Nhiều thách thức trong đấu tranh với tội phạm ma túy xuyên quốc gia

Cập nhật: Thứ bẩy 04/06/2022 - 17:55
 Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên sử dụng chó nghiệp vụ bắt tội phạm ma túy xuyên quốc gia.
Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên sử dụng chó nghiệp vụ bắt tội phạm ma túy xuyên quốc gia.

Nhiều đơn vị chức năng, trong đó có Bộ đội Biên phòng gặp phải thách thức lớn trong công tác đấu tranh tội phạm do thiếu trang thiết bị nghiệp vụ hiện đại.

Tội phạm ma túy xuyên quốc gia đã và đang triệt để lợi dụng những thành tựu khoa học công nghệ để buôn bán, vận chuyển trái phép các chất cấm. Bởi vậy, nhiều đơn vị chức năng, trong đó có Bộ đội Biên phòng (BĐBP) gặp phải thách thức lớn trong công tác đấu tranh, ngăn chặn tội phạm do thiếu trang thiết bị nghiệp vụ hiện đại.

Những năm qua, hoạt động của tội phạm buôn bán, vận chuyển trái phép chất ma túy diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường, nhất là các đường dây buôn bán ma túy xuyên quốc gia.

Theo điều tra của cơ quan chức năng, nguồn ma túy chủ yếu được các đường dây, tổ chức tội phạm vận chuyển từ khu vực "Tam giác vàng" qua Lào vào nước ta và đi các nước thứ ba tiêu thụ. Tham gia vào hoạt động buôn bán, vận chuyển trái phép ma túy có nhiều đối tượng ở các quốc gia khác nhau, với những phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi và liều lĩnh.

Các đối tượng, đường dây tội phạm thường tìm mọi cách vận chuyển số lượng lớn ma túy từ "Tam giác vàng" về tập kết ở khu vực biên giới của Lào (tiếp giáp với Việt Nam), rồi tìm cơ hội thẩm lậu vào nước ta và mang sang nước thứ ba tiêu thụ.

Để đạt được mục đích, những đối tượng cầm đầu đường dây buôn bán ma túy đã chỉ đạo đồng bọn lôi kéo, mua chuộc người dân hai bên biên giới tham gia vào quá trình vận chuyển ma túy theo các đường mòn, lối tắt. Do cuộc sống khó khăn, hiểu biết về pháp luật còn hạn chế nên khi được trả tiền công cao, không ít người đã "nhắm mắt đưa chân", thành một trong những “mắt xích” của các đường dây tội phạm ma túy xuyên quốc gia.

Các trùm ma túy không những trả công rất cao cho các "mắt xích" mà còn trang bị vũ khí nóng để các đối tượng này chống lại lực lượng chức năng khi bị phát hiện, vây bắt.

Trước diễn biến phức tạp của tội phạm ma túy, lực lượng chức năng nước ta đã triển khai đồng bộ các biện pháp để đấu tranh, ngăn chặn. Trong đó, các đơn vị BĐBP vừa quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia vừa ngăn chặn hiệu quả tội phạm ma túy ngay từ “cửa ngõ” của đất nước.

Trên thực tế, dù phải đối diện với muôn vàn khó khăn, nguy hiểm, hy sinh nhưng với quyết tâm bảo vệ cuộc sống bình yên cho nhân dân, BĐBP cùng các lực lượng liên quan đã đấu tranh thành công nhiều chuyên án, vụ án lớn, triệt xóa các đường dây tội phạm ma túy có tổ chức, xuyên quốc gia.

Điển hình ngày 3-2-2022, lực lượng BĐBP (gồm Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm; BĐBP tỉnh Lào Cai; BĐBP tỉnh Điện Biên) đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị đấu tranh thành công 2 chuyên án A122 và ĐB1221.2p, triệt xóa 2 đường dây buôn bán, vận chuyển trái phép chất ma túy từ khu vực "Tam giác vàng" qua Lào vào Việt Nam và đưa sang Trung Quốc tiêu thụ; bắt giữ 4 đối tượng, thu 144 bánh heroin, 3 xe máy và nhiều tang vật khác.

Vì lợi nhuận quá lớn nên tội phạm buôn bán, vận chuyển trái phép chất ma túy vẫn tìm mọi cách để hoạt động với thủ đoạn tinh vi hơn. Đáng chú ý, chúng đã và đang triệt để lợi dụng internet, mạng xã hội để phục vụ cho hoạt động vận chuyển, mua bán trái phép hàng cấm qua biên giới.

Thực tế cho thấy, tội phạm buôn bán, vận chuyển ma túy xuyên quốc gia thường sử dụng các ứng dụng của Facebook, Zalo, Instagram để liên lạc, điều hành hoạt động vận chuyển, mua bán hàng cấm.

Thay vì những cuộc gặp gỡ trực tiếp hay qua điện thoại, thông qua mạng xã hội, các đối tượng đã trao đổi, thống nhất được thời gian, địa điểm, phương thức “giao dịch” ma túy. Ngoài ra, đã xuất hiện nhiều vụ án mà ma túy được vận chuyển xuyên biên giới thông qua dịch vụ chuyển hàng quốc tế.

Tội phạm ngụy trang ma túy rất tinh vi, đưa vào các mặt hàng bao gói, đóng hộp, tạo thành gói bưu phẩm, hàng hóa để ký gửi theo các dịch vụ vận chuyển hàng hoặc gửi máy bay, xe khách hoạt động xuyên quốc gia; tiền giao dịch cũng được chuyển qua hệ thống ngân hàng quốc tế. Chưa kể việc pha trộn ma túy, chất gây nghiện hiện nay rất đa dạng, khó phát hiện.

Không chỉ hoạt động buôn bán ma túy xuyên quốc gia, các nhóm, đối tượng buôn, bán lẻ chất ma túy trong nước cũng lập các trang, nhóm kín trên mạng xã hội để trao đổi, mua bán chất cấm. Bọn chúng đăng thông tin quảng cáo mua bán chất ma túy bằng tên các loại thuốc nhằm tránh sự kiểm duyệt của các trang thương mại điện tử.

Các loại chất ma túy được rao bán phổ biến nhất trên các trang mạng xã hội như cần sa, “cỏ Mỹ”, “rượu 138” (rượu ngâm cành, quả tươi cây thuốc phiện). Khi có người liên hệ thông qua hệ thống tin nhắn trên các trang này, các đối tượng sẽ không trực tiếp trả lời nội dung liên quan đến việc giao dịch để tránh sự theo dõi của cơ quan chức năng.

Thay vào đó, chúng sẽ yêu cầu người mua liên hệ qua ứng dụng mạng xã hội khác. Sau khi đã thống nhất, các đối tượng sẽ chuyển hàng đến người mua bằng hình thức đóng gói, ngụy trang dưới dạng các sản phẩm như thực phẩm, hàng lưu niệm rồi dán kín, chuyển hàng bằng các dịch vụ chuyển phát hàng hóa. Đặc biệt, các đối tượng bán thường không “xuất đầu lộ diện”, tuyệt đối không giao dịch trực tiếp để tránh bị lực lượng chức năng theo dõi, bắt quả tang hành vi vi phạm pháp luật.

Đại tá Dương Hồng Hải, Phó chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh Nghệ An cho biết: “Tội phạm ma túy, đặc biệt là tội phạm ma túy xuyên quốc gia hoạt động ngày càng tinh vi, xảo quyệt. Trong đó, chúng triệt để lợi dụng công nghệ thông tin để điều hành hoạt động vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy khiến cho công tác đấu tranh của lực lượng chức năng và BĐBP gặp không ít khó khăn. Hiện nay, lực lượng thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tội phạm ma túy, nhất là BĐBP đang thiếu các trang thiết bị kỹ thuật hiện đại phục vụ cho công tác nghiệp vụ, đấu tranh với loại tội phạm nguy hiểm này, nên kết quả đấu tranh, bắt giữ chưa được như mong muốn”.

Từ thực tế những thách thức nêu trên, lực lượng phòng, chống tội phạm ma túy cần sớm được trang bị thêm những loại trang thiết bị kỹ thuật, nghiệp vụ hiện đại để nâng cao hiệu quả đấu tranh với tội phạm ma túy, đặc biệt là tội phạm ma túy xuyên quốc gia.

Khi lực lượng thực thi nhiệm vụ có đủ các loại trang thiết bị hiện đại để phát hiện nhanh ma túy, tiền chất ma túy dù được cất giấu tinh vi, đồng thời nắm bắt kịp thời những thông tin hoạt động của tội phạm ma túy khi chúng sử dụng công nghệ cao để liên lạc, che giấu thì còn có tác dụng răn đe, ngăn chặn các đối tượng có ý đồ phạm tội bởi chúng biết sẽ khó "qua mặt" các lực lượng chức năng.

Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: