Thái Nguyên sẵn sàng “chia lửa” với tâm dịch
Đoàn chi viện của Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên tham gia điều trị cho các bệnh nhân mắc COVID-19 có chuyển biến nặng tại Bệnh viện đa khoa Gò Vấp (T.P Hồ Chí Minh). |
Hơn một tuần qua, tỉnh Thái Nguyên đã có 2 đoàn với gần 400 cán bộ y tế, giảng viên, sinh viên tình nguyện chi viện cho các tỉnh phía Nam phòng, chống dịch COVID-19. Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản yêu cầu các tỉnh thống kê nguồn nhân lực y tế sẵn sàng chi viện cho vùng dịch. Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Báo Thái Nguyên đã phỏng vấn ông ĐỖ TRỌNG VŨ, Phó Giám đốc Sở Y tế - đơn vị được UBND tỉnh giao chủ trì thực hiện nhiệm vụ này.
P.V: Xin ông cho biết rõ hơn về yêu cầu thống kê nhân lực y tế phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 của Thủ tướng Chính phủ?
Ông Đỗ Trọng Vũ: Để phục vụ kịp thời, hiệu quả cho công tác điều phối nhân lực y tế phòng, chống dịch COVID-19 trên toàn quốc, trong công văn số 971 ngày 18/7/2021, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện nhiều nhiệm vụ trọng tâm như: Yêu cầu thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố đang thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo Chỉ thị số 16 tổng hợp nhu cầu hỗ trợ nhân lực y tế để phục vụ phòng chống dịch trên địa bàn. Đồng thời, yêu cầu các tỉnh, thành phố còn lại tổng hợp khả năng có thể hỗ trợ về bác sĩ, điều dưỡng viên, kỹ thuật viên để phục vụ phòng, chống dịch tại các địa phương khác trên cả nước.
Thực hiện theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh đã yêu cầu Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát và chuẩn bị nguồn nhân lực chi viện cho các tỉnh.
P.V: Việc tập hợp nguồn nhân lực y tế chi viện cho các tỉnh phía Nam của Thái Nguyên gặp khó khăn, thuận lợi gì, thưa ông?
Ông Đỗ Trọng Vũ: Có thể khẳng định, Thái Nguyên có nguồn nhân lực y tế khá dồi dào khi trên địa bàn có các trường: Đại học Y - Dược; Cao đẳng Y Thái Nguyên; Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên và 26 bệnh viện tuyến tỉnh, huyện. Toàn tỉnh hiện có trên 6.300 bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên... Riêng nhân lực thuộc các đơn vị do Sở Y tế quản lý là trên 4.500 người. Đặc biệt, với kinh nghiệm chi viện cho Bắc Giang chống dịch hiệu quả, Thái Nguyên có nhiều điều kiện thuận lợi trong việc tập hợp nguồn nhân lực y tế chi viện cho các tỉnh phía Nam theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.
Qua thống kê, bên cạnh đội ngũ cán bộ thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe và phòng chống dịch cho nhân dân trên địa bàn tỉnh, chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng một lực lượng tinh nhuệ gồm các bác sĩ và điều dưỡng, kỹ thuật viên để chi viện cho tâm dịch khi cần thiết.
P.V: Việc điều trị cho bệnh nhân COVID-19 đòi hỏi cán bộ y tế không chỉ có trình độ chuyên môn cao mà còn phải tuân thủ các quy định trong phòng, chống dịch để tránh bị lây nhiễm vi-rút SARS-CoV-2. Ngành Y tế Thái Nguyên đã chuẩn bị hành trang như thế nào để các nhân viên y tế làm việc hiệu quả tại tâm dịch, thưa ông?
Ông Đỗ Trọng Vũ: Thời gian qua, chúng tôi đã yêu cầu các cơ sở y tế trên địa bàn tổ chức tập huấn các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 cho cán bộ y tế. Đặc biệt là cách sử dụng đồ bảo hộ phòng dịch, lấy mẫu xét nghiệm…
Ngoài ra, các cán bộ y tế còn được tìm hiểu rất kỹ về quy trình sàng lọc, tiếp đón, xử trí người bệnh. Nhất là việc phát hiện, chẩn đoán phân biệt, điều trị COVID-19, quản lý chất thải y tế, kiểm soát nhiễm khuẩn và các biện pháp dự phòng lây nhiễm tại khu cách ly, bệnh viện; quy trình điều trị bệnh nhân nặng, trường hợp cần và không cần thiết phải thở máy. Đồng thời, các cơ sở y tế đã tổ chức diễn tập cho nhân viên cách xử trí bệnh nhân trong từng tình huống cụ thể...
Với trình độ chuyên môn cao và những kiến thức đã được trang bị như vậy, những cán bộ y tế của Thái Nguyên sẽ đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ chi viện cho tâm dịch miền Nam để phòng, chống dịch COVID-19.
P.V: Xin cảm ơn ông!