Xây dựng Luật Phòng thủ dân sự: Vì cuộc sống bình yên của nhân dân
Máy bay của Công ty Trực thăng miền Bắc (Tổng công ty Trực thăng Việt Nam, Binh đoàn 18) tham gia cứu nạn tàu Vietship 01 tại vùng biển Cửa Việt (Quảng Trị), tháng 10-2020. Ảnh: QUANG THIỆN |
Dự thảo Luật Phòng thủ dân sự (PTDS) đang được các cơ quan chức năng triển khai, hoàn thiện, lấy ý kiến rộng rãi của các tầng lớp nhân dân. Đây là bộ luật quan trọng, tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động PTDS, bảo đảm cuộc sống bình yên cho nhân dân.
Cấp thiết phải xây dựng Luật Phòng thủ dân sự
Khoản 1, Điều 13 Luật Quốc phòng nêu rõ: PTDS là một bộ phận của phòng thủ đất nước bao gồm các biện pháp phòng, chống chiến tranh; phòng, chống, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh; bảo vệ nhân dân, cơ quan, tổ chức và nền kinh tế quốc dân.
Theo đó, PTDS sẽ bao gồm tổng thể các hoạt động chuẩn bị từ thời bình đến khi nguy cơ chiến tranh, sự cố, thiên tai có thể xảy ra và khắc phục hậu quả nếu có. Hoạt động đó bảo đảm an toàn và hạn chế thấp nhất mức độ thiệt hại về người và tài sản của Nhà nước và nhân dân.
Theo đánh giá của Cục Cứu hộ cứu nạn (Bộ Tổng Tham mưu), những năm qua, công tác PTDS từng bước được hoàn thiện cả về thể chế và tổ chức triển khai thực hiện, đáp ứng yêu cầu ứng phó, khắc phục hậu quả khi có thảm họa, sự cố xảy ra.
Tuy nhiên, tình hình thế giới, khu vực và trong nước đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh và đời sống nhân dân như biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh và các sự cố môi trường khó lường... có thể gây ra những thiệt hại lớn cho đất nước, nhân dân.
Việc giảm nhẹ, khắc phục thảm họa do chiến tranh, công tác bảo vệ tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân, bảo vệ nền kinh tế quốc dân là những vấn đề lớn. Các trường hợp xảy ra thảm họa, sự cố hiện nay rất đa dạng, ở mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.
Do đó, để thực hiện tốt công tác PTDS, cần phải điều động lực lượng, phương tiện, cơ sở vật chất, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị vào cuộc, đòi hỏi cơ chế vận hành phải được luật hóa.
Hiện nay, công tác PTDS đã có một số văn bản quy phạm pháp luật liên quan được ban hành như: Nghị định số 30/2010/NĐ-CP ngày 29-3-2010 của Chính phủ về huy động nhân lực, tàu thuyền và phương tiện dân sự tham gia bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền các vùng biển của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Nghị định số 02/2019/NĐ-CP ngày 2-1-2019 về PTDS; Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24-3-2020 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai...
Các bộ luật như: Phòng, chống thiên tai; đê điều; phòng, chống bệnh truyền nhiễm; phòng cháy, chữa cháy... mới chỉ dừng ở từng phạm vi, lĩnh vực cụ thể. Do đó, cơ sở pháp lý cho hoạt động PTDS là Luật PTDS mang tính cấp thiết.
Bên cạnh đó, triển khai xây dựng, lấy ý kiến vào dự thảo Luật PTDS chính là việc thực hiện kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 và thông báo của Chính phủ về việc trình Quốc hội cho ý kiến đối với Luật PTDS vào Kỳ họp thứ tư, thông qua vào Kỳ họp thứ năm của Quốc hội khóa XV.
Vì sự bình yên của nhân dân
Dự thảo Luật PTDS gồm 7 chương, 77 điều, được lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân và các cơ quan, tổ chức, địa phương. Theo dự thảo luật, chương 1 và chương 7 đề cập các quy định chung và điều khoản thi hành; chương 2 đề cập về hoạt động PTDS, chương 3 về cơ quan chỉ đạo, chỉ huy, lực lượng PTDS; chương 4 quy định quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và cá nhân trong hoạt động PTDS; chương 5 về nguồn lực, chế độ, chính sách đối với người tham gia hoạt động PTDS; chương 6 quy định về trách nhiệm quản lý nhà nước về PTDS.
Lực lượng vũ trang tỉnh Bắc Ninh phối hợp với các cơ quan chức năng huấn luyện cứu nạn trên sông. Ảnh: QUANG THIỆN
Các chương của dự luật tập trung đánh giá mức độ rủi ro của thảm họa, sự cố do thiên tai và chiến tranh (nếu xảy ra), luật hóa việc phân công trong quản lý nhà nước và phân cấp trong tổ chức hoạt động phòng ngừa, ứng phó, khắc phục thảm họa, sự cố; quy định trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong PTDS...
Theo đó, chương 2 quy định rõ hoạt động PTDS thông qua những vấn đề như: Chiến lược quốc gia về PTDS; kế hoạch PTDS của các bộ, ngành, địa phương; hệ thống công trình, trang bị PTDS; công tác tuyên truyền, giáo dục, huấn luyện, diễn tập về PTDS...
Với các quy định tại chương này, dự thảo luật nêu rõ yêu cầu hoạt động PTDS phải được các cấp tiến hành một cách thường xuyên, liên tục, trong trạng thái bình thường cho đến khi có nguy cơ xảy ra và giai đoạn khắc phục hậu quả của sự cố, thảm họa.
Với những quy định cụ thể về công tác PTDS, dự thảo Luật PTDS nếu được thông qua sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng, làm nền tảng cho triển khai các hoạt động phòng, chống, khắc phục hậu quả, bảo đảm an toàn và cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân.
Dự án Luật PTDS tập trung vào 6 chính sách đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 22/NQ-CP ngày 28-2-2022, bao gồm: Đánh giá mức độ rủi ro của thảm họa, sự cố trong hoạt động PTDS; phân công trong quản lý nhà nước và phân cấp trong tổ chức hoạt động phòng ngừa, ứng phó, khắc phục thảm họa, sự cố; quy định các biện pháp bảo vệ người dân trước thảm họa, sự cố và hỗ trợ người dân bị thiệt hại; đổi mới tổ chức của Ban chỉ đạo PTDS quốc gia; ứng dụng công nghệ dữ liệu lớn (big data) trong phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố; quy định về hoạt động PTDS trong tình trạng khẩn cấp.