Thắng lợi của chiến lược “tiêu thổ kháng chiến”
Hiện trường thực hiện chiến lược “tiêu thổ kháng chiến” năm 1946 tại Thủ đô Hà Nội. Ảnh tư liệu |
Những ngày đầu toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp, để đối phó với kẻ địch vượt trội về lực lượng, vũ khí, trang bị, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi toàn dân thực hiện “tiêu thổ kháng chiến”.
Đây là biện pháp được tiến hành khi quân địch có sức tấn công mạnh, bằng cách tự triệt phá nhà cửa, đường sá, cầu cống, công trình kiên cố, kho tàng, cơ sở vật chất không di chuyển được... nhằm ngăn chặn bước tiến và không cho địch lợi dụng làm đồn, bốt...
Từ khi kháng chiến toàn quốc chưa nổ ra, nhiều địa phương đã xây dựng kế hoạch, mục tiêu cần phá. Bộ Tổng Tham mưu thành lập trung đoàn công binh, do đồng chí Hoàng Đạo Thúy chỉ huy, có nhiệm vụ nghiên cứu và phổ biến kinh nghiệm “tiêu thổ”, tổ chức những tuyến đường từ Hà Nội đi các hướng.
Các liên khu đều lập tiểu ban phá hoại, định rõ phạm vi, trách nhiệm của từng vùng, từng đơn vị; phối hợp bộ đội và dân quân nhằm huy động lực lượng, tổ chức kiểm tra, đôn đốc công việc “tiêu thổ”.
Sau ngày 19/12/1946, “tiêu thổ kháng chiến” diễn ra trong khí thế cách mạng, cứu nước sục sôi của các tầng lớp nhân dân. Với tinh thần “tất cả cho kháng chiến”, nhân dân, công nhân các địa phương tự tay đốt, phá dỡ nhà cửa, xí nghiệp, hầm mỏ, tổ chức đào hào, đắp ụ, dựng vật cản trên cả đường bộ, đường sông... Tại Thủ đô Hà Nội, bộ đội, tự vệ và nhân dân các khu phố nội thành đã đào hầm hào, đục thông các nhà trong dãy phố, cưa cây, hạ cột điện. Khi chiến sự nổ ra, các chiến lũy được dựng lên trên đường phố bằng những toa xe điện, bao cát, giường ngủ, bàn ghế, đồ đạc để ngăn chặn địch.
Ở ngoại thành, nông dân thực hiện “vườn không nhà trống” đề phòng địch đánh nống ra. Các địa phương như: Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Nam Định, Thanh Hóa, Đà Nẵng... cũng triệt để thực hiện chiến lược “tiêu thổ kháng chiến”, cất giấu, phân tán tài sản, lập kho dự trữ lương thực, thực phẩm; đắp ụ đất, dựng chướng ngại vật trên các tuyến giao thông chính, nhất là các quốc lộ; làm kè ngang sông, ngăn cản hoạt động của tàu, ca nô địch nhằm ngăn chặn, cản trở bước tiến của giặc...
Thực hiện chiến lược “tiêu thổ kháng chiến”, những ngày đầu kháng chiến tuy còn không ít hạn chế do thiếu kinh nghiệm về mặt chỉ đạo, tổ chức nhưng đã thể hiện tinh thần yêu nước của các tầng lớp nhân dân với ý chí “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.
Nhiều thành phố, thị xã biến thành bình địa, nhiều cầu cống, đường sá bị phá sập không chỉ biểu thị sức mạnh phi thường của nhân dân ta mà còn khiến kẻ thù phải khiếp sợ; đồng thời tạo lòng tin của nhân dân đối với chủ trương, chính sách kháng chiến của Đảng, Bác Hồ.
Chiến lược “tiêu thổ kháng chiến” gây ra khó khăn cho thực dân Pháp, làm chậm bước tiến công của giặc. Đặc biệt, tại Hà Nội, hiệu quả của chiến lược này góp phần giam chân địch, tạo điều kiện để các cơ quan đầu não của Đảng, Chính phủ và các bộ, ngành di chuyển lên Chiến khu Việt Bắc an toàn.