An Bang một ngày "biển lặng"

Cập nhật: Thứ năm 03/09/2020 - 11:29
 Các chiến sĩ thuộc Tổ Công tác đặc biệt đảo An Bang kéo xuồng chuyên dụng vào đảo.
Các chiến sĩ thuộc Tổ Công tác đặc biệt đảo An Bang kéo xuồng chuyên dụng vào đảo.

Trong hành trình đi thăm, tặng quà cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ tại các đảo, điểm đảo thuộc Quần đảo Trường Sa (Khánh Hòa) đã để lại cho tôi nhiều cung bậc cảm xúc, bởi tình cảm thân thương, chân thành và lòng dũng cảm vượt qua khó khăn của cán bộ, chiến sĩ nơi đây để giữ vững chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Trong đó, cuộc sống của người lính trên đảo An Bang cho tôi những ấn tượng sâu sắc khó quên…

Trung tá Nguyễn Văn Nam, Phó Chủ nhiệm chính trị Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân: Vào đảo An Bang khó khăn, nguy hiểm nhất trong các đảo và điểm đảo. Tuy nhiên, các cán bộ, chiến sĩ trên đảo luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đón, đưa đoàn an toàn và bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Bên cạnh đó, cán bộ, chiến sĩ trên đảo còn nhiệm vụ làm điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi, bám biển. 
 
Đại úy Hứa Văn Hoàng, Chỉ huy trưởng đảo An Bang: Bãi cát để xuồng cập bến vào đảo mùa này ở phía Đông, nhưng vào mùa tháng 5-6, lại dịch chuyển ra phía Tây. Ở đây có hai luồng gió nên dòng nước xoáy, sẵn sàng nhấn chìm mọi thứ. Chỉ ra khỏi bãi cát này chừng 2m là biển sâu, cực kỳ nguy hiểm. Chính vì vậy, đảo đã thành lập Tổ công tác đặc biệt gồm những đồng chí có thể lực tốt, vững về tinh thần và bơi lội giỏi đển làm nhiệm vụ kéo xuồng cập bến.
Sau lễ tiễn đưa hoành tráng tại Quân cảng Cam Ranh, thuộc Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân, 3 con tàu cỡ lớn, hiện đại, gồm: KN490; KN491 và tàu Bệnh viện đều đổ vang những hồi còi kéo dài, tạm biệt đất liền rồi rẽ sóng ra khơi làm nhiệm vụ thay, thu quân, thăm và tặng quà cán bộ, chiến sĩ ở 21 đảo, với 33 điểm đóng quân thuộc Quần đảo Trường Sa. Trên những còn tàu ấy là những gương mặt trẻ, nhưng rắn rỏi của chiến sĩ ra đảo làm nhiệm vụ cùng sự hứng khởi của những phóng viên lần đầu được đến với Trường Sa… Chúng tôi được bố trí lên tàu Kiểm Ngư 491 đi tới các đảo, điểm đảo phía Nam của Quần đảo Trường Sa, với lịch trình: Đá Lát, Trường Sa lớn, Đá Tây, Trường Sa Đông, Đá Đông, Thuyền Chài, An Bang.
 
Sau hải trình 2 đêm và 1 ngày “thuận buồn, xuôi gió”, con tàu KN491 đã đưa chúng tôi đến với đảo Đá Lát (đảo xa nhất ở cực Nam). Đây là đảo chìm, có diện tích nhỏ nên chúng tôi chỉ ở lại vài giờ, để tặng quà, động viện cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ tai đây. Sau đó, Đoàn lại tiếp tục hải trình thăm đảo Trường Sa lớn. Kết thúc gần 2 ngày giao lưu, tìm hiểu cuộc sống của cán bộ, chiến sĩ cũng như người dân sinh sống trên đảo Trường Sa lớn, tất cả lại lên tàu để đến đảo Đá Tây.
 
Đại tá Lê Đình Hải, Phó Lữ đoàn trưởng, Lữ đoàn 146, Vùng 44 Hải quân, Trường đoàn công tác bất ngờ nhận cuộc gọi từ Chỉ huy trưởng đảo An Bang. Sau cuộc trao đổi nhanh, trên khuôn mặt nghiêm nghị của người Chỉ huy bỗng nở nụ cười vui mừng và ngay lập tức thông báo đến các thành viên trên tàu “Lịch trình sẽ thay đổi, đi thăm đảo An Bang trước, vì hiện “sóng ở khu vực đảo An Bang đang lặng”. Gần 3 tiếng sau, con tàu KN491 đã có mặt và neo đâu cách đảo An Bang chừng 1 hải lý. Xa xa, đảo An Bang nổi lên xanh mướt giữa những tán cây bàng vuông, tra, bằng lăng, pha lẫn với đó là những vạt hoa muống biển tim tím…
 
Mặc dù, Đại tá Hải nói “biển lặng”, nhưng những con sóng “bạc đầu” cao hơn 3m vẫn cuồn cuộn xô nhau, đạp vào mạn tàu tung bọt trắng xóa. Những người ra thăm đảo lần đầu như chúng tôi đều tỏ ý thắc mắc, “biển lặng” mà sao sóng vẫn ào ào? Dường như hiểu ý của chúng tôi nên đồng chí Trưởng đoàn giải thích: Ở khu vực đảo An Bang, sóng cao tầm 3m vẫn được coi là “biển lặng”, bởi vào mùa này, gió mạnh, sóng cao 5-6m là chuyện thường, có những lần tàu đưa hàng, thay, thu quân từ đất liền ra phải neo đậu 2-3 ngày, chờ yên sóng mới dùng xuồng chuyên dụng đưa người và thực phẩm vào được đảo…
 
Mỗi dịp Lễ, Tết cán bộ, chiến sĩ trên đảo tổ chức các trò chơi dân gian.
 
Những chiếc xuồng chuyên dụng được hạ xuống, các thành viên trong Đoàn được tổ lái xuồng hướng dẫn tỉ mỉ từng thao tác để đảm bảo an toàn. Khi tất cả đã ngồi vào vị trí, người lái xuồng bắt đầu luồn lách theo từng luồng sóng để vượt qua. Đối với những đảo khác, xuồng chuyên dụng lần lượt đưa người và hàng vào. Thế nhưng, tại đảo An Bang, cứ một xuồng chở người thì phải có một xuồng không đi theo hộ tống, đề phòng bất trắc. Càng vào gần đảo, sóng càng mạnh khiến những chiếc xuồng chồm lên, ngụp xuống như muốn hất tung người và hàng xuống biển, sóng cao tạt vào khiến ai cũng ướt sũng. Gian nan, nguy hiểm là vậy, nhưng tất cả thành viên đều hồ hởi vô cùng.
 
Còn phía trong đảo, cán bộ, chiến sĩ thấp thỏm lo lắng. Khi xuồng chuẩn bị tiếp cận đảo, thành viên tổ lái xuồng tung dây thừng to, lập tức người chiến sĩ (thuộc Tổ công tác đặc biệt của đảo An Bang) ở ngoài cùng ào ra, nắm lấy dây thừng, còn những chiến sĩ khác gắng sức, kéo mạnh lên bờ. Có những lần, tổ lái xuồng năm lần, bẩy lượt ném dây thừng các chiến sĩ trong đảo bắt được dây. Bình thường, thời gian đưa người và hàng hóa vào các đảo khác chỉ khoảng 1 giờ đồng hồ, nhưng với đảo An Bang thì gấp 2 lần.
 
Tham quan một vòng quanh, điều chúng tôi cảm thấy thích thú đó là trên đảo được trồng đủ các loại cây, như: Bàng vuông, nho biển, rau xanh trông mướt mắt. Sau những trận cuồng phong, lá các cây trên đảo rách tươm, giờ đến lúc thay lớp lá mới xanh mơn mởn. Khu vườn tăng gia không rộng, nhưng có khá nhiều loại rau, như: Muống, mồng tơi, mướp, rau sống… được các chiến sĩ che chắn cẩn thận và chăm sóc chu đáo nên phát triển tốt, góp phần quan trọng tăng lượng rau xanh trong khẩu phần ăn của cán bộ, chiến sĩ trên đảo. Sóng to, giớ lớn mang hơi nước mặn chát, khiến việc bảo quản trang thiết bị gặp không ít khó khăn. Vì vậy, mỗi khi sử dụng xong, đều được bảo quan trong túi ni lông để phòng kín…
 
Sau bữa cơm trưa giản dị và đầm ấm với những người lính đảo, Đoàn công tác phải vội vã rời đảo, trước khi biển nơi này trở lại sóng dữ. Cái ôm thân thiết thay lời chia tay của những người ở lại và người lên tàu. Những người lính hoàn thành nhiệm vụ trở về đất liền không quên dặn dò những chiến sĩ mới ra đảo vững tinh thần, vượt qua khó khăn để bảo vệ biển đảo quê hương.
Rời đảo lên tàu để tiếp tục hành trình đến với các đảo khác và trở về đất liền, trong mỗi chúng tôi đều mang theo những cảm xúc riêng. Nhưng tất cả đều cảm phục tinh thần vượt khó, ý chí quyết tấm cao để bảo vệ vững chắc biển đảo quê hương của cán bộ, chiến sĩ đảo An Bang…
Dương Hưng
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: