Tri ân các Anh hùng liệt sĩ
Đoàn công tác tỉnh Thái Nguyên do đồng chí Hà Thị Bích Hồng, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh làm Trưởng Đoàn dâng hoa, dâng hương tri ân các Anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên (Hà Giang). |
Thành thông lệ, những ngày áp Tết Nguyên đán, Đoàn công tác tỉnh Thái nguyên do lãnh đạo tỉnh làm Trưởng đoàn đã về Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Đường 9 (Quảng Trị); Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên (Hà Giang) đặt vòng hoa, dâng hương tưởng nhớ anh linh các Anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh vì từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.
Nơi đầu nguồn sông Lô
Hành trình tri ân các Anh hùng liệt sĩ nơi biên ải Vị Xuyên (Hà Giang) trước Xuân 2021 được khởi hành từ rất sớm. Ngày 29-1, các thành viên trong Đoàn ai nấy bồi hồi, lặng lẽ với một niềm xúc cảm. Chị Hà Thị Bích Hồng, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh làm Trưởng Đoàn suy tư: Mới đó đã mấy mươi năm ngày các anh ngã xuống vì tiếng gọi hòa bình. Để máu của những người con ưu tú không bị hoen ố, các thế hệ cán bộ, nhân dân Thái Nguyên - lớp sau theo lớp trước đoàn kết phấn đấu xây dựng quê hương ngày thêm giàu đẹp và làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa.
Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên ngự trên một triền đồi thoải dốc, dựa lưng vào dải núi Tây Côn Lĩnh, hướng về dòng sông Lô oai hùng. Đang mùa khô, nơi thượng nguồn dòng Lô trơ đáy, đá từ dưới nhô lên, sắc lẻm, gợi sự liên tưởng những thần tích của một miền biên ải xa xưa. Và bao kỳ tích được làm nên từ máu xương con dân đất Việt. Hàng triệu lượt người con trên mọi miền Tổ quốc đã về đây dâng hoa, dâng hương tưởng nhớ các Anh hùng liệt sĩ. Giữa trầm thơm thoảng gợi hoài nhớ, những tên đất, tên làng như: Lao Chải, Xín Chải, Quảng Ngần, Minh Tân, Thanh Thủy; hang Làng Lò, hang Dơi, làng Pinh… và trên dọc dải biên giới Vị Xuyên từng chứng kiến bao cuộc chiến đấu kiên cường của quân, dân ta.
Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Hà Giang kéo dài 10 năm (1979-1989). Đạn bom đã cướp đi bao sinh mạng con người. Riêng ở Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên quy tập 1 mộ liệt sĩ tập thể và 1.831 mộ liệt sĩ là những người con của nhiều vùng quê trên cả nước, trong đó có 22 liệt sĩ người Thái Nguyên. Trước tượng đài Tổ quốc, tôi lặng nhìn dòng sông Lô xanh màu trời; nghe tiếng gió biên thùy nhẹ ru tình đồng chí. Cả lúc hy sinh, các anh vẫn sắp hàng thẳng tắp. Chợt lòng đau thắt khi biết tin trong nghĩa trang có gần 400 mộ chí mang dòng chữ: “Liệt sĩ chưa xác định được thông tin”. Và hiện trên dọc dài dải biên giới Hà Giang, còn gần 4.000 liệt sĩ chưa biết nằm lại nơi nào ở thung thẳm, rừng sâu. Một đồng nghiệp làm ở Báo Hà Giang chia sẻ: Năm 2020, đơn vị chức năng của tỉnh đã tìm được 10 liệt sĩ nằm lại ở các hẻm đá, nhưng có 9 liệt sĩ chưa xác định được danh tính. Lễ truy điệu các anh có hàng nghìn người dân đến dự. Thiêng liêng lắm, các anh có thể là người con của quê hương Thái Nguyên, Tuyên Quang, Nghệ An, Hà Tĩnh hoặc có thể là con em của mảnh đất Vị Xuyên Anh hùng.
Trước anh linh các Anh hùng liệt sĩ, Đoàn Thái Nguyên kính dâng lên vòng hoa mang dòng chữ: “Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên đời đời ghi nhớ công ơn các Anh hùng liệt sĩ”. Các anh đã kiên cường chiến đấu bảo vệ từng tấc đất Tổ quốc, cho làng quê sau lưng bình yên. Trong tiếng nhạc chiêu hồn linh thiêng, chúng tôi cúi đầu thành kính, cầu mong cho các anh ở cõi vĩnh hằng được siêu sinh tịnh độ.
Tri ân và trách nhiệm
Những ngày này, từ Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh) đến Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn, Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Đường 9 và Khu di tích đặc biệt Thành cổ Quảng Trị từng dòng người từ khắp nơi về đây kính cẩn nghiêng mình dâng lên các anh, các chị những vòng hoa tươi, nén hương thơm bày tỏ lòng tri ân những Anh hùng liệt sĩ đã hy sinh cho đất nước bình yên.
Đoàn đại biểu tỉnh Thái Nguyên thắp hương cho các Anh hùng Liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Đường 9
Cầm bó hương nghi nghút khói trên tay, chị Bùi Thị Hà ở Quỳnh Phụ (Thái Bình) thành kính thắp từng nén dọc theo những hàng mộ ở Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Đường 9. Chị bảo, tôi biết nhiều liệt sĩ nằm tại đây không có thông tin tên tuổi, không có thân nhân đến viếng. Giáp Tết năm nào tôi cũng bắt xe vào đây thắp hương cho các anh, các chị. Còn bà Đoàn Thị Hồng, cán bộ Ban quản lý Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, vốn thanh niên xung phong của sư đoàn 470, Đoàn 559 tâm sự: Tôi may mắn hơn đồng đội được sống đến ngày hôm nay, vì vậy sau khi rời quân ngũ, tôi quyết định về đây chăm sóc, canh giấc ngủ ngàn thu cho đồng dội. Tết nào tôi cũng thay hết cát lư hương, nhổ chân hương, quét dọn lại các phần mộ để các anh, các chị đón Tết ấm áp và để thân nhân liệt sĩ đến đây an tâm gửi gắm liệt sĩ lại trên đất Quảng Trị.
Dẫu đã nghe về các nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia ở Quảng Trị, nhưng đến đây chúng tôi mới cảm nhận hết sự linh thiêng của vùng đất này. Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn tọa lạc trên khu đồi Bến Tắt cạnh Quốc lộ 15 và nằm ở thượng nguồn sông Bến Hải. Quy tụ hơn 10.200 liệt sĩ là những cô gái, chàng trai vừa đôi mươi, mười tám đã anh dũng hy sinh trong 6.000 ngày đêm khai mở, giữ vững và phát triển con đường Trường Sơn, trong đó có 167 liệt sĩ là người con Thái Nguyên. Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Đường 9 là nơi yên nghỉ của hơn 10.700 chiến sĩ chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên mặt trận Đường 9, chiến trường Quảng Trị và đất bạn Lào.
Ngày giáp Tết, dù công việc bộn bề, nhưng với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, Đoàn đại biểu tỉnh Thái Nguyên hòa vào dòng người trên khắp mọi miền đất nước về vùng đất lửa Quảng Trị để bày tỏ sự tri ân với các Anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì độc lập dân tộc. Nhìn những vòng hoa tươi, nén hương thơm và nghe những lời thủ thỉ của người còn sống trước anh linh các Anh hùng liệt sĩ, chúng tôi hiểu, đó không chỉ là sự biết ơn các anh, các chị mà còn là lời nhắc nhớ về ý thức về trách nhiệm của bản thân mỗi người với việc giữ gìn và phát huy giá trị truyền thống, thành quả cách mạng vĩ đại của dân tộc.