Phú Bình sẵn sàng phương án “4 tại chỗ”

Cập nhật: Thứ hai 06/09/2021 - 07:16
 Cán bộ y tế huyện Phú Bình lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân xã Lương Phú.
Cán bộ y tế huyện Phú Bình lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân xã Lương Phú.

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 ở trong nước, huyện Phú Bình đang tiếp tục nỗ lực triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, quyết tâm bảo vệ thành quả phòng, chống dịch (PCD) theo phương châm “4 tại chỗ” (lực lượng tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ). Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Báo Thái Nguyên đã phỏng vấn đồng chí Kiều Thị Thao, Phó Chủ tịch UBND huyện, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo PCD COVID-19 huyện Phú Bình.

P.V: Thưa đồng chí, để chủ động công tác PCD theo phương châm “4 tại chỗ”, đến nay, huyện Phú Bình đã chuẩn bị các phương án như thế nào?

Đ/c Kiều Thị Thao: Để chủ động kiểm soát, ngăn chặn, ứng phó với mọi diễn biến của dịch, huyện đã chuẩn bị phương án “4 tại chỗ” với từng cấp độ trên địa bàn (từ cấp độ 1 đến cấp độ 5). Cụ thể, huyện đã thành lập 101 ban chỉ đạo PCD COVID-19 các cấp và 21 trung tâm chỉ huy PCD COVID-19. Đồng thời khai thác triệt để lực lượng tại chỗ đảm bảo cho công tác PCD đáp ứng mọi cấp độ, diễn biến của tình hình dịch bệnh. 

Về công tác hậu cần tại chỗ, huyện đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương chuẩn bị các điều kiện; bố trí các khu cách ly tập trung đảm bảo đáp ứng tối thiểu 50 giường bệnh/1 khu tại các xã, thị trấn, huyện với 6 khu cách ly có năng lực đáp ứng 1.000 giường bệnh; xây dựng kế hoạch cung ứng, dự trữ hàng hoá thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân trong điều kiện PCD COVID-19 trên địa bàn theo từng cấp độ… Với tinh thần đoàn kết, hàng trăm tình nguyện viên cũng sẵn sàng tham gia hoạt động hỗ trợ liên quan.

P.V: Với kịch bản khi dịch bùng phát ở cấp độ cao nhất, huyện có phương án chi tiết như thế nào, thưa đồng chí?

Đ/c Kiều Thị Thao: Với kịch bản khi dịch bùng phát ở cấp độ 5, huyện đã xây dựng kế hoạch đáp ứng với 3 mức độ của cấp độ này. Cụ thể: Mức độ 1 khi số F0 dưới 100 người và số trường hợp cần cách ly y tế khoảng 10.000 người; mức độ 2 khi số F0 từ 100 người đến 200 người và số trường hợp cần cách ly y tế khoảng 20.000 người; mức độ 3 khi số F0 từ 200 người đến 500 người hoặc nhiều hơn 500 người và số trường hợp cần cách ly y tế là 30.000 người. Mỗi mức độ đều có phương án, giải pháp cụ thể, chi tiết.

Đặc biệt, ở mức độ 3 của cấp độ 5, huyện sẵn sàng tham mưu UBND tỉnh thành lập và kích hoạt bệnh viện dã chiến tại các trường học với quy mô 300 giường bệnh để theo dõi điều trị cho các trường hợp F0 không triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ; tham mưu kích hoạt bệnh viện dã chiến tại các công ty, nhà máy thuộc huyện quản lý với quy mô khoảng 2.000 giường bệnh, triển khai các khu cách ly tập trung của huyện đáp ứng tối thiểu 5.000 giường cách ly; rà soát hoàn thiện điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị đảm bảo cách ly y tế cho 30.000 người và cách ly tại nhà theo hướng dẫn của Bộ Y tế; mỗi địa phương chuẩn bị các khu cách ly tập trung đáp ứng tối thiểu 550 giường cách ly (tổng cộng 11.000 giường). 

Bên cạnh đó, khi cần sẽ tăng số giường bệnh của các cơ sở để đáp ứng yêu cầu điều trị và tăng cường xét nghiệm diện rộng 100% người dân trong cộng đồng. Về nhân lực, huyện bổ sung nâng tổng số 400 nhân viên y tế và huy động hỗ trợ khi cần thiết. Đồng thời đảm bảo duy trì cung ứng đủ vật tư hóa chất, sinh phẩm triển khai 100.000 mẫu xét nghiệm; đảm bảo cung cấp lương thực, thực phẩm, nước uống, nhu yếu phẩm và dịch vụ thiết yếu cho người dân vùng có dịch phải cách ly, phong tỏa…

P.V: Để phòng ngừa dịch xâm nhập từ bên ngoài, huyện tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát như thế nào, nhất là ở những địa bàn, khu vực giáp ranh, thưa đồng chí?

Đ/c Kiều Thị Thao: Với phương châm phòng ngừa là chính, cấp ủy, chính quyền các cấp trong huyện đã và đang tập trung đồng bộ nhiều giải pháp ngăn chặn dịch xâm nhập từ bên ngoài vào địa bàn, như: Duy trì 8 chốt kiểm tra liên ngành của huyện trên các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ; chỉ đạo các xã giáp ranh tỉnh Bắc Giang duy trì hoạt động của 24 chốt tự quản để kịp thời kiểm soát người đến, về từ các địa phương đang có dịch để quản lý theo dõi. Kiểm soát chặt chẽ hoạt động vận tải hành khách, hàng hóa liên tỉnh; tổ chức hệ thống xe đưa, đón công nhân khoa học… 

Đơn cử trong tháng 8 vừa qua, Công an huyện đã thành lập 2 tổ kiểm tra với 8 cán bộ, chiến sĩ hàng ngày thực hiện tuần tra trên các tuyến đường, đặc biệt là khu công nghiệp và các xã giáp ranh để kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp vào địa bàn huyện không đảm bảo về PCD. Cùng với đó, các xã, thị trấn đã thành lập, duy trì 306 tổ tự quản PCD COVID-19 ở 20 xã, thị trấn thực hiện nhiệm vụ giám sát và theo dõi chặt chẽ số lượng người di biến động trên địa bàn; quản lý chặt chẽ các trường hợp tạm trú, tạm vắng theo quy định và ký cam kết của các hộ dân về thực hiện các quy định về PCD với địa phương. Đồng thời duy trì 25 đội thanh niên xung kích PCD COVID-19…

P.V: Xin cảm ơn đồng chí!

Huy Toản
(Thực hiện)
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: