Tăng cường giáo dục, quản lý, ngăn chặn vi phạm pháp luật, kỷ luật nghiêm trọng

Cập nhật: Thứ tư 21/07/2021 - 15:50
 Trung tướng Dương Đình Thông, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân khu động viên cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ kiểm soát, ngăn chặn xuất nhập cảnh trái phép và phòng chống dịch COVID-19 trên tuyến biên giới huyện Trà Lĩnh, tỉnh Cao Bằng. Ảnh: Phương Quyền
Trung tướng Dương Đình Thông, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân khu động viên cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ kiểm soát, ngăn chặn xuất nhập cảnh trái phép và phòng chống dịch COVID-19 trên tuyến biên giới huyện Trà Lĩnh, tỉnh Cao Bằng. Ảnh: Phương Quyền

Từ đầu năm đến nay, tình hình tư tưởng của cán bộ, chiến sĩ Lực lượng vũ trang (LLVT) Quân khu cơ bản ổn định, tuyệt đại đa số yên tâm công tác, phát huy tốt vai trò, trách nhiệm, nỗ lực cố gắng hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, tình hình chấp hành pháp luật, kỷ luật và bảo đảm an toàn diễn biến phức tạp; các biện pháp ngăn chặn vụ việc tự tử, vi phạm pháp luật, kỷ luật nghiêm trọng chưa hiệu quả. Trước tình hình trên, Bộ tư lệnh Quân khu đã ban hành Chỉ thị số 1658/CT-BTL ngày 3/7/2021 về việc tăng cường giáo dục, quản lý, ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật, kỷ luật nghiêm trọng trong LLVT Quân khu.

Nguyên nhân của các vụ việc được xác định: Trước hết là do nhận thức, trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy, chỉ huy, cơ quan chính trị, các tổ chức quần chúng và đội ngũ cán bộ chưa cao; chưa có biện pháp đột phá nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục chính trị, lãnh đạo tư tưởng, xây dựng chính quy, quản lý kỷ luật; công tác quản lý nội bộ chưa chặt chẽ, chưa nắm rõ được lý lịch, các mối quan hệ xã hội phức tạp, diễn biến tư tưởng, điều kiện hoàn cảnh gia đình, tình hình sức khỏe của quân nhân.

Việc rút kinh nghiệm công tác giáo dục, quản lý tư tưởng, kỷ luật và bảo đảm an toàn trong đơn vị có nơi, có cấp còn biểu hiện hình thức, bệnh thành tích, chưa đánh giá đúng thực trạng, nguyên nhân, trách nhiệm; thiếu chủ động trong nắm, quản lý, đánh giá, dự báo, định hướng tư tưởng; công tác phát hiện hành vi quân nhân, tiến hành các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn vụ việc đột biến chưa kịp thời, chủ trương xử lý vi phạm chưa thống nhất, đồng bộ nên có vụ việc vi phạm diễn biến ngày càng phức tạp, nghiêm trọng.

 Nhận thức pháp luật, kỷ luật của một số quân nhân hạn chế, chưa có ý thức tự phòng ngừa, ý chí rèn luyện và kỹ năng sống hạn chế, bế tắc trong xử lý những vấn đề nảy sinh, mức độ hoàn thành nhiệm vụ thấp, có tư tưởng thực dụng tự ti, bất mãn, dẫn đến hành vi tự tử, vi phạm kỷ luật nghiêm trọng.

Để nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo tư tưởng, tăng cường giáo dục, quản lý tư tưởng, kỷ luật, ngăn chặn hành vi tự tử, vi phạm pháp luật, kỷ luật nghiêm trọng của cán bộ, chiến sĩ trong LLVT Quân khu; Bộ tư lệnh Quân khu yêu cầu cấp ủy, chỉ huy, chính ủy, chính trị viên, cơ quan chính trị và đội ngũ cán bộ các cấp tập trung thực hiện tốt một số nội dung chủ yếu:

Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục, quán triệt các nghị quyết, chỉ thị, quy chế, quy định của các cấp về chấp hành pháp luật, kỷ luật; trọng tâm là Chỉ thị số 103/CT-BQP ngày 28/11/2019 của Bộ Quốc phòng về việc “Tiếp tục tăng cường quản lý, giáo dục chấp hành kỷ luật và bảo đảm an toàn trong QĐND Việt Nam”; Công văn số 1598/CT-TH ngày 6/9/2019 của Tổng cục Chính trị về việc “Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác giáo dục, quản lý tư tưởng, ngăn chặn các vụ việc vi phạm pháp luật, kỷ luật”; Chỉ thị 1256/CT-BTL ngày 10/6/2019 của Bộ tư lệnh Quân khu về việc “Tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao nhận thức và hành động cho bộ đội ở đơn vị cơ sở hiện nay”… đề ra các giải pháp tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, trách nhiệm của bộ đội, phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”; xây dựng ý thức tự giác, bản lĩnh chính trị vững vàng, ý chí quyết tâm khắc phục khó khăn, gian khổ hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Tổ chức rút kinh nghiệm ở các cấp trong toàn Quân khu, nhất là cấp phân đội; các đơn vị để xảy ra vụ việc cần nghiêm túc kiểm điểm làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của tổ chức và cá nhân, nhất là cán bộ chủ trì trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác giáo dục, quản lý, rèn luyện kỷ luật bộ đội.

Tăng cường nắm, quản lý, đánh giá, dự báo, định hướng, giải quyết tình hình tư tưởng; kết hợp chặt chẽ giữa quản lý tư tưởng với phát hiện, điều chỉnh hành vi quân nhân; kịp thời đấu tranh ngăn ngừa, xử lý những biểu hiện tiêu cực, các hành vi vi phạm pháp luật, kỷ luật, những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” nhất là những quân nhân có vấn đề về tâm lý, tư tưởng, tình cảm như: Không yên tâm công tác, ngại tu dưỡng rèn luyện; lối sống ích kỷ, thực dụng, buông thả; vay nợ xấu, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản…

Phút giải lao trên thao trường của cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 246, Sư đoàn 346 (Ảnh chụp trước ngày 27/4/2021). Ảnh tư liệu của Bùi Hiệp

Thường xuyên rà soát, nắm chắc chất lượng chính trị nội bộ; phân công quản lý chặt chẽ, toàn diện, nhất là hoàn cảnh gia đình, tình hình sức khỏe, lối sống sinh hoạt và các mối quan hệ xã hội của quân nhân; quan tâm số quân nhân có hoàn cảnh khó khăn, cán bộ hằng ngày được về gia đình, cán bộ trẻ mới lập gia đình, chiến sĩ mới nhập ngũ; kịp thời phát hiện, xử lý, ngăn chặn các vi phạm từ cơ sở, không để bị động, bất ngờ về tư tưởng.

Tổ chức bàn giao chặt chẽ, đầy đủ về lý lịch chính trị, tình hình tư tưởng, chấp hành kỷ luật, hoàn cảnh gia đình, các mối quan hệ xã hội của quân nhân (đặc biệt là những quân nhân vi phạm kỷ luật, có biểu hiện diễn biến tư tưởng, tâm, sinh lý không ổn định, gia đình khó khăn, cá biệt) khi biên chế, chuyển công tác đến đơn vị mới. Tăng cường kiểm tra, nắm chắc tình hình chấp hành pháp luật, kỷ luật của cán bộ, chiến sĩ ở đơn vị và báo cáo kịp thời, chính xác, không né tránh, sợ ảnh hưởng thành tích, giấu giếm khuyết điểm. Tiếp tục thực hiện tốt chủ trương, biện pháp “3 đề cao, 5 chống”, giữ vững kỷ luật, kỷ cương.

Xác định các chủ trương, biện pháp pháp linh hoạt, phù hợp, hiệu quả trong giáo dục chính trị tư tưởng, quản lý kỷ luật. Chú trọng bồi dưỡng nâng cao nhận thức, trách nhiệm, trình độ, năng lực của cán bộ chủ trì các cấp, nhất là đội ngũ cán bộ cấp trực tiếp quản lý bộ đội; tăng cường phổ biến, tư vấn, trợ giúp về tâm lý, pháp lý, kinh nghiệm và phương pháp giải quyết các vấn đề nảy sinh về tư tưởng; nêu cao trách nhiệm nêu gương, gần gũi chiến sĩ và cấp dưới; xây dựng tập thể quân nhân đoàn kết, tôn trọng, tin cậy lẫn nhau, thương yêu, gắn bó, cảm thông chia sẻ, cùng nhau vượt qua khó khăn, thử thách. Tổ tư vấn tâm lý, pháp luật các cơ quan, đơn vị bám sát diễn biến tình hình tư tưởng, kỷ luật của đơn vị, tiến hành tham mưu tư vấn thường xuyên, thực chất, hiệu quả; tránh biểu hiện hình thức, bệnh thành tích.

Chủ động phối hợp chặt chẽ với gia đình và địa phương cán bộ, chiến sĩ quan tâm chăm lo tốt đời sống vật chất, tinh thần, nhu cầu chính đáng cho bộ đội. Thực hiện đồng bộ các biện pháp quản lý bộ đội; chú trọng đổi mới nâng cao chất lượng sinh hoạt, nhất là sinh hoạt chính trị tư tưởng, đối thoại dân chủ; phát huy vai trò của các tổ chức, hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa trong đơn vị và hiệu quả 2 tập tài liệu “100 tình huống tư tưởng có thể nảy sinh ở đơn vị và gợi ý biện pháp xử lý của cán bộ cơ sở”; bồi dưỡng kỹ năng sống cho quân nhân, xây dựng niềm tin, nghị lực vượt qua khó khăn thử thách, làm chủ bản thân, giải quyết tốt những vấn đề phức tạp nảy sinh trong cuộc sống, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Chỉ thị cũng nêu rõ: Cấp ủy, chỉ huy các cấp, trước hết là người chủ trì, đứng đầu các cơ quan, đơn vị phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra các vụ việc. Đồng thời kiên quyết xử lý nghiêm đối với các trường hợp không báo cáo, báo cáo không kịp thời, báo cáo sai, giấu giếm khuyết điểm và xử lý liên đới trách nhiệm của các tập thể, cá nhân có liên quan đối với các đơn vị để xảy ra vụ việc nghiêm trọng theo đúng Thông tư số 16/2020/TT-BQP ngày 21/2/2020 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng “Quy định việc áp dụng các hình thức kỷ luật, trình tự, thủ tục, thời hiệu, thời hạn và thẩm quyền xử lý kỷ luật trong Bộ Quốc phòng”.


Theo Báo QK 1
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: