Chuyện chiến trường

Cập nhật: Chủ nhật 01/05/2022 - 08:21
 Những người lính Trường Sơn cùng trò chuyện, ôn lại kỷ niệm thời chiến.
Những người lính Trường Sơn cùng trò chuyện, ôn lại kỷ niệm thời chiến.

Những ngày tháng 4, trong căn nhà ấm cúng của Đại tá Trần Duy Hưởng, xóm An Thái, xã Hóa Thượng (Đồng Hỷ), tràn đầy tiếng cười nói của đồng đội. Những người lính năm xưa giờ cùng sinh hoạt ở Hội Truyền thống Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh tỉnh Thái Nguyên tóc đều điểm bạc, ngồi trò chuyện, ôn lại chuyện chiến trường với biết bao kỷ niệm buồn, vui.

Giọng nói của Đại tá Trần Duy Hưởng, 84 tuổi, vẫn rành rõ khi kể về những ngày tháng 4 lịch sử 47 năm trước: “Lúc ấy, tôi là Tiểu đoàn phó phụ trách Tiểu đoàn Ô tô vận tải 827, Cục Hậu cần, Quân đoàn 3 (Tiểu đoàn có nhiệm vụ vận chuyển hàng hóa, vật chất, trang bị kỹ thuật cho các chiến trường). Ngay sau khi chiến dịch mở màn chiều tối 26-4, theo kế hoạch của Quân đoàn, tôi đã chỉ huy Tiểu đoàn tổ chức cho 68 xe ô tô cùng các đơn vị bạn chở trên 1.000 tấn đạn dược, gần 800 tấn xăng dầu, 900 tấn lương thực đến vị trí tập kết bí mật đảm bảo nhu cầu của toàn Quân đoàn 3 làm nhiệm vụ cơ động đánh chiếm Sân bay Tân Sơn Nhất và Bộ Tổng tham mưu Ngụy.”

Trước đó, đầu năm 1975, Tiểu đoàn được giao nhiệm vụ phối hợp cùng với các đơn vị bạn tận dụng phương tiện vận tải nhanh chóng tổ chức gần 3.000 chuyến xe cơ động chở bộ đội tiến về vùng Tây Bắc Sài Gòn tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh.

Gần 20 năm kinh nghiệm chiến đấu trong đơn vị vận tải nên ông Hưởng đã mưu trí, sáng tạo chỉ huy các lái xe vững tay lái, chớp thời cơ vận chuyển tới đích vượt kế hoạch, góp phần “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào”. Đến 21 giờ ngày 29-4, lực lượng, phương tiện vận tải của Tiểu đoàn cùng Trung đoàn 24 đã kịp thời chở đạn dược, lương thực, phục vụ mũi thọc sâu binh chủng hợp thành của Quân đoàn tiến sát Sân bay Tân Sơn Nhất và Bộ Tổng tham mưu Ngụy, là đơn vị vào Sài Gòn sớm nhất, vượt thời gian quy định.

“Sáng ngày 30-4, anh em trong đơn vị vô cùng vui mừng, phấn khởi khi biết toàn bộ trận địa pháo của Quân đoàn và Sư đoàn 10 đồng loạt nã đạn vào Sân bay và Bộ Tổng tham mưu Ngụy, phá hủy nhiều máy bay, kho đạn địch bị nổ tung, bốc cháy.” - Giọng ông Hưởng phấn chấn xen lẫn xúc động - “Trải qua mười ngày đêm tham gia vận tải cho các đơn vị chiến đấu trong điều kiện gian khổ, ác liệt, hy sinh (từ ngày 21 đến 30-4-1975), Tiểu đoàn đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần vào chiến công chung của các đơn vị trong Quân đoàn: Quân ta cũng đánh chiếm và làm chủ nhiều trung tâm huấn luyện của địch, làm chủ Sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ Tổng tham mưu Ngụy, Quận 3 Sài Gòn. Mừng lắm, nhưng trên đường ra, xe chở nhiều đồng đội hy sinh, không ít người bị thương nặng.”

Đại tá Trần Duy Hưởng cùng vợ chăm lo cuộc sống gia đình hạnh phúc.

Ghi nhận những thành tích đóng góp của Tiểu đoàn từ Chiến dịch Tây Nguyên đến Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Đảng, Nhà nước đã tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba; Đại đội 1 của Tiểu đoàn vinh dự nhận Huân chương Chiến công hạng Nhất; cá nhân ông Hưởng cũng được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba. Sau chiến dịch, ông được phong chức vụ Tiểu đoàn trưởng.

Trong câu chuyện, ông Hưởng luôn khiêm tốn khi nói về bản thân, song tôi hiểu, trong thành tích của Tiểu đoàn, có phần đóng góp không nhỏ từ người chỉ huy quả cảm, mưu trí. Ông được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Quân công hạng Ba… Song điều ông thấy hạnh phúc nhất là trải qua mưa bom bão đạn, biết bao kỷ niệm vui buồn cùng đồng đội, ông đã chiến đấu hết mình, may mắn còn sống trở về quê hương.

Ngồi cạnh ông Hưởng, ông Nguyễn Tiến Bình, tổ 2, phường Chùa Hang, góp lời: “Năm 1970, tôi được biên chế ở đơn vị vận tải (Đại đội 1, Sư đoàn 471), nhưng công việc hoàn toàn khác với bác Hưởng. Tôi thực hiện nhiệm vụ giữ thông tin liên lạc cho chỉ huy Sư đoàn. Rất nhiều kỷ niệm gian khổ khi làm lính thông tin song tôi không quên được dịp đầu năm 1972, tôi nhận nhiệm vụ cùng lãnh đạo Sư đoàn chiến đấu ở Lào. Khi đó, tôi cùng hai đồng đội trực giữ liên lạc cho chỉ huy liên hệ với lãnh đạo miền Bắc thì bom đánh đúng cửa hầm làm đứt dây thông tin. Ai cũng biết thông tin liên lạc thời chiến là “mạch máu” sống còn. Và mỗi người lính thông tin phải làm mọi cách để giữ mạch máu ấy thông suốt trong mọi tình huống. Vậy nên tôi đã chạy bộ 2km ra ngoài bờ sông Bạc của Lào để tìm cách nối dây bị đứt. Xong nhiệm vụ, tôi trở về đơn vị, ai cũng bất ngờ mừng đến phát khóc”…

Những người lính năm xưa đã và đang từng ngày bồi đắp thêm ý chí và nghị lực cho thế hệ tuổi trẻ chúng tôi hôm nay niềm tự hào và khát khao cống hiến, xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng phồn thịnh.

Linh Lan
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: