Sen Đầm Trị quyện cùng trà Thái Nguyên

Cập nhật: Chủ nhật 03/07/2022 - 11:33
 Những bàn tay khéo léo nhẹ nhàng gói trà Thái Nguyên vào bông hoa sen Đầm Trị.
Những bàn tay khéo léo nhẹ nhàng gói trà Thái Nguyên vào bông hoa sen Đầm Trị.

Cuối tháng 6, sen Đầm Trị (Tây Hồ, Hà Nội) nở rộ. Du khách đến đây không những được ngắm những bông sen thắm sắc hồng, ngát hương thơm mà còn được trải nghiệm cách làm trà và thưởng trà sen.

Chị Trần Thị Thủy, nghệ nhân làm trà bông sen ở Đầm Trị, chia sẻ: Khu vực này trồng sen từ thời xa xưa. Hoa sen Đầm Trị có tiếng thơm nhất, đẹp nhất trong vùng. Sen chỉ nở 1 mùa trong năm, từ tháng 4 đến cuối tháng 7 Âm lịch. Bông sen thơm lâu, đến cả lá sen cũng mang trong mình hương thơm dịu nhẹ, vậy nên xưa kia sen vùng này thường được dùng để dâng Phật, tiến vua.

Để có được thương hiệu Trà bông Sen Đầm Trị nức tiếng, những gia đình làm nghề nơi đây thường chọn loại trà thượng hạng của Thái Nguyên rồi thực hiện các công đoạn tỉ mỉ, kỳ công để ướp trà cùng với hoa sen.

Theo chị Thủy, chọn trà Thái Nguyên phải chọn loại móc câu, vì loại trà này có hương thơm của cốm non và vị ngọt sâu. Trà không được lên hương trước mà phải là trà mộc. Còn sen thì chọn sen Bách Diệp, nhiều cánh, cánh dày, có hương thơm thanh khiết. Sau khi đã lựa chọn được nguyên liệu, nghệ nhận sẽ tiến hành ướp trà cùng hoa sen.

Vào buổi sáng sớm, người làm trà đã phải ra đầm lựa những bông sen vừa chớm nở, còn đang “e ấp”, sau đó mang về rồi khéo léo bóc tách những cánh hoa. Khi đài sen, gạo sen lộ ra thì rũ nhẹ lấy chúng để ướp tẩm cùng trà.

Công đoạn ướp tẩm trà cũng phải thật tinh tế. Nếu thời tiết nóng thì thời gian ủ trà cùng sen ngắn lại, thời tiết mát thì ủ dài hơn. Thường thời gian ủ từ 5 đến 7 ngày, khi sờ vào cánh trà có cảm giác dẻo, mềm, có mùi thơm ngát thì mới cho ra sàng kỹ.

Một loại khác là ướp trà trong bông sen. Theo đó, công đoạn đưa trà vào bông sen cũng phải rất cẩn trọng, nghệ nhân thường sử dụng muổng gỗ để xúc trà. Theo giải thích của những nghệ nhân nơi đây, cách làm này tránh để hơi tay người nhiễm vào trà, để trà sen không bị tạp hương. Sau đó, những bàn tay khéo léo lại nhẹ nhàng đóng những cánh sen lại và dùng dây cột chéo để cánh sen không bị bung ra, hương sen sẽ được lưu giữ hoàn toàn.

Tiếp đến, những bông sen được cắm lại vào nước để hương sen bên trong toát ra một cách tự nhiên, hòa quyện vào trong từng cánh trà nhỏ. Mất khoảng 1 ngày 1 đêm để hoàn thành việc ủ trà trong bông sen. Có lẽ do cách làm trà tỉ mỉ, tinh tế, độc đáo này nên một số người làm trà tại Đầm Trị được phong là nghệ nhân.

Trà bông sen cũng có cách pha rất kỳ công. Theo hướng dẫn của các nghệ nhân, sau khi lấy trong tủ lạnh ra, cắt bỏ phần túi ép chân không, người dùng phải để khoảng 5 đến 10 phút rồi mới cởi lạt buộc búp sen, dùng tay nhẹ nhàng tách từng cánh sen ra. Khi lộ ra phần trà bên trong, người ta lấy toàn bộ cánh trà và gạo sen cho vào ấm, rót nước sôi vào 1/3 ấm rồi đậy nắp, lắc đều và để khoảng 5 phút rồi mới tiếp tục thêm nước sôi vào, để thêm 5 phút cho trà ngấm, sau đó rót ra chén để thưởng thức.

Cùng với cách pha kỳ công, người thưởng trà cũng phải biết cách. Khi thưởng trà, người ta đưa chén lên, hít sâu để hương thơm của hoa sen lan tỏa trong khoang mũi, sau đó mới đưa chén trà vào miệng nhấp. Lúc đó, thượng khách sẽ cảm nhận rõ vị ngọt đậm của trà Thái Nguyên, vị chát của gạo sen và mùi hương thơm của sen phảng phất, quyến rũ.

Trà bông sen Đầm Trị có nhiều loại, bán với những mức giá khác nhau, loại đặc biệt nhất có giá khoảng 100 nghìn đồng/bông, loại trung bình từ 60-80 nghìn đồng/bông.

Thưởng thức Trà bông sen Đầm Trị mỗi ngày sẽ giúp xua tan cảm giác mệt mỏi, tinh thần sảng khoái, tỉnh táo. Trà bông sen cũng có tác dụng an thần, chữa bệnh, giúp người thưởng Trà có giấc ngủ ngon.

Sông Hương
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: