Thực hiện Luật An ninh mạng: Bảo đảm an toàn, an ninh thông tin
Lực lượng chức năng trong tỉnh xử lý đối tượng đưa thông tin sai lệch lên mạng xã hội gây hoang mang dư luận. |
Luật An ninh mạng có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2019, trong đó quy định rõ những nội dung cơ bản về bảo vệ an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh Quốc gia; phòng ngừa, xử lý hành vi xâm phạm an ninh mạng; triển khai hoạt động bảo vệ an ninh mạng và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân… Để tìm hiểu rõ hơn về việc triển khai thực hiện Luật An ninh mạng và những kết quả bước đầu đạt được trên địa bàn tỉnh, phóng viên Báo Thái Nguyên đã phỏng vấn Đại tá Nguyễn Văn Thực, Phó Giám đốc Công an tỉnh.
P.V: Trước hết, đồng chí có thể đánh giá khái quát về những ảnh hưởng của mạng xã hội (MXH) đối với người dân hiện nay?
Đại tá Nguyễn Văn Thực: Những năm gần đây, MXH đã có bước phát triển mạnh mẽ, tác động lớn đến đời sống xã hội ở hầu hết các Quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. MXH đã trở thành một thuật ngữ phổ biến với những tính năng đa dạng cho phép người dùng kết nối, chia sẻ, tiếp nhận thông tin một cách nhanh chóng, hiệu quả và tiện lợi. Không thể phủ nhận vai trò tích cực của MXH, song cũng phải nhận thấy các thế lực thù địch và bọn tội phạm đã và đang biến nó thành công cụ đắc lực cho các hoạt động phá hoại về tư tưởng và nhiều hoạt động phạm tội khác.
Ngày nay, chỉ với một chiếc điện thoại thông minh, một máy tính bảng hay máy tính cá nhân có kết nối Internet, bất kỳ ai cũng có thể tham gia MXH. Với nội dung phong phú và cách thức sử dụng dễ dàng, MXH mang lại rất nhiều tiện ích, nổi bật như: Góp phần quan trọng trong việc củng cố niềm tin của quần chúng nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và điều hành của Chính phủ; phát triển nhận thức, tư duy và kỹ năng sống của con người; góp phần tích cực vào sự phát triển của văn hóa cộng đồng; thúc đẩy quá trình hội nhập quốc tế trên lĩnh vực văn hóa của Việt Nam...
Bên cạnh những mặt tích cực, MXH cũng tiềm ẩn các yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường xã hội, lợi ích cộng đồng và an ninh trật tự, điển hình là đã và đang trở thành công cụ hàng đầu để các thế lực thù địch lợi dụng tiến hành phá hoại về tư tưởng; làm gia tăng nguy cơ lộ lọt bí mật Nhà nước; tác động tiêu cực đối với sự phát triển văn hóa; trở thành công cụ, môi trường “màu mỡ” để tội phạm lợi dụng hoạt động…
P.V: Để Luật An ninh mạng đi vào cuộc sống, ngành chức năng của tỉnh đã triển khai những giải pháp như thế nào, thưa đồng chí?
Đại tá Nguyễn Văn Thực: Để Luật An ninh mạng đi vào cuộc sống, Công an tỉnh đã chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương trong tỉnh phối hợp với các cơ quan chức năng của các sở, ban, ngành, các cơ quan truyền thông đại chúng đẩy mạnh tuyên truyền cho cán bộ, đảng viên, công nhân, học sinh, sinh viên, quần chúng nhân dân về Luật An ninh mạng và các hành vi bị cấm của Luật An ninh mạng; qua đó đã nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, công nhân, học sinh, sinh viên, quần chúng nhân dân trong việc chấp hành các quy định của Luật An ninh mạng. Đó là những hiệu quả hết sức thiết thực sau hơn 1 năm thực thi Luật An ninh mạng. Đặc biệt, nếu như trước đây, nhiều người hoài nghi, thậm chí là phản đối về các quy định của Luật thì giờ đây họ đã thấy rõ được những lợi ích khi Luật đi vào cuộc sống.
Ngay sau khi ra đời, Luật An ninh mạng đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ cao của đại đa số quần chúng nhân dân bởi họ nhận thức rõ được những lợi ích thiết thực do Luật mang lại. Điều này cũng đã được minh chứng một cách rõ ràng, hiệu quả trong thời gian qua, khi trên không gian mạng xuất hiện rất nhiều bài viết, thông tin thất thiệt về tình hình dịch COVID-19. Lợi dụng tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều đối tượng đã đưa các thông tin sai lệch nhằm trục lợi cá nhân, gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch. Trước tình hình đó, cơ quan chức năng các địa phương đã vào cuộc một cách quyết liệt. Theo đó, các đối tượng tung tin thất thiết đã bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
P.V: Thời gian qua, các lực lượng của Công tỉnh đã phát hiện, xử lý bao nhiêu tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh có hành vi vi phạm Luật An ninh mạng, thưa đồng chí?
Đại tá Nguyễn Văn Thực: Công an tỉnh đã chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương trong tỉnh tiến hành xác minh làm rõ 39 vụ việc đăng tải thông tin xấu độc trên không gian mạng; trong đó xử phạt vi phạm hành chính 21 vụ với 25 đối tượng, thu nộp ngân sách Nhà nước trên 222,6 triệu đồng; nhắc nhở 16 vụ, yêu cầu 16 trường hợp viết bản kiểm điểm gỡ tin và đính chính trên tài khoản Facebook cá nhân; trao đổi chuyển Công an tỉnh Bình Dương 1 vụ với 1 đối tượng; khởi tố 1 vụ, 1 bị can. Qua công tác nghiệp vụ trên không gian mạng đã phát hiện 5 đối tượng ở địa bàn tỉnh thường xuyên sử dụng MXH để đăng tải các thông tin quan điểm sai trái, thù địch; Công an tỉnh đã xây dựng kế hoạch đấu tranh với các đối tượng trên.
Đồng thời, Công an tỉnh Thái Nguyên đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ đấu tranh với các loại tội phạm sử dụng công nghệ cao, trong đó: Khởi tố 1 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản với 1 bị can; khởi tố 3 vụ tổ chức đánh bạc với 5 bị can; khởi tố 5 vụ án “sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử, thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản” vói 4 bị can.
P.V: Thời gian tới, công tác tuyên truyền, phổ biến Luật An ninh mạng và xử lý các trường hợp vi phạm sẽ được triển khai như thế nào, thưa đồng chí?
Đại tá Nguyễn Văn Thực: Thời gian qua, Công an tỉnh luôn coi trọng công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật cho người dân. Đồng thời, chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương kịp thời phát hiện, kiên quyết đấu tranh xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật trên không gian mạng; tuyên truyền sâu rộng kết quả xử lý để giáo dục. Qua đó đã góp phần hạn chế những thông tin xấu độc phát tán trên không gian mạng.
Trong thời gian tới, Công an tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với Báo Thái Nguyên, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về Luật An ninh mạng và cung cấp thông tin xử lý các đối tượng đăng tải thông tin xấu độc, thông tin sai sự thật trên không gian mạng để người dân cảnh giác khi tiếp cận các thông tin trên mạng. Công an tỉnh cũng chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ tăng cường tổ chức tuyên truyền cho học sinh, sinh viên về kiến thức pháp luật (trong đó có Luật An ninh mạng); thường xuyên chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương phối hợp với các cơ quan chức năng của các sở, ban, ngành, các cơ quan truyền thông đại chúng đẩy mạnh tuyên truyền cho cán bộ, đảng viên, công nhân, học sinh, sinh viên, quần chúng nhân dân về các phương thức, thủ đoạn của các loại tội phạm sử dụng công nghệ cao để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản; sử dụng các thiết bị điện tử, mạng viễn thông, mạng Internet để tổ chức đánh bạc trên không gian mạng.
Cùng với đó, ngành Công an thường xuyên rà soát các trang mạng có nội dung độc hại, kịp thời phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh ngăn chặn hoạt động đăng tải, phát tán các bài viết, quan điểm thù địch, sai trái, chống đối trên không gian mạng. Tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước và bảo đảm an ninh trong lĩnh vực thông tin - truyền thông; phối hợp với các ban, ngành liên quan làm tốt công tác vận động quần chúng; phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, chức sắc, chức việc trong các tôn giáo và các văn nghệ sĩ, trí thức trong công tác tuyên truyền về Luật An ninh mạng và những hành vi bị cấm...
P.V: Xin cảm ơn đồng chí!