Vì sự phát triển chung của tỉnh
Đồng chí Mai Thị Thúy Nga, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh (bên phải) trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Thái Nguyên. |
Kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh khóa XIV diễn ra với nhiều nội dung quan trọng, liên quan đến đội ngũ cán bộ cấp cơ sở và đông đảo người dân trên địa bàn. Để giúp bạn đọc hiểu hơn về Kỳ họp, chúng tôi có cuộc phỏng vấn đồng chí Mai Thị Thúy Nga, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh.
PV: Thưa đồng chí, tại Kỳ họp này, đâu là những nội dung đáng chú ý, thu hút sự quan tâm của đông đảo cử tri và nhân dân trên địa bàn?
Đồng chí Mai Thị Thúy Nga: Kỳ họp này, HĐND tỉnh sẽ tiếp tục đổi mới nội dung, chương trình theo hướng giảm thời gian nghe báo cáo, tờ trình, dành nhiều thời gian hơn cho phiên giải trình, chất vấn và trả lời chất vấn, nhằm làm rõ thực trạng các vấn đề được đại biểu, cử tri và nhân dân quan tâm.
Kỳ họp sẽ xem xét báo cáo về kết quả giám sát việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri, nhằm giúp những nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của người dân tiếp tục được quan tâm, giải quyết. Thực tế cho thấy, thời gian qua, HĐND tỉnh thường xuyên cập nhật, đánh giá tiến độ giải quyết các kiến nghị của cử tri. Nhiều kiến nghị đã được thể chế hóa thành cơ chế, chính sách, được quy định trong các Nghị quyết của HĐND tỉnh, góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, cải thiện đời sống của nhân dân
Đặc biệt, Kỳ họp sẽ xem xét thông qua Nghị quyết về Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Khi được phê duyệt, Quy hoạch sẽ là công cụ quan trọng trong định hướng, quản lý toàn diện, thống nhất các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), định hướng không gian phát triển, là cơ sở để tỉnh chủ động kiến tạo phát triển nhanh, toàn diện và bền vững…
P.V: Đồng chí có thể nói rõ hơn về nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 07/2019/NQ-HĐND của HĐND tỉnh quy định số lượng, chức danh và mức phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và ở xóm, tổ dân phố (TDP), tại Kỳ họp này?
Đồng chí Mai Thị Thúy Nga: Cán bộ cơ sở đóng vai trò rất quan trọng, là “cầu nối” giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân. Thời gian qua, do một vài quy định của pháp luật có sự thay đổi nên một số chức danh cán bộ cơ sở được quy định trong nghị quyết của HĐND tỉnh không còn phù hợp, một số chức danh chưa được quy định trong nghị quyết.
Để kịp thời triển khai các quy định mới của Trung ương về cán bộ cơ sở, trên cơ sở cân đối nguồn lực của tỉnh và tiếp thu ý kiến, kiến nghị của cử tri, HĐND tỉnh dự kiến sẽ xem xét, sửa đổi, bổ sung một số nội dung liên quan.
Cụ thể: Phó trưởng công an xã không còn là người hoạt động không chuyên trách; bố trí lại số lượng phó chỉ huy trưởng ban chỉ huy quân sự cấp xã; tăng mức hỗ trợ kinh phí khoán để chi trả bồi dưỡng cho người trực tiếp tham gia công việc của xóm, TDP thêm 5 triệu đồng/xóm, TDP/năm; nâng mức bồi dưỡng người trực tiếp tham gia công việc của xóm, TDP lên mức chi tối thiểu 50.000 đồng/người/buổi và mức chi tối đa 100.000 đồng/người/buổi nhằm đảm bảo hiệu quả hoạt động ở cơ sở.
P.V: Trong nhiều kỳ họp gần đây và cả Kỳ họp này, có một số nghị quyết vừa được HĐND tỉnh thông qua đã phải điều chỉnh, bổ sung, khiến nhiều cử tri không khỏi băn khoăn. Đồng chí có thể nói rõ hơn về vấn đề này?
Đồng chí Mai Thị Thúy Nga: Trước hết, cần khẳng định, nghị quyết của HĐND tỉnh được xây dựng phải đảm bảo nguyên tắc phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; cũng như với văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên và điều kiện phát triển KT-XH của tỉnh. Vì thế, trong quá trình phát triển của đất nước nói chung, tỉnh Thái Nguyên nói riêng, việc sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh các nghị quyết đang có hiệu lực thi hành là cần thiết và là yêu cầu tất yếu.
Thời gian qua và tại Kỳ họp này, HĐND tỉnh chỉ quyết định sửa đổi, bổ sung hoặc điều chỉnh nghị quyết trong các trường hợp: (1) Văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên làm căn cứ ban hành nghị quyết hoặc được dẫn chiếu trong nội dung nghị quyết đã được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế. (2) Một số quy hoạch ngành quốc gia mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; một số định hướng phát triển, định hướng quy hoạch có sự thay đổi so với thời điểm HĐND tỉnh thông qua nghị quyết. Vì thế, việc điều chỉnh nhằm đảm bảo tính thống nhất, nhất là nghị quyết quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư công. (3) Một số chế độ, chính sách do HĐND tỉnh quyết định theo phân cấp, đến thời điểm này khả năng cân đối ngân sách của tỉnh có thể đáp ứng ở mức cao hơn. Vì vậy, việc ban hành nghị quyết để sửa đổi, bổ sung các chế độ, chính sách cho vừa tương xứng với tốc độ phát triển KT-XH của tỉnh, vừa giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri là điều cần thiết.
P.V: Để đồng hành với UBND tỉnh trong triển khai, thực hiện các nhiệm vụ phát triển KT-XH, cũng như nâng cao chất lượng các nghị quyết được ban hành, HĐND tỉnh đã và đang triển khai các giải pháp gì, thưa đồng chí?
Đồng chí Mai Thị Thúy Nga: Có nhiều nhóm giải pháp mà HĐND tỉnh đã và đang đồng thời triển khai thực hiện. Trong đó, rõ nhất là trong công tác phối hợp của các Ban HĐND tỉnh với các cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh trong quá trình xây dựng nghị quyết trình tại các kỳ họp.
Ban Dân tộc HĐND tỉnh chủ trì khảo sát công trình cấp nước sạch tại xã Phúc Lương (Đại Từ), tháng 6-2022. Ảnh: Thu Huyền
Theo đó, các Ban HĐND tỉnh đã chủ động nghiên cứu, phối hợp và đồng hành với cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm định, cơ quan trình hồ sơ dự thảo nghị quyết trong suốt quá trình xây dựng nghị quyết, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng không đảm bảo điều kiện trình HĐND tỉnh vì lý do chất lượng dự thảo nghị quyết hoặc thủ tục trình tự không đảm bảo quy định.
Sau khi nghị quyết được ban hành, đại biểu HĐND và các cơ quan của HĐND tiếp tục giám sát chặt chẽ việc tổ chức thực hiện, đảm bảo nghị quyết được triển khai trong thực tế, kịp thời phát hiện khó khăn, vướng mắc và kiến nghị giải pháp khắc phục. Qua đó góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu phát triển KT-XH của tỉnh.