Lắng đọng “thời hoa lửa”

Cập nhật: Thứ sáu 09/09/2022 - 17:18
 Cựu chiến binh Cao Văn Thường (thứ hai, từ trái sang) cùng đồng đội tại buổi báo cáo kế hoạch trước khi lên đường tìm kiếm, cất bốc hài cốt các liệt sĩ Tiểu đoàn 27 Đặc công trên nước bạn Lào. Ảnh do nhân vật cung cấp
Cựu chiến binh Cao Văn Thường (thứ hai, từ trái sang) cùng đồng đội tại buổi báo cáo kế hoạch trước khi lên đường tìm kiếm, cất bốc hài cốt các liệt sĩ Tiểu đoàn 27 Đặc công trên nước bạn Lào. Ảnh do nhân vật cung cấp

“Cuốn nhật ký chiến trường-4 chiến dịch làm nghĩa vụ quốc tế của Tiểu đoàn 27 Đặc công, Đoàn 305, Binh chủng Đặc công, từ tháng 12-1969 đến tháng 5-1973, tại Mặt trận Cánh đồng Chum, thung lũng Long Chẹng (Xiêng Khoảng, Lào) lưu giữ những kỷ niệm không quên của thời chiến trận. Nhật ký còn giúp gia đình và thân nhân các liệt sĩ của tiểu đoàn sớm đưa hài cốt liệt sĩ về quê hương”. Cựu chiến binh (CCB) Cao Văn Thường tâm sự với chúng tôi như vậy.

Trước đây, trong một lần dự ngày truyền thống của Ban liên lạc Đặc công 30-871, tôi được các CCB giới thiệu về cuốn nhật ký của CCB Cao Văn Thường. Cuốn nhật ký chỉ gần 40 trang viết, nhưng chứa đầy đủ các thông tin, ghi rõ nhiều hoàn cảnh, trường hợp cán bộ, chiến sĩ của Tiểu đoàn 27 Đặc công hy sinh trên chiến trường nước bạn Lào.

Nhân chuyến công tác mới tại TP. Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên, tôi có dịp gặp và trò chuyện với CCB Cao Văn Thường. Thêm một lần nữa, sự xúc động, bồi hồi, lòng biết ơn, cảm phục thế hệ cha anh đã không quản ngại gian lao, hy sinh để giết giặc, diệt thù lại tuôn trào theo các dòng nhật ký, nơi lắng đọng ký ức thời hoa lửa.

Lắng đọng “thời hoa lửa”

Chiến dịch đầu tiên của Tiểu đoàn 27 Đặc công diễn ra từ tháng 12-1969 đến tháng 8-1970, CCB Cao Văn Thường viết trong nhật ký: Ngày 16-12, tiểu đoàn nhận lệnh lên đường sang tham gia chiến đấu tại Lào. Trên đường hành quân, Tiểu đoàn 27 nhận lệnh của Mặt trận 959 bằng mọi giá phải tập kích tiêu diệt cho được căn cứ Phu Lốc Cốc trên cao điểm 1413, nằm ở Đông Bắc Khang Khay. Nếu không tiêu diệt được căn cứ này của địch thì bộ đội và các lực lượng hậu cần chiến dịch không thể tiếp cận được cửa ngõ Cánh đồng Chum... Đêm 9, rạng 10-1-1970, Đại đội 1, Tiểu đoàn 27 được bố trí 4 mũi (có hai dự bị) mật tập vào mục tiêu theo hai hướng.

Tuy nhiên, khi bộ đội ta vào đến hàng rào trong cùng thì bị địch phát hiện. Chúng tập trung hỏa lực và binh lực bắn phá ra cửa mở, nhiều đồng chí hy sinh ngay hàng rào trong cùng của căn cứ. Phát hiện địch tập trung toàn lực để bịt hai cửa mở, các hướng khác có nhiều sơ hở, đồng chí Trịnh Minh Đích mũi trưởng đã chớp thời cơ chỉ huy mũi dự bị tránh cửa mở, động viên chiến sĩ dũng mãnh thọc sâu, dùng thủ pháo tiêu diệt các mục tiêu ở phía tây mỏm A... Sau đó, từ mỏm A, ta đã dùng hỏa lực tấn công dồn dập, tiêu diệt nốt mỏm B, làm chủ trận địa, mở toang cánh cửa thép án ngữ Đông Bắc Cánh đồng Chum, mở đường cho đại quân và pháo lớn, các đơn vị vận tải chiến dịch tiếp tế cho mặt trận.

Chiến dịch thứ hai của Tiểu đoàn 27 Đặc công diễn ra từ ngày 2-1-1971 đến tháng 6-1971, CCB Cao Văn Thường viết: Sáng 2-1-1971, Tiểu đoàn 27 làm lễ xuất quân gần lèn đá, cơ động bằng ô tô theo Đường 7A, tối đến hang Công Nhân (biên giới Việt-Lào, gần Đồn Biên phòng Nậm Cắn). Trong đêm tối, bộ đội căng tăng võng, tìm chỗ ngủ...

Suốt đêm, bộ đội nằm co quắp, không sao ngủ được, phần vì rét, phần vì các nỗi nhớ cứ trào dâng trong lòng. Đến sáng, khi gấp tăng, những chiến sĩ mới của đơn vị hỏi nhau: Có lớp bụi gì như vôi bột (chất độc hóa học do không quân Mỹ rải) rơi trên tăng? Cán bộ, chiến sĩ (cũ) chỉ cười và giải thích khéo để động viên tinh thần mọi người: Đấy là sương đêm quá lạnh, đóng lại như lớp tuyết mỏng, vì thế đêm qua cả đơn vị mới thấy lạnh như vậy.

CCB Cao Văn Thường cho biết: "Trên đường ra trận, tôi đã ghi chép nhật ký hằng ngày để lưu lại tất cả kỷ niệm, phòng khi có điều gì bất trắc thì nhờ đồng đội gửi về cho gia đình để người thân biết mình đã sống, chiến đấu và hy sinh ở đâu. Sau đó, mỗi lần đồng đội đi đánh trận hay có sự kiện gì quan trọng về đều tâm sự và kể cho nhau nghe, nên tôi rất cảm phục, hứng thú và hỏi chuyện rồi ghi lại theo lời kể của những cán bộ, chiến sĩ trực tiếp chỉ huy và tham gia vào diễn biến chiến trận của tiểu đoàn".

Thoáng chút trầm ngâm, đôi mắt CCB Cao Văn Thường bỗng rưng rưng dòng lệ: “Những năm tháng tham gia chiến đấu, rất nhiều đồng đội của tôi đã nằm lại bên nước bạn Lào. Chúng tôi đã tổ chức tìm kiếm, quy tập và đưa được một số đồng đội về nước.

Tuy nhiên, do việc đi lại khó khăn, chi phí đắt đỏ nên nhiều đồng đội tuy chúng tôi biết rõ sơ đồ mộ chí và đã đến nhưng vì nhiều yếu tố nên vẫn chưa quy tập được. Thời gian càng trôi qua thì cơ hội các liệt sĩ về đoàn tụ với gia đình và quê hương càng ít đi. Vì thế, tôi rất mong sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng để đưa đồng đội trở về. Mọi sơ đồ và thông tin, tôi sẵn sàng chia sẻ và cung cấp, theo số điện thoại: 0984341497".


Theo qdnd.vn
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: