Viết tiếp truyền thống Đoàn Lam Sơn
Chiến sĩ Sư đoàn 346 trên thao trường huấn luyện. |
Cách đây 42 năm, ngày 22/4/1978 Sư đoàn 346 (Đoàn Lam Sơn) được thành lập tại xã An Tường và Lưỡng Vượng, huyện Yên Sơn, tỉnh Hà Tuyên (nay là tỉnh Tuyên Quang). Các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Đoàn Lam Sơn luôn phát huy truyền thống “Đoàn kết, tự lực, kiên cường, quyết thắng” nỗ lực học tập, rèn luyện, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, viết tiếp truyền thống vẻ vang của Quân đội Nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Những chiến công chói lọi
Đại tá Phạm Văn Trọng, Phó Sư đoàn trưởng, Tham Mưu trưởng Sư đoàn 346 kể lại: Chỉ sau gần 10 tháng thành lập, Sư đoàn 346 đã nhận nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc. Quán triệt tinh thần chỉ đạo của Đảng ủy - Bộ Tư lệnh Quân khu 1, Sư đoàn đã tổ chức hàng trăm trận chiến đấu dũng cảm, mưu trí, ngoan cường, đẩy lùi nhiều đợt tiến công và khiêu khích vũ trang của quân địch với các trận đánh tiêu biểu như: Trận chốt chặn, phòng ngự của Tiểu đoàn 3 - Trung đoàn 246 ở Sóc Giang (Cao Bằng); trận đánh địch ở điểm cao 815 của Tiểu đoàn 6 - Trung đoàn 677; trận tiến công chiếm lại điểm cao M1 của Đại đội 5 ở mặt trận Vị Xuyên (Hà Giang)… Trong đó, nổi bật nhất là trận chiến đấu phòng ngự ở đèo Khau Chỉa (Cao Bằng) của Trung đoàn 567. Đây là con đèo án ngữ Quốc lộ 3, một chốt chặn quan trọng ở phía Đông thị xã Cao Bằng. Khi đó, Trung đoàn 567 vốn là đơn vị làm kinh tế, chưa hề qua chiến tranh, đang đóng quân cách biên giới 20km, ngay chân đèo và được giao nhiệm vụ bằng mọi giá phải giữ vững đèo Khau Chỉa. Ngày 17/2/1979, chiến tranh nổ ra, các đại đội thuộc Tiểu đoàn 5, Tiểu đoàn 6 của Trung đoàn được bố trí dọc đèo, bắt đầu một cuộc chiến không cân sức. Nhưng bằng tinh thần dũng cảm, gan dạ, mưu trí, Trung đoàn đã tạo nên “khiên thép 567” cầm chân địch suốt 12 ngày đêm, tiêu diệt 34 xe tăng, hàng chục xe bộ binh, xe thiết giáp và gần 6.000 tên địch. Trong suốt cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc nơi tuyến đầu biên giới, đã có hơn 1.800 cán bộ, chiến sĩ của Sư đoàn đã mãi mãi nằm lại nơi đất mẹ để tô thắm màu cờ Tổ quốc, mang lại cuộc sống hòa bình, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.
Trò chuyện với chúng tôi Trung úy Lý Mạnh Cường, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 246, Sư đoàn 346 tự hào nói: Các thế hệ cha anh đi trước đã cống hiến máu xương vì độc lập, tự do của Tổ quốc, thế hệ trẻ chúng tôi hôm nay càng thấy rõ trách nhiệm của mình, cố gắng học tập, trao dồi kỹ năng chiến đấu, viết tiếp trang sử vẻ vang của Đoàn Lam Sơn trong thời kỳ mới.
Viết tiếp trang sử vẻ vang
Từ năm 1988 đến nay, Sư đoàn 346 về đóng quân trên địa bàn huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên. Với đặc thù là một trong hai Sư đoàn chủ lực của Quân khu 1 vừa thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu cho lực lượng thường trực, vừa xây dựng, quản lý, huấn luyện lực lượng dự bị động viên, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện và sẵn sàng cơ động thực hiện các nhiệm vụ khác do Quân khu và Bộ Quốc phòng giao, Sư đoàn luôn chú trọng đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XII) gắn với thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”; thực hiện tốt phong trào Thi đua quyết thắng... Theo Đại tá Hoàng Hùng Mạnh, Chính ủy Sư đoàn 346: “Để cán bộ, chiến sĩ hiểu và tự hào về truyền thống của Sư đoàn, thời gian qua, Đảng ủy, chỉ huy đơn vị luôn chú trọng công tác giáo dục tư tưởng, truyền thống nhằm hun đúc tinh thần yêu nước, lòng tự hào về đơn vị, từ đó, cán bộ chiến sĩ càng nỗ lực hơn trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Nhờ đó, những năm qua, Sư đoàn luôn là lá cờ đầu trong phong trào Thi đua quyết thắng của Quân khu 1, Bộ Quốc phòng; 100% cán bộ, chiến sĩ được giáo dục, quán triệt pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội, các quy định của đơn vị; 100% cán bộ của Sư đoàn được huấn luyện phân cấp, trong đó 80% số cán bộ cấp tiểu đoàn, đại đội và trên 70% số cán bộ Trung đội đạt trình độ huấn luyện giỏi; mỗi năm tiếp nhận và huấn luyện trên 1.000 chiến sĩ mới đúng phương châm, nguyên tắc, đảm bảo an toàn tuyệt đối, chất lượng ngày càng nâng cao. Thực hiện phong trào thi đua “Ngành Hậu cần Quân đội làm theo lời Bác”, Sư đoàn có 14/14 bếp ăn đạt tiêu chuẩn “Đơn vị nuôi quân giỏi, quản lý quân nhu tốt”; đẩy mạnh tăng gia sản xuất, chăn nuôi tập trung có hiệu quả, tự túc 100% rau xanh góp phần cải thiện, nâng cao đời sống bộ đội; quân số khỏe đạt 98,9%, cảnh quan môi trường chính quy xanh - sạch - đẹp.
Trải qua 42 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, với những chiến công và thành tích xuất sắc, Sư đoàn đã vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quý: 11 tập thể, 06 cá nhân được tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân. Sư đoàn và 6 tập thể được tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Ba; nhiều năm liền Sư đoàn được Bộ Quốc phòng và Bộ Tư lệnh Quân khu tặng Cờ thi đua và nhiều phần thưởng cao quý khác. Vinh dự, tự hào với truyền thống vẻ vang của đơn vị, trong suốt chặng đường lịch sử đã qua, cán bộ, chiến sĩ Đoàn Lam Sơn hôm nay vững vàng niềm tin son sắt, đoàn kết một lòng xây dựng đơn vị cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, xứng đáng là đơn vị chủ lực của Quân khu 1 trên mảnh đất “Thủ đô gió ngàn”.