Sẵn sàng thông tuyến tỉnh trong điều trị nội trú
Khu vực lấy mẫu máu để làm xét nghiệm cho người bệnh tại Trung tâm Y tế T.P Thái Nguyên được đưa vào sử dụng từ cuối tháng 12-2020. |
Từ ngày 1/1/2021, chính sách thông tuyến tỉnh trong điều trị nội trú có hiệu lực. Theo đó, người dân có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) tự đi khám, chữa bệnh (KCB) không đúng tuyến tại các cơ sở KCB tuyến tỉnh trên phạm vi toàn quốc sẽ được quỹ BHYT chi trả chi phí điều trị nội trú theo phạm vi quyền lợi và mức hưởng như đúng tuyến. Chính sách này mang lại lợi ích cho người bệnh nhưng cũng tạo nhiều áp lực cho một số cơ sở KCB trên địa bàn tỉnh... Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Báo Thái Nguyên đã phỏng vấn ông Hà Đức Trịnh, Giám đốc Trung tâm Y tế T.P Thái Nguyên.
P.V: Trước hết, xin ông cho biết Trung tâm Y tế T.P Thái Nguyên đã chuẩn bị nguồn lực như thế nào để thực hiện thông tuyến tỉnh trong điều trị nội trú đối với KCB BHYT?
Ông Hà Đức Trịnh: Trung tâm Y tế T.P Thái Nguyên là đơn vị y tế hạng III, thực hiện 2 chức năng là phòng, chống dịch bệnh, triển khai các chương trình Y tế Quốc gia và thực hiện KCB cho nhân dân trên địa bàn T.P Thái Nguyên với 135 giường bệnh và 32 trạm y tế xã, phường.
Chúng tôi rất vui khi thực hiện thông tuyến tỉnh trong điều trị nội trú đối với KCB BHYT bởi bệnh nhân đến điều trị nội trú tại Trung tâm không cần giấy chuyển viện, từ đó, giúp đơn vị chủ động hơn trong việc đưa chỉ định điều trị cho người bệnh. Hiện nay, chúng tôi đã sẵn sàng cho việc thực hiện chính sách mới này.
Với 145 bác sĩ, điều dưỡng có trình độ chuyên môn cao, trong đó có 36 người đã được đào tạo thạc sĩ, bác sĩ CKI, đào tạo định hướng, dược sĩ CKI… chúng tôi tin tưởng, lực lượng khá hùng hậu này sẽ đáp ứng được nhu cầu KCB khi lượng bệnh nhân điều trị nội trú tăng cao hơn các năm trước.
Để chuẩn bị cho việc thực hiện chính sách này, trong 2 tháng cuối năm 2020, chúng tôi đã tích cực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất như: Mở rộng thêm khu vực lấy mẫu máu để làm xét nghiệm; đang triển khai thêm một số phòng khám và mở rộng khu vực ngồi chờ khám cho người bệnh, chỉnh trang khu vực tiếp đón, đăng ký khám bệnh, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người bệnh đến KCB tại Trung tâm.
P.V: Khi thực hiện thông tuyến trong điều trị nội trú, lượng bệnh nhân dự kiến sẽ tăng lên; chi phí y tế cũng gia tăng tạo ra áp lực lớn lên quỹ BHYT. Ban Giám đốc Trung tâm sẽ có những giải pháp gì để giải quyết tình trạng này, thưa ông?
Ông Hà Đức Trịnh: Chúng tôi đã đưa ra giải pháp để giải quyết tình trạng này. Cụ thể, nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ để thông qua đó, sẽ đưa ra những phác đồ điều trị hiệu quả, rút ngắn thời gian điều trị cho những bệnh nhân điều trị nội trú. Cùng với đó là sàng lọc bệnh cẩn thận, đúng chỉ định mới cho nằm viện. Khi bệnh nhân ổn thì chuyển xuống tuyến dưới theo dõi quá trình hồi phục hoặc cho về nhà, hẹn tái khám.
Hiện nay, chúng tôi cũng đã triển khai đến tất cả các khoa, phòng, dự phòng tình trạng gia tăng lượng bệnh nhân nội trú từ các nơi đến điều trị. Theo đó, tiếp tục siết chặt chỉ định nhập viện. Trung tâm cũng đang chờ thêm ý kiến của Sở Y tế, Bảo hiểm Xã hội hướng dẫn để tiếp tục xây dựng phương án đáp ứng nhu cầu khám và điều trị của người bệnh đúng quy định.
P.V: Để thực hiện chính sách mới này một cách hiệu quả nhất, ông có đề xuất, kiến nghị gì đối với các cấp, ngành chức năng?
Ông Hà Đức Trịnh: Là đơn vị sự nghiệp, nguồn thu hạn chế, Trung tâm Y tế thành phố rất khó khăn trong việc phải đối ứng kinh phí đầu tư các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y tế... Hơn nữa, kinh phí chi cho hoạt động phòng, chống dịch, đặc biệt là kinh phí thường xuyên đối với trạm y tế rất eo hẹp, chưa có nguồn tài chính cho đầu tư mua sắm trang thiết bị, dụng cụ ytế phục vụ công tác phòng, chống dịch. Để chuẩn bị cho việc thực hiện thông tuyến trong điều trị nội trú đối với KCB BHYT, thời gian qua, dù đã có nhiều nỗ lực nhưng chúng tôi vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình đầu tư cải tạo cơ sở vật chất, mua sắm trang, thiết bị y tế phục vụ cho công tác KCB. Do vậy, trong thời gian tới, chúng tôi rất mong nhận được sự quan tâm hơn nữa của các cấp, ngành chức năng, nhất là việc hỗ trợ nguồn kinh phí theo các dự án của tỉnh, Trung ương. Qua đó, sẽ giúp Trung tâm đầu tư đồng bộ nhiều trang thiết bị hiện đại để phục vụ khám, điều trị cho người bệnh, nâng cao chất lượng KCB trong tình hình mới.
Bên cạnh đó, chúng tôi rất mong các cấp, ngành chức năng nhanh chóng xây dựng hướng dẫn chẩn đoán và điều trị, trong đó có quy định tiêu chuẩn nhập viện điều trị nội trú phù hợp với yêu cầu chuyên môn, điều kiện trang thiết bị và nhân lực; chỉ đạo sắp xếp, bố trí số giường bệnh phù hợp với quy mô, trang thiết bị, nhân lực hiện có của đơn vị…
P.V: Xin cảm ơn ông!