Nghe lính pháo binh kể chuyện diệt Mỹ
Những kỷ vật từ thời chiến tranh chống Mỹ được Đại tá Trần Xuân Thành giữ gìn cẩn thận để giáo dục con cháu về truyền thống hào hùng của Quân đội Nhân dân Việt Nam. |
"Mọi người vẫn thường nghĩ, pháo binh đánh địch cách xa hàng cây số nên sự nguy hiểm, hy sinh không thể sánh bằng các đơn vị bộ đội khác. Vậy nhưng, để đánh địch hiệu quả thì phải đánh trúng, đúng mục tiêu. Muốn làm được điều này, lính pháo binh phải đi trinh sát, chui vào lòng địch để đo đạc chính xác với bao nguy hiểm, gian khó. Từ đó có những trận nã pháo đánh phủ đầu quân địch khiến chúng khiếp đảm".
Đại tá Trần Xuân Thành, cựu sĩ quan pháo binh, người 2 lần được phong tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ mở đầu cuộc trò chuyện với chúng tôi tại ngôi nhà ở tổ 4, phường Tân Thịnh (T.P Thái Nguyên). Nhấp xong ngụm trà nóng, ông dẫn chúng tôi lên gác, mở chiếc tủ kính nho nhỏ. Bên trong là những tấm huân, huy chương, huy hiệu, kỷ vật… từ những năm chiến đấu ở miền Nam mà ông giữ lại được cách đây hơn nửa thế kỷ. Đặc biệt nhất là những kỷ vật như chăn dù, màn dù, võng dù… (chiến lợi phẩm cũng như vật dụng khi hành quân, đánh trận) được ông gấp gọn gàng đựng riêng từng túi có ghi chú đầy đủ. Ông nói: Mỗi lần nhìn những kỷ vật ấy, ký ức một thời đánh Mỹ lại sống dậy.
Ông sinh năm 1942, tại xã Quảng Châu, Tiên Lữ (Hưng Yên). Nhập ngũ năm 19 tuổi, ông được biên chế vào Trung đoàn 82, Bộ Tư lệnh Pháo binh, đóng quân ở thị trấn Bần. Ngày ấy, ông là một trong số rất ít người có trình độ giáo dục phổ thông 7/10 nên được cử đi học sĩ quan pháo binh. Đến năm 1965, ông ra trường mang trên vai quân hàm thiếu uý, giữ chức vụ Trung đội trưởng. Lúc này, đơn vị ông có nhiệm vụ tự huấn luyện sẵn sàng nhận nhiệm vụ trên giao. Đến cuối năm 1966, Trung đoàn được lệnh lên Lạng Sơn tiếp nhận pháo do Liên Xô viện trợ. Đây là loại pháo M46-130mm nòng dài có thể bắn xa tới 27km, được kéo đi bằng xe xích.
Sau 3 tháng huấn luyện, vận hành dưới sự hướng dẫn trực tiếp của các chuyên gia quân sự Liên Xô, đơn vị nhận lệnh đi B (vào chiến trường miền Nam) tham gia chiến đấu. Cuộc hành quân vào chiến trường miền Nam cũng gặp không ít gian nan, nguy hiểm. Đặc biệt là khi đi qua Ngã Ba Đồng Lộc, nơi được coi là “cửa tử” do địch bắn phá vô cùng khốc liệt. Rồi từ đó đến đường 9 Nam Lào cũng vậy. Ông nhớ lại: Ngày ấy, đơn vị đêm đi ngày nghỉ vì máy bay địch thám thính, bắn phá liên tục. Để tránh địch phát hiện, xe pháo không thể đi theo đường chính. Hơn nữa, cả đơn vị phải hành quân vào ban đêm, có hoa tiêu của công binh, dùng đèn pin soi đi từng đoạn nên có đêm chỉ nhích được vài ki-lô-mét. Bởi vậy, tính từ điểm xuất phát đến điểm tập kết Lao Bảo (Quảng Trị), chúng tôi mất tròn 3 tháng.
Tại đây, đơn vị được lệnh chuẩn bị đánh cứ điểm Làng Vây - Khe Sanh. Đây là trận đánh hiệp đồng binh chủng (tăng thiết giáp, pháo binh, bộ binh, công binh…) đầu tiên của quân ta mở màn cho Chiến dịch Mậu Thân nên công việc chuẩn bị, trinh sát trận địa được các đơn vị thực hiện rất cẩn thận. Riêng đối với lực lượng pháo binh được giao nhiệm vụ đánh phủ đầu, làm quân địch hoảng sợ, tạo điều kiện cho các đơn vị khác tiến vào đánh chiếm. Việc trinh sát, đo đạc để tính toán điểm bắn là điều vô cùng quan trọng. Nếu tính sai, đạn pháo rất có thể sẽ dội vào bộ binh quân ta. Khi ấy, tôi là Đại đội phó và trực tiếp đi trinh sát nắm tình hình quân địch về mọi mặt như: Cơ quan chỉ huy đầu não, cách bố trí hoả lực, số lượng quân, đo khoảng cách mục tiêu… Để có được những thông tin ấy, buộc phải tiến sát đồn địch, chịu đói khát, vắt cắn, muỗi đốt là bình thường. Khí tài mang theo là một bảng lô-ga-rít (dùng để phục vụ tính toán trong điều khiển bắn pháo), một tấm bản đồ khu vực, ống nhòm, máy đo… và trang bị, vũ khí cá nhân. Nếu không cẩn trọng sẽ rất dễ bị lộ và hy sinh. Thực tế trong những lần đi trinh sát các trận địa, đơn vị cũng đã có nhiều chiến sĩ bị địch bắn hạ, trong đó có 2 đại đội phó - Ông kể.
Lệnh tấn công vang lên, pháo binh nổ súng trước. Khi đó, đại đội của ông có 4 khẩu, mỗi pháo được lệnh bắn liên tục 50 quả đạn vào những vị trí đã được tính toán, đo đạc từ trước. Việc tấn công tiên phong của pháo binh không chỉ là đòn phủ đầu, uy hiếp và tiêu diệt sinh lực địch mà còn tạo điều kiện cho các đơn vị binh chủng khác như xe tăng, bộ binh… nhanh chóng cơ động triển khai lực lượng cùng tác chiến khiến địch bất ngờ, trở tay không kịp. Sau giải phóng Làng Vây, đại đội ông được tuyên dương hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Ông được phong hàm từ Thiếu uý lên Trung uý, giữ chức Đại đội trưởng.
Hoàn thành nhiệm vụ ở trận Làng Vây, đơn vị được lệnh di chuyển vào Thừa Thiên Huế. Lúc này, theo quân ta nhận định, Mỹ sẽ cho quân chiếm lại sân bay A Lưới sau Mậu Thân 1968. Để chuẩn bị đánh địch, đơn vị chọn đồi Tam Bôi nằm ở phía Tây A Lưới để bố trí trận địa. Cũng phải trinh sát như trận đánh trước, lần này, Đại đội tính toán, xác định tới 25 mục tiêu chính sẵn sàng nã pháo. Đúng như dự đoán của ta, đến khoảng tháng 4-1968, Sư đoàn kỵ binh bay số 1 của địch đổ bộ đánh chiếm. Trước đó khoảng 20 phút, chúng cho pháo từ Huế bắn ra để “quét dọn” mặt bằng trước khi đổ quân. Do có sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ trước nên khi máy bay địch đến lập tức bị đạn pháo của ta dội xuống. Buộc chúng phải thả quân cách đó hơn 1km và không dám đồn trú ở sân bay A Lưới. Trong trận này, mục tiêu do Đại đội của ông đánh tiêu diệt hơn 70 tên địch, các đại đội khác cũng diệt được hơn 100 tên. Nhờ lập chiến công xuất sắc, ông cùng đồng đội được phong tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ.
Sau khi bị pháo của ta đánh phủ đầu, chúng không dùng lực lượng của sư đoàn kỵ binh bay mà dùng thuỷ quân lục chiến (đội quân thiện chiến, nhiều kinh nghiệm chiến trường của Mỹ) tiến công vào A Lưới. Đơn vị tiếp tục nhận lệnh phối hợp vùng bộ binh đánh chặn. Pháo binh của đơn vị ông tiếp tục tiêu diệt được hơn 50 lính Mỹ. Ông và các đồng đội lần thứ 2 được phong tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ.
Tuy nhiên, sau trận này, địch tập trung lực lượng với hỏa lực mạnh hòng chiếm bằng được trọng điểm A Lưới nên quân ta không làm chủ được trận địa. Riêng đơn vị ông bị máy bay địch ném bom hy sinh hơn 20 người. Quân ta phải rút về hậu cứ. Tuy nhiên, vì pháo quá dài và nặng, đường sá khó khăn nên pháo binh không kịp di chuyển. Để tránh vũ khí rơi vào tay giặc, đơn vị được lệnh hủy pháo, phá xe.
Nhớ lại thời khắc ấy, ông Thành không khỏi bùi ngùi: Nhận lệnh ấy, đơn vị ai cũng buồn bởi đây là vũ khí, khí tài quan trọng, rất quý đối với ta. Là chỉ huy, tôi như đứt cả ruột gan nhưng vẫn phải động viên tinh thần anh em. Xót xa nhất là khi nhìn đồng đội bỏ thuốc nổ vào nòng pháo, khai hoả kích nổ, nòng pháo từ từ gục xuống, nhiều người không cầm được nước mắt. Đó cũng là kỷ niệm đau buồn và sâu sắc nhất trong cuộc đời binh nghiệp của tôi.
Sau khi lui về hậu cứ, đơn vị củng cố lực lượng, nhận vũ khí từ miền Bắc chuyển vào tiếp tục tham gia chiến đấu ở một số trận địa, trong đó có trận đánh sân bay Ái Tử (Quảng Trị). Đến năm 1972, ông được cử ra Hà Nội học lớp Chính ủy trung đoàn tại Học viện Quốc phòng. Những năm 1979-1980. Ông là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 120, Sư đoàn 327 tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc. Chiến sự biên giới phía Bắc kết thúc, ông tiếp tục được cử về học tập tại Học viện Quân sự cấp cao, đào tạo cán bộ cấp chiến dịch, chiến thuật. Sau đó, ông được giao đảm nhiệm chức vụ Phó Hiệu trưởng Trường Quân sự Quân khu 1. Trước khi về nghỉ hưu năm 2001, ông có 10 năm làm Viện trưởng Viện Kiểm sát Quân sự Quân khu 1.
Trở về địa phương, ông có 8 năm làm bí thư chi bộ rồi chi hội trưởng chi hội người cao tuổi ở tổ dân phố. Với người lính pháo binh đánh Mỹ năm xưa có thể coi đã làm tròn nghĩa vụ, trách nhiệm với Tổ quốc. Điều tự hào là dù ở cương vị nào, trong thời chiến hay thời bình, ông đều luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Giờ tuổi đã cao, sức khoẻ đã suy giảm, vị Đại tá về hưu năm nay cũng đã tròn 55 tuổi Đảng và luôn mẫu mực để con cháu noi theo. 2/4 người con của ông đã nối nghiệp cha phục vụ trong quân đội, trong đó có một người là sĩ quan pháo phòng không của Lữ đoàn 210 (Quân khu 1).