Nhiệm vụ nghiên cứu, sản xuất của ngành mô phỏng Việt Nam
Hướng dẫn thao tác thực hành trên hệ thống mô phỏng bán tự nhiên khí tài S300-PMU1 ở Học viện Kỹ thuật Quân sự. Ảnh: VĂN THÀNH |
Ở Việt Nam đã có một số đơn vị nghiên cứu chuyên sâu trong lĩnh vực mô phỏng từ trước năm 2010 và đạt được thành tựu nhất định.
Song, vẫn còn những hạn chế, như: Về mặt công nghệ, chủ yếu sử dụng và tích hợp các nền tảng sẵn có, chưa làm chủ công nghệ lõi phức tạp; về mặt sản phẩm nói chung còn đơn giản, mới mô phỏng được một bước, một khâu của huấn luyện chiến đấu, phục vụ một phần công tác nghiên cứu, giảng dạy, chưa tiếp cận đến nhiều đơn vị; việc sửa chữa, bảo hành, bảo trì phụ thuộc nhiều vào nước ngoài; thông số kỹ thuật của vũ khí, trang bị và địa hình, thời tiết của phần mềm mô phỏng nhập ngoại có nội dung không phù hợp với Việt Nam...
Nghị quyết số 765-NQ/QUTW ngày 20-12-2012 của Quân ủy Trung ương về nâng cao chất lượng huấn luyện giai đoạn 2013-2020 và những năm tiếp theo đã xác định rõ các nhóm nhiệm vụ, giải pháp để khắc phục hạn chế trong huấn luyện, trong đó có nội dung: Cần đầu tư nguồn lực, tích cực, chủ động hợp tác với các đơn vị khoa học trong và ngoài nước để nghiên cứu cải tiến, sản xuất, mua sắm và ứng dụng các thiết bị mô phỏng, mô hình học cụ chất lượng cao phục vụ huấn luyện; xây dựng các trung tâm huấn luyện mô phỏng ở các cấp.
Thực hiện chủ trương trên, những năm qua, một số đơn vị, như: Công ty TNHH MTV Ứng dụng kỹ thuật và sản xuất (Tecapro); Viện Công nghệ mô phỏng (Học viện Kỹ thuật Quân sự); Tổng công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel (Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội)... đã nghiên cứu, sản xuất nhiều sản phẩm mô hình, mô phỏng ứng dụng hiệu quả trong thực tiễn, góp phần nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu.
Viện Công nghệ mô phỏng (Học viện Kỹ thuật Quân sự)
Với việc kết hợp chặt chẽ giữa nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu công nghệ nền với nghiên cứu ứng dụng, những năm qua, Viện Công nghệ mô phỏng đã phát triển được nhiều sản phẩm có thương hiệu. Điển hình là các sản phẩm: Cabin lái tàu sông, lái ô tô và một số xe đặc chủng; trường bắn ảo mô phỏng huấn luyện bắn súng bộ binh; mô phỏng trong diễn tập chỉ huy-tham mưu kỹ thuật; mô phỏng hệ thống tên lửa chống tăng B72; hệ thống kiểm soát hành trình xe... Trong đó, nhiều sản phẩm đã được ứng dụng tại nhiều đơn vị trong và ngoài quân đội, góp phần nâng cao chất lượng huấn luyện.
Công ty TNHH MTV Ứng dụng kỹ thuật và sản xuất (Tecapro)
Tecapro là doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng, có chức năng, nhiệm vụ nghiên cứu, ứng dụng chuyển giao công nghệ, sản xuất, kinh doanh, phục vụ quốc phòng và kinh tế. Nhiều nghiên cứu do Tecapro thực hiện đã được đưa vào ứng dụng trong thực tế, tạo ra nhiều sản phẩm, thiết bị có chất lượng cao. Điển hình là sản phẩm mô phỏng huấn luyện súng 12,7mm được phát triển trên cơ sở ứng dụng công nghệ mô phỏng bằng giải pháp thực tế ảo. Sản phẩm sử dụng súng thật, gắn thêm các thiết bị công nghệ mô phỏng đường đạn bằng công nghệ laser, tự động nhận dạng điểm bắn bằng kỹ thuật laser và xử lý ảnh camera tốc độ cao.
Hay như sản phẩm mô phỏng huấn luyện chiến thuật xe tăng cấp phân đội sử dụng phần mềm mô phỏng với công nghệ 3D và các cabin giả lập, mô phỏng vận hành, sục sạo tìm kiếm mục tiêu và bắn của xe tăng, được tích hợp trên hệ thống mạng máy tính để tạo ra môi trường ảo giống như thật, hỗ trợ huấn luyện chiến thuật cấp phân đội, huấn luyện hiệp đồng cho kíp xe (trưởng xe, lái xe, pháo thủ). Ngoài ra, Tecapro còn sản xuất thiết bị mô phỏng một số khí tài hỏa lực cho các loại tàu mặt nước được thiết kế, chế tạo dựa trên các công nghệ mô phỏng 3D, công nghệ giả lập tình huống, xử lý hình ảnh... Thiết bị được thiết kế theo hướng mở, có thể được nâng cấp, bổ sung các tính năng phục vụ nhiều mục đích khác nhau, như: Huấn luyện, bảo trì sửa chữa, điều hành chỉ huy, tác chiến và có thể kết nối với các hệ thống thật trên tàu, như hệ thống quang điện tử, hệ thống nguồn...
Tổng công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel
Tổng công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel (Viettel High Tech-VHT) là đơn vị nghiên cứu, sản xuất chủ lực của Viettel trong lĩnh vực quân sự và dân sự, đã làm chủ toàn trình từ nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, sản xuất và kinh doanh sản phẩm. Ở lĩnh vực công nghệ quân sự, đến nay, VHT đã cung cấp cho các đơn vị nhiều loại khí tài quân sự hiện đại.
Trong lĩnh vực mô hình mô phỏng (MHMP), VHT có đại diện là Trung tâm MHMP với đa dạng các hệ thống, sản phẩm mô phỏng phục vụ đào tạo, huấn luyện quân sự. Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, VHT trực tiếp nghiên cứu và sản xuất hệ thống mô phỏng xe tăng T54B, T55 để thay thế hệ thống mô phỏng xe tăng của nước ngoài. Mô hình hóa và tính toán mô phỏng thời gian thực động lực học xe tăng bảo đảm hàng chục đặc tính kỹ, chiến thuật tương đương xe tăng thật. Cùng với đó là công nghệ mô phỏng chuyển động 6 bậc tự do, robot song song 6 bậc tự do kiểu Stewart Platform sử dụng truyền động điện theo công nghệ điều khiển Servo đáp ứng được chuyển động nhanh, chính xác, êm, mượt, không tiếng ồn, tải trọng lớn, có thể tạo 6 chuyển động với không gian hoạt động của hệ thống lớn, đem lại hiệu quả trong huấn luyện.
Một hệ thống MHMP khác của VHT là hệ thống mô phỏng huấn luyện chỉ huy bay và phi công Su-30MK2. Đây là sản phẩm đã hoàn thành đầy đủ các nội dung theo bộ chỉ tiêu chiến thuật, kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu huấn luyện cho phi công, kíp dẫn đường và kíp chỉ huy trong các điều kiện khí tượng từ giản đơn đến phức tạp. Hệ thống sử dụng công nghệ xử lý dữ liệu đa tầng sinh tham số động lực học bay Data Fusion Surrogated Model (DFSM), sử dụng thuật toán Co-Kriging đạt 57 chỉ tiêu động lực học bay; công nghệ thiết kế, chế tạo cơ cấu mô phỏng chuyển động 6 bậc tự do, cùng nhiều công nghệ hiện đại khác...
Ngoài các đơn vị kể trên, Viện Kỹ thuật Phòng không-Không quân (Quân chủng Phòng không-Không quân) và một số đơn vị cũng đã nghiên cứu, chế tạo nhiều sản phẩm, được ứng dụng hiệu quả trong thực tiễn, góp phần nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và các nhiệm vụ khác.