“Điểm hẹn 561”
Nhóm phóng viên trên xuồng máy lên đảo làm nhiệm vụ. |
Những ngày tháng 6 với tôi luôn gợi nhớ những kỷ niệm của một thời được vinh dự cống hiến cho sự nghiệp báo chí. Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21-6, giới báo chí luôn được cả nước quan tâm, động viên, chia sẻ. Song với mấy anh em phóng viên chúng tôi, được làm nghề và thể hiện ít ngày trên biển, trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, khó khăn, thiếu thốn thiết bị tác nghiệp là một trong những kỷ niệm không thể nào quên trong cuộc đời.
Năm ấy, khác với những đợt công tác trước đó, chúng tôi vinh dự được tham gia một hải trình đặc biệt với sự có mặt của 110 thân nhân cán bộ, chiến sĩ (CBCS) đang công tác trên một số đảo phía Bắc quần đảo Trường Sa.
6 anh em phóng viên báo chí chúng tôi (Hà Phương, Mai Hằng ở Thái Nguyên; Hoài Đảm, Thế Anh, Đài Truyền hình Việt Nam; Nguyễn Dương, Báo Dân Trí và anh Quang Vinh, Thông tấn xã Việt Nam) được biên chế vào một nhóm. Trưởng đoàn - Đại tá Đào Giang Hải, Chính ủy Lữ đoàn 146, Hải quân vùng 4 ngày ấy phân công chúng tôi phụ trách công tác tuyên truyền trong suốt hành trình.
Ngay sau khi được Thủ trưởng quán triệt, giao nhiệm vụ, lập tức chúng tôi hội ý và thống nhất báo cáo với Trưởng đoàn công tác xin phép được duy trì chương trình phát thanh nội bộ hàng ngày trên tàu với tên gọi “Điểm hẹn 561” vào 19 giờ 30 và phát lại vào buổi sáng hôm sau. 561 chính là biển hiệu của con tàu HQ561 - Ngôi nhà của trên 200 thành viên gắn với hải trình hơn 10 ngày lênh đênh trên biển của chúng tôi.
Đại tá Đào Giang Hải, Chính ủy Lữ đoàn 146 - Trưởng đoàn với nhóm phóng viên trong hải trình công tác.
Không ai nói với ai, song các bạn coi tôi và anh Quang Vinh như anh chị cả, cùng chia sẻ, trao đổi công việc. Chúng tôi phân công nhau mỗi người một nhiệm vụ. Người thì lo thiết kế chương trình, người thì ghi chép, viết lời bình, phỏng vấn CBCS trên đảo cũng như trên tàu; người thì đi tìm các hạt nhân văn hóa, văn nghệ để duy trì lồng ghép trong các chương trình phát thanh… Tôi và anh Quang Vinh thuộc những người “có tý tuổi” trong nhóm, chỉ sợ không theo kịp mọi người, song niềm vinh dự lớn cùng trách nhiệm được giao phó, rồi tình cảm của CBCS cũng như những chia sẻ của thân nhân CBCS đã làm chúng tôi quên hết mệt mỏi, lăn xả vào “mảnh đất màu mỡ” mà không phải ai trong cuộc đời làm báo cũng có cơ hội nếm trải.
Ngày đầu, chưa quen nắng gió biển khơi, chưa quen với tàu, nhưng chúng tôi ai nấy đều cố gắng, quên hết mệt mỏi. Say sóng ư? Mà không, hình như là bị “say” công việc. Phòng nghỉ của hai chị em tôi trở thành phòng sản xuất chương trình trên tàu. Ngoài 6 anh em chúng tôi, các hạt nhân văn nghệ, nhà thơ, nhà văn có tác phẩm tham gia buổi phát thanh cùng có mặt để ghi âm trực tiếp. Mà không hiểu có động lực nào tiếp sức, hầu như các “phát thanh viên”, “ca sĩ”, “nhà thơ” đến các bạn phụ trách kỹ thuật của hải trình HQ561 đều ủng hộ anh em chúng tôi; ghi âm là được ngay, ít phải làm lại.
Trà Thái Nguyên được anh em CBCS sử dụng hàng ngày, trước giờ làm nhiệm vụ.
Sung sướng nhất của nhóm chúng tôi là khi giọng đọc truyền cảm Hoài Đảm vang lên: Mời quý vị và các bạn cùng đón nghe chương trình phát thanh “Điểm hẹn 561” cũng là lúc toàn tàu dừng các hoạt động khác để chú ý lắng nghe, thưởng thức! Trên gương mặt của mỗi người đều ánh lên niềm vui và xúc động, nhất là khi gặp được những nhân vật của ngày trong chương trình phát thanh. Có khi mọi người ồ lên cùng trầm trồ; có khi là những giọt nước mắt hạnh phúc khi bản thân họ khó nói thành lời mà lại được những người làm chương trình chia sẻ giúp thông qua những câu chuyện, những bài thơ hay lời hát.
Có thể kể đến những câu chuyện dạt dào cảm xúc khi viết về những người vợ lính đảo, những người mẹ anh hùng có con trai công tác trên đảo của nhà báo Quang Vinh; Bức thư gửi bố của nhà báo Hà Phương; cô giáo Minh Minh ở Thành phố Hồ Chí Minh với giọng ngâm thơ truyền cảm đã lấy bao nước mắt của mọi người. Còn Nhà báo Mai Hằng lại khéo động viên để cặp vợ chồng trẻ kìm nén nỗi nhớ nhung, chia sẻ những lời ngọt ngào trước ống kính, động viên nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ nơi tuyến đầu Tổ quốc; nhà báo Nguyễn Dương thì cố gắng ghi chép lại sự cố gắng khắc phục khó khăn để phấn đấu rèn luyện, cống hiến của CBCS nơi hải đảo. Nhà báo Thế Anh, ngoài việc quay phim, chụp ảnh phục vụ nhiệm vụ chuyên môn, anh lại dành nhiều thời gian để phỏng vấn, chia sẻ với CBCS làm nhiệm vụ nuôi quân, chăm sóc sức khỏe cho mọi người trên tàu…
Có những bạn trải lòng, rung động thực sự trước lính đảo, trước biển cả mênh mông mà không thể kìm nén. Cùng với đó là những bài hát về quê hương, đất nước, biển đảo do chính các thành viên trong đoàn trình bày; nhiều bài thơ giàu cảm xúc được sáng tác ngay trong hải trình công tác. Đặc biệt, mọi người vẫn chân quý nhất tâm sự của những người mẹ, người vợ khi được tham gia Đoàn công tác lần này, được gặp con, gặp chồng sau những tháng ngày xa cách.
Đoàn công tác chụp ảnh lưu niệm với CBCS tại một điểm đảo.
Cứ thế, hàng ngày, sáng, chiều lên đảo thăm CBCS; trưa, tối về là tranh thủ ghi nhanh, làm thơ, viết những câu chuyện nho nhỏ, ghép các phỏng vấn CBCS và thân nhân… làm phong phú thêm cho Chương trình. Hải trình đã trôi qua rất nhanh. Bằng một số thiết bị đơn giản, gọn nhẹ, cùng sự hỗ trợ của CBCS trên tàu, chúng tôi đã có một đợt trải nghiệm thật đáng nhớ. Anh em chúng tôi cũng đã kịp sản xuất được gần 20 chương trình phát thanh nội bộ đặc biệt dành cho ngôi nhà thân yêu trên biển HQ561; chưa kể một số tác phẩm đã được hoàn thành và gửi ngay về cơ quan báo chí để phục vụ kịp thời nhiệm vụ tuyên truyền.
Trở về với công việc thường nhật, với vốn liếng tích lũy sau hơn 20 ngày trên biển, mỗi phóng viên chúng tôi lại tiếp tục bươn trải và sáng tác thêm khá nhiều tác phẩm báo chí phục vụ nhiệm vụ tuyên truyền về biển đảo. Công việc cuốn hút, song chúng tôi luôn dành cho nhau tình cảm chân quý của những đồng nghiệp đã có những ngày gắn bó bên nhau trên tuyến đầu của Tổ quốc, gắn bó với “Điểm hẹn 561” thân yêu.