Xây dựng Bộ tư lệnh 86 cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại
Lãnh đạo Bộ tư lệnh 86 kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ chính trị tại Lữ đoàn 3 (tháng 3-2021). |
Bộ tư lệnh 86 có chức năng tham mưu với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng quản lý, bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng (KGM) và công nghệ thông tin (CNTT); chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị trong toàn quân thực hiện nhiệm vụ tác chiến KGM và CNTT.
Đảng ủy, thủ trưởng Bộ tư lệnh 86 đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ các biện pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả mọi mặt công tác, xây dựng Bộ tư lệnh 86 cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, góp phần tích cực bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia trên KGM, phục vụ có hiệu quả sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Ngày 7/11/2011, Cục CNTT (Bộ Tổng Tham mưu) được thành lập. Đây là cơ quan đầu ngành quản lý nhà nước về CNTT trong quân đội, nhằm đẩy nhanh ứng dụng, phát triển CNTT, bảo đảm an toàn thông tin và một số nhiệm vụ khác do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng giao. Thực hiện kết luận của Bộ Chính trị, ngày 15/8/2017, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 1198/QĐ-TTg thành lập Bộ tư lệnh Tác chiến KGM, trực thuộc Bộ Quốc phòng (mang phiên hiệu Bộ tư lệnh 86) trên cơ sở tổ chức lại Cục CNTT. Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ tư lệnh 86 là đơn vị chiến đấu bảo vệ chủ quyền quốc gia trên KGM, giúp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thực hiện chức năng quản lý nhà nước, lãnh đạo, chỉ huy, chỉ đạo về tác chiến KGM và CNTT.
Trong 10 năm xây dựng, phát triển, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, sự giúp đỡ các cơ quan, đơn vị trong và ngoài quân đội, Cục CNTT trước kia cũng như Bộ tư lệnh 86 ngày nay đã hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, nhân dân và quân đội giao phó. Trong đó đã triển khai thực hiện đồng bộ, toàn diện hai nhiệm vụ là tác chiến KGM bảo vệ chủ quyền quốc gia và nhiệm vụ bảo đảm CNTT.
Với nhiệm vụ tác chiến KGM bảo vệ chủ quyền quốc gia, Bộ tư lệnh 86 đã tập trung triển khai các chương trình hành động của Quân ủy Trung ương, kế hoạch của Bộ Quốc phòng triển khai Nghị quyết 29 của Bộ Chính trị khóa XII về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên KGM, góp phần thực hiện cụ thể hóa Nghị quyết 28 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Bộ tư lệnh 86 đã tham mưu, đề xuất với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng hoạch định chủ trương, biện pháp, cơ chế chính sách, đối sách xử lý tốt các tình huống trên KGM. Đồng thời đã tổ chức, xây dựng lực lượng, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu, phát hiện và ngăn chặn thành công nhiều chiến dịch tấn công mạng có chủ đích nhằm đánh cắp bí mật quốc gia, bí mật quân sự, âm thầm kiểm soát hệ thống mạng.
Những kết quả bước đầu đã góp phần phòng thủ vững chắc, bảo đảm được an toàn thông tin cho các hệ thống thông tin quân sự-quốc phòng, tham gia bảo đảm an toàn thông tin cho các hệ thống thông tin chỉ đạo, điều hành của Đảng, Nhà nước và các hệ thống thông tin quan trọng quốc gia của các ngành như điện lực, hàng không, cung cấp nước sạch.
Với nhiệm vụ bảo đảm CNTT, Bộ tư lệnh 86 đã tham mưu cho Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng chỉ đạo triển khai ứng dụng CNTT vào chỉ huy, điều hành quân đội. Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong diễn tập, huấn luyện, đào tạo, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, từng bước xây dựng chính phủ điện tử và chuyển đổi số trong Bộ Quốc phòng.
Kỹ thuật viên Bộ tư lệnh 86 hướng dẫn thực hành sửa chữa trang thiết bị công nghệ thông tin tại Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội (tháng 3-2021). Ảnh: NGỌC TUẤN.
Hiện nay, thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang bước vào công cuộc chuyển đổi số hết sức mạnh mẽ. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã chỉ ra định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 có bao gồm đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ. Chuyển đổi số sẽ mang lại nhiều cơ hội nhưng đi kèm với đó cũng không ít nguy cơ, thách thức cho nước ta.
Đó là việc các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị đang triệt để lợi dụng không gian mạng để truyền bá các tư tưởng sai trái, thù địch, thúc đẩy tự diễn biến, tự chuyển hóa, phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng và tiến hành chiến lược “diễn biến hòa bình”, “bạo loạn lật đổ”. Đồng thời, chúng âm mưu hậu thuẫn cho tin tặc xâm nhập, kiểm soát, chiếm quyền điều khiển các hệ thống mạng quân sự, quốc phòng, các hệ thống mạng của Đảng, Nhà nước và các ngành trọng yếu của quốc gia.
Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền quốc gia trên KGM, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống và bảo đảm CNTT đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, trong thời gian tới, Đảng ủy, Bộ tư lệnh 86 xác định cần thực hiện tốt các giải pháp sau:
Một là, tiếp tục tham mưu cho Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả, thực chất Nghị quyết 29 về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên KGM; tham mưu với Chính phủ ban hành Nghị định về thực hiện nhiệm vụ quốc phòng trên KGM; phân định rõ trách nhiệm của Bộ Quốc phòng với trách nhiệm của Bộ Thông tin truyền thông, Bộ Công an trong thực hiện các nội dung có liên quan, từ đó xây dựng quy chế phối hợp công tác để phát huy thế mạnh của các bên.
Hai là, tập trung xây dựng nguồn lực con người, quán triệt tốt quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng “người trước, súng sau”, từng bước xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên, chiến sĩ của Bộ tư lệnh 86 nói riêng và lực lượng tác chiến KGM toàn quân nói chung theo hướng “Trung thành, kỷ luật, trí tuệ, hiệu quả”, lấy yếu tố chính trị, tư tưởng làm đầu, năng lực, trình độ là cơ bản và chất lượng hiệu quả công việc là quan trọng.
Ba là, tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng, đào tạo theo hướng: Cơ bản, chuyên sâu, thiết thực, vững chắc. Huấn luyện làm chủ công cụ, phương tiện, vũ khí, trang bị; chú trọng huấn luyện, đào tạo chuyên sâu theo các tình huống tác chiến KGM có thể xảy ra. Bên cạnh đó, phải học hỏi, nghiên cứu, thử nghiệm, đúc rút kinh nghiệm để xây dựng cách đánh, nghệ thuật tác chiến KGM, bổ sung vào nghệ thuật quân sự Việt Nam
Bốn là, tham mưu với Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động tác chiến KGM đạt hiệu quả cao; đồng thời nghiên cứu sớm các dự báo chiến lược, đề xuất ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, chủ trương, chiến lược, cơ chế, chính sách, quy hoạch, kế hoạch về tổ chức và hoạt động tác chiến trên KGM, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Đề xuất chế độ chính sách đặc thù đối với lực lượng trực tiếp thực hiện nhiệm vụ và lực lượng phục vụ cho hoạt động tác chiến KGM.
Năm là, tổ chức nghiên cứu phát triển, mua sắm, bổ sung vũ khí, trang bị hiện đại, đồng bộ, đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ; đồng thời, đẩy mạnh nghiên cứu, từng bước làm chủ khoa học-công nghệ và phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trên KGM. Tăng cường hợp tác quốc tế trong trao đổi, chia sẻ thông tin; tích cực tham gia các cuộc diễn tập quốc tế về bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng, phòng, chống chiến tranh KGM và bảo vệ chủ quyền quốc gia trên KGM.
Sáu là, sẽ triển khai quyết liệt các giải pháp để thúc đẩy chuyển đổi số, xây dựng chính phủ điện tử trong Bộ Quốc phòng. Tăng cường áp dụng CNTT trong huấn luyện, diễn tập các phương án sẵn sàng chiến đấu. Tham mưu để Bộ Quốc phòng triển khai ứng dụng mạnh mẽ CNTT trong chỉ huy điều hành quân đội tiến tới áp dụng tự động hóa chỉ huy, tạo tiền đề vững chắc để từ năm 2030 xây dựng quân đội hiện đại theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ XI đề ra.