thể nhiễm biến thể Omicron… Các báo cáo hiện tại cho thấy, biến chủng Omicron có mức độ độc tính thấp hơn nên người tái nhiễm SARS-CoV-2 với biến chủng này có thể diễn biến bệnh nhẹ hơn.
Nguy cơ tái nhiễm SARS-CoV-2 với biến chủng Omicron của người từng nhiễm biến chủng Delta cao hơn nhóm từng nhiễm Alpha.
Hiện nay trên thế giới đã xuất hiện thêm một biến chủng mới (Deltacron) - là sự kết hợp giữa hai biến thể Delta và Omicron. Chưa có nghiên cứu cụ thể về tốc độ lây lan và biến chứng của biến chủng mới này. Tuy nhiên, đây cũng là mối lo ngại mới trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên toàn cầu và Việt Nam nói chung, tại Thái Nguyên nói riêng.
P.V: Vậy người dân phải làm gì để phòng tránh tái nhiễm vi rút SARS-CoV-2, thưa bác sĩ?
Bác sĩ Hoàng Thị Thư: Hiện nay đang xuất hiện tình trạng một số người trở nên chủ quan sau khi mắc COVID-19. Họ cho rằng mình đã có kháng thể nên mới có thể khỏi bệnh. Đây là suy nghĩ rất sai lầm.
Tại Thái Nguyên đã ghi nhận những trường hợp tái nhiễm SARS-CoV-2 chỉ sau 1,5 đến dưới 2 tháng khỏi bệnh. Do đó, sau khi khỏi bệnh, người dân vẫn cần tuân thủ các biện pháp phòng dịch để tránh sự xâm nhập của vi rút, tăng cường miễn dịch để phòng bệnh. Người dân sau khi khỏi COVID-19 vẫn nên cố gắng tiêm đủ 3 mũi vắc-xin (liều cơ bản và nhắc lại), thực hiện nghiêm túc khuyến cáo 5K.
Việc tiêm vắc-xin đầy đủ sẽ hạn chế được nguy cơ tái nhiễm SARS-CoV-2 từ những biến chủng mới. Đặc biệt, qua nghiên cứu, đánh giá của các chuyên gia y tế trên thế giới, biến chủng Omicron cũng rất khó lây nhiễm ở những người đã tiêm 3 mũi vắc-xin.
Cảm ơn bác sĩ về cuộc phỏng vấn này!