Thành tựu to lớn, khát vọng và niềm tin mãnh liệt
Một góc trung tâm TP. Thái Nguyên hôm nay. Ảnh: Trường Sơn |
Nhân dịp TP. Thái Nguyên tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập (19/10/1962 - 19/10/2022) và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất, phóng viên Báo Thái Nguyên đã phỏng vấn đồng chí Dương Văn Lượng, Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Bí thư Thành uỷ Thái Nguyên.
P.V: Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập TP. Thái Nguyên là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc thành phố. Xin đồng chí giới thiệu đôi nét về dấu mốc quan trọng này!
Đồng chí Dương Văn Lượng: TP. Thái Nguyên là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng - an ninh, từng là thủ phủ của Khu Tự trị Việt Bắc, có nhiều đóng góp to lớn trong tiến trình lịch sử đấu tranh dựng nước, giữ nước và đã vinh dự 3 lần được đón Bác Hồ về thăm.
Thành phố được thành lập ngày 19/10/1962, theo Quyết định số 114/CP của Hội đồng Chính phủ. Khi đó, diện tích tự nhiên của thành phố mới chỉ hơn 100km2, dân số khoảng 60 nghìn người. Quá trình phát triển, địa giới hành chính của thành phố đã 6 lần được điều chỉnh, mở rộng theo hướng phát triển hai bên bờ sông Cầu, có tính chất liên kết vùng cao, tạo dư địa, định hướng, tầm nhìn để phát triển bền vững.
Hiện, TP. Thái Nguyên có diện tích gần 223km2, dân số gần 400 nghìn người, trong đó dân cư đô thị chiếm khoảng 75%. Chặng đường 60 năm xây dựng và phát triển, thành phố luôn khẳng định được vị thế, vai trò là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh, “đầu tàu” dẫn dắt sự phát triển kinh tế - xã hội chung của toàn tỉnh.
Nút giao khác mức giữa đường Thống Nhất và đường Việt Bắc, với hầm chui đầu tiên ở các tỉnh miền núi phía Bắc, có vốn đầu tư 200 tỷ đồng, là một trong nhiều công trình, dự án trọng điểm có tác động tích cực đến sự phát triển của tỉnh và TP. Thái Nguyên. Ảnh: Nguyên Ngọc
Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập TP. Thái Nguyên là sự kiện chính trị có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc thành phố. Đây là dịp để thành phố khẳng định, tôn vinh các giá trị lịch sử, truyền thống cách mạng anh hùng, cũng như đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về những tiềm năng, thế mạnh các giá trị văn hóa của quê hương.
Lễ kỷ niệm còn là dịp để cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn cùng nhìn lại quá trình nỗ lực, phấn đấu xây dựng và phát triển thành phố. Từ đó, thêm hiểu, thêm yêu mảnh đất nơi mình gắn bó và tiếp tục phát huy ý chí tự lực, tự cường, không ngừng thi đua hoàn thành tốt nhiệm vụ, quyết tâm xây dựng TP. Thái Nguyên ngày càng phát triển, văn minh, hiện đại.
P.V: Sáu thập kỷ qua, TP. Thái Nguyên đã có bước phát triển rõ nét và đạt được nhiều thành tựu quan trọng, xứng đáng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh. Đồng chí có thể khái quát về những thành tựu này?
Đồng chí Dương Văn Lượng: Phát huy vai trò, vị trí, thế mạnh của mình, 60 năm qua, lớp lớp thế hệ cán bộ, đảng viên, Nhân dân các dân tộc TP. Thái Nguyên cùng các doanh nghiệp, doanh nhân dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy, chính quyền đã luôn đoàn kết, quyết tâm, tạo nên những thành quả to lớn trên tất cả các lĩnh vực.
Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị ngày càng được tăng cường; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững và bảo đảm.
Lãnh đạo TP. Thái Nguyên kiểm tra các công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn.
Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của thành phố ngày càng hoàn thiện, đồng bộ, với nhiều công trình, dự án trọng điểm có tác động tích cực đến sự phát triển của toàn tỉnh cũng như địa phương đã được đầu tư xây dựng, đưa vào sử dụng như: đường Việt Bắc, cầu Bến Tượng, Di tích lịch sử Quốc gia TNXP - Đại đội 915, Nhà hát Ca múa nhạc Dân gian Việt Bắc, Dự án đô thị miền núi phía Bắc, Dự án đô thị động lực… Tất cả đã góp phần làm cho diện mạo TP. Thái Nguyên ngày càng văn minh, hiện đại “Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp”.
Công tác chỉnh trang đô thị được tăng cường, quy hoạch và quản lý quy hoạch được quan tâm. Diện mạo đô thị ngày càng biến chuyển tích cực, khang trang, sạch đẹp hơn. Theo Quy hoạch tỉnh, TP. Thái Nguyên sẽ là đô thị trung tâm kết nối và điều phối.
Về tốc độ tăng trưởng kinh tế, trong nhiều năm TP. Thái Nguyên luôn đạt mức tăng trưởng 2 con số. Thương mại - Dịch vụ giữ vai trò chủ đạo trong cơ cấu kinh tế của địa phương. Thu ngân sách hằng năm đạt trên 3.000 tỷ đồng (chiếm gần 20% tổng thu ngân sách của tỉnh).
TP. Thái Nguyên cũng là một trong những địa phương đi đầu trong công tác chuyển đổi số của tỉnh. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện và nâng cao; tỷ lệ hộ nghèo hiện nay giảm xuống còn 0,66%. Quốc phòng - an ninh, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững. Thành phố đã được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới từ năm 2016.
Trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, tầng lớp Nhân dân TP. Thái Nguyên đã vinh dự được Đảng, Nhà nước và tỉnh trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân; 2 Huân chương Lao động hạng Nhất; Huân chương Lao động hạng Nhì, hạng Ba; Huân chương Độc lập hạng Nhất, hạng Ba và nhiều phần thưởng cao quý khác.
Những kết quả trên là nền tảng quan trọng để TP. Thái Nguyên tiếp tục vững bước và phát triển trên chặng đường mới.
P.V: Xin đồng chí cho biết, cùng với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, Đảng bộ thành phố đã quan tâm xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh, đặc biệt là công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng như thế nào?
Đồng chí Dương Văn Lượng: Đảng bộ TP. Thái Nguyên hiện có 100 tổ chức cơ sở đảng trực thuộc, với trên 27.600 đảng viên. Cùng với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, Đảng bộ thành phố xác định, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt. Do đó, Đảng bộ thành phố luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ trên tất cả các mặt chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ.
Bám sát các nghị quyết, chỉ thị, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Đảng, Đảng bộ thành phố đã ban hành nhiều nghị quyết chuyên đề, đề án, kế hoạch, chương trình hành động để triển khai các nhiệm vụ chính trị.
Cụ thể, nhiệm kỳ 2020-2025, ngoài tập trung triển khai thực hiện tốt các đề án về công tác xây dựng Đảng của Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố đã ban hành 6 đề án về công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị. Đặc biệt, Đảng bộ chú trọng thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) về xây dựng và chỉnh đốn Đảng gắn với Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
Thời gian tới, TP. Thái Nguyên sẽ tiếp tục phát huy lợi thế sản phẩm có thế mạnh đặc biệt của địa phương như chè đặc sản Tân Cương. Trong ảnh: Thu hái chè ở vùng chè đặc sản Tân Cương. (Ảnh: Quốc Tuân)
Đảng bộ TP. Thái Nguyên cũng luôn quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong Đảng; thực hiện tốt công tác dân vận chính quyền; mở rộng quy chế dân chủ ở cơ sở. Đánh giá phân loại hằng năm, toàn Đảng bộ có trên 98% tổ chức cơ sở đảng và trên 85% đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên (trong đó có 15% đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ).
Những kết quả nêu trên đã khẳng định niềm tin tưởng của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn vào sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp từ thành phố đến cơ sở; tạo nên sự đoàn kết, thống nhất để xây dựng Đảng bộ TP. Thái Nguyên ngày càng lớn mạnh và trưởng thành.
P.V: Để đạt được mục tiêu "Đến năm 2030, TP. Thái Nguyên là đô thị văn minh, hiện đại, phát triển xanh, bền vững và toàn diện", Đảng bộ TP. Thái Nguyên đã đề ra những nhiệm vụ và giải pháp gì để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, thưa đồng chí?
Đồng chí Dương Văn Lượng: Mục tiêu phát triển của TP. Thái Nguyên đến năm 2030 sẽ trở thành đô thị thông minh, hiện đại, phát triển xanh bền vững, mở rộng không gian đô thị; là một trong những trung tâm kinh tế, chuyển đổi số, văn hóa, giáo dục và đào tạo, y tế, khoa học, công nghệ, thể thao, du lịch; “đầu tàu” phát triển của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ; có vai trò kết nối giữa vùng Thủ đô Hà Nội và vùng trung du miền núi Bắc Bộ; có hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và người dân có mức sống cao.
Trung tâm thương mại Vincom Plaza, với số vốn đầu tư khoảng 500 tỷ đồng, không chỉ đáp ứng nhu cầu mua sắm, giải trí cho người dân mà còn góp phần tạo nên diện mạo mới cho TP. Thái Nguyên. Ảnh: Lăng Khoa.
Trên nền tảng những kết quả đạt được, bám sát sự chỉ đạo của Trung ương và tầm nhìn, định hướng của tỉnh, trong thời gian tới, TP. Thái Nguyên tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Một là: Tập trung nâng cao chất lượng tăng trưởng; tiếp tục đưa ngành Dịch vụ giữ vai trò chủ đạo trong cơ cấu kinh tế của thành phố; phát triển nông nghiệp công nghệ cao thân thiện với môi trường; ưu tiên phát triển mô hình kinh tế ban đêm, hình thành khu phố đi bộ, chợ đầu mối, trung tâm thương mại, nhà hàng, khách sạn đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Hai là: Ưu tiên phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng đô thị thông minh, đồng bộ, hiện đại, có tính chất liên kết vùng cao (như: hệ thống các cầu qua sông Cầu, hầm chui, cầu vượt, đường động lực, công viên…), đáp ứng đầy đủ các điều kiện, tiêu chí của đô thị loại 1; tăng cường công tác quản lý, chỉnh trang, phát triển đô thị, bảo đảm các yêu cầu về bảo vệ môi trường sinh thái, phát triển bền vững, phù hợp với quy hoạch.
Ba là: Phát huy tốt nhất lợi thế so sánh, nhất là đối với các ngành, lĩnh vực, sản phẩm có thế mạnh đặc biệt của thành phố như: Vùng chè đặc sản Tân Cương, Khu du lịch hồ Núi Cốc, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, Di tích lịch sử Quốc gia TNXP - Đại đội 915… để thu hút đầu tư, phát triển các loại hình du lịch, nhất là du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch trải nghiệm, giáo dục truyền thống.
Bốn là: Phát huy sức mạnh, giá trị văn hóa, xây dựng con người TP. Thái Nguyên văn minh, thanh lịch. Phát triển kinh tế đi đôi với bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội; ưu tiên đầu tư nhiều hơn cho phát triển giáo dục, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao mức sống, thu nhập và hưởng thụ văn hóa của nhân dân. Đồng thời, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với bảo đảm quốc phòng - an ninh; giữ vững an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội; không để xảy ra “điểm nóng” phức tạp về an ninh chính trị trên địa bàn.
Năm là: Đặc biệt coi trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của cấp ủy, tổ chức đảng; hiệu lực, hiệu quả của các cấp chính quyền từ thành phố đến cơ sở; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao ý thức, trách nhiệm, đạo đức công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thành phố.
Kế thừa và phát huy những thành tựu đã đạt được trong chặng đường 60 năm xây dựng và phát triển, chúng ta có cơ sở để tin tưởng và kỳ vọng Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc thành phố sẽ đoàn kết một lòng, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thách thức, phấn đấu xây dựng TP. Thái Nguyên trở thành đô thị thông minh, hiện đại - “đầu tàu” phát triển của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, xứng danh "Thành phố thép Anh hùng”!
P.V: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!