Ứng phó với "bà Hỏa" - Phòng là chính
Lực lượng chức năng hướng dẫn người dân sử dụng bình chữa cháy tại chỗ. |
Thời gian qua, tình hình cháy, nổ trong cả nước diễn biến phức tạp, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Nguyên nhân chủ yếu được xác định là do sự chủ quan, vi phạm quy định về an toàn phòng cháy, chữa cháy (PCCC). Tại Thái Nguyên, từ đầu năm 2022 tới nay cũng xảy ra một số vụ cháy gây thiệt hại về tài sản. Nhân ngày toàn dân PCCC (4-10), phóng viên Báo Thái Nguyên có cuộc phỏng vấn Thượng tá Phan Thanh Sơn, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ (Công an tỉnh) về một số nội dung liên quan.
P.V: Tỉnh Thái Nguyên vừa tổ chức đợt tổng kiểm tra các cơ sở kinh doanh, nơi tập trung đông người có nguy cơ cháy, nổ cao. Thông qua đợt kiểm tra, đồng chí có đánh giá như thế nào về vấn đề PCCC ở những cơ sở này?
Thượng tá Phan Thanh Sơn: Qua kiểm tra cho thấy, hầu hết người đứng đầu cơ sở đã chấp hành nghiêm túc quy định của pháp luật về công tác PCCC.
Tuy nhiên, vẫn còn một số cơ sở chưa duy trì các điều kiện đảm bảo an toàn PCCC, có trường hợp vi phạm đặc biệt nghiêm trọng, như: Cải tạo, thay đổi công năng, tính chất sử dụng nhưng không được thẩm duyệt thiết kế về PCCC; đường và lối thoát nạn, cửa thoát nạn không đảm bảo kích thước, làm mất tác dụng của lối thoát nạn; hệ thống điện không đảm bảo quy định… Đây là những nguy cơ thường trực, dễ phát sinh cháy, nổ và gây hậu quả nghiêm trọng.
P.V: Lực lượng chức năng đã xử lý như thế nào đối với những trường hợp vi phạm quy định PCCC, thưa đồng chí?
Thượng tá Phan Thanh Sơn: Trong đợt kiểm tra lần này, lực lượng chức năng đã kiên quyết xử lý với các vi phạm không đảm bảo an toàn PCCC.
Cụ thể, trong tháng 9, các đoàn kiểm tra liên ngành đã xử lý vi phạm hành chính 114 trường hợp, với số tiền phạt là hơn 854 triệu đồng; tiến hành tạm đình chỉ, tạm dừng hoạt động đối với 19 cơ sở có vi phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định an toàn PCCC.
P.V: Thời gian qua, vẫn còn các vụ cháy, nổ xảy ra gây hậu lớn, cho thấy một bộ phận người dân vẫn chưa thực sự quan tâm đến công tác PCCC. Vậy những tồn tại và hạn chế nào được xem là tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ thưa đồng chí?
Thượng tá Phan Thanh Sơn: Trên thực tế, một bộ phận người dân và người đứng đầu cơ sở sản xuất, kinh doanh chưa thực sự quan tâm công tác PCCC; chưa trang bị phương tiện chữa cháy theo quy định, một số cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke chủ yếu là dạng nhà ống, là nhà ở hộ gia đình cải tạo nên lối thoát nạn thứ 2 không đảm bảo kích thước, tính chất kỹ thuật theo quy định; biển quảng cáo lắp đặt không đảm bảo các yêu cầu về PCCC...
Ngoài ra, một bộ phận người dân người dân chưa được trang bị kiến thức, kỹ năng an toàn PCCC, chưa biết cách xử lý khi có cháy, nổ xảy ra tại gia đình hay nơi làm việc…
P.V: Để hạn chế các vụ cháy, nổ, đồng chí có thể đưa ra những giải pháp và cảnh báo về công tác PCCC? Và đâu là giải pháp cấp thiết để đẩy mạnh hơn nữa phong trào toàn dân PCCC trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên?
Thượng tá Phan Thanh Sơn: Để hạn chế các vụ cháy, nổ, các hộ gia đình, khu dân cư, chợ, các cơ sở, doanh nghiệp cần thực hiện một số giải pháp như: Tự giác chấp hành quy định pháp luật về PCCC và cứu hộ, cứu nạn; trang bị phương tiện PCCC; xây dựng và tổ chức thực tập phương án chữa cháy.
Mỗi gia đình cần kiểm soát chặt chẽ nguồn lửa, nguồn nhiệt; chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện chữa cháy ban đầu và dụng cụ phá dỡ cần thiết. Mỗi hộ cũng phải chuẩn bị sẵn sàng lối thoát nạn thứ 2 qua: cầu thang, ban công, ống tụt… Và một yếu tố quan trọng nữa là thực hiện đúng quan điểm chỉ đạo trong công tác PCCC "Lấy phòng ngừa là chính".
Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!