“Cơn khát” tài nguyên của Trung Quốc đang bào mòn khu vực Thái Bình Dương

Cập nhật: Thứ năm 03/06/2021 - 07:21
 Xe tải chở gỗ xuất khẩu đi qua ngôi làng Vanimo ở Papua New Guinea. Ảnh: The Guardian
Xe tải chở gỗ xuất khẩu đi qua ngôi làng Vanimo ở Papua New Guinea. Ảnh: The Guardian

Trung Quốc là khách hàng nhập khẩu tài nguyên thiên nhiên lớn nhất của các nước ở Thái Bình Dương dù tính theo sản lượng hay quy ra giá trị USD.

Phân tích dữ liệu thương mại của The Guardian cho thấy, Trung Quốc đã tiếp nhận hơn một nửa sản lượng khoáng sản, gỗ và thủy sản xuất khẩu của khu vực vào năm 2019 với tổng giá trị khoảng 3,3 tỷ USD – con số mà các chuyên gia mô tả là “cao một cách đáng kinh ngạc”.

“Cơn khát” tài nguyên của Trung Quốc

Việc nhập khẩu một số lượng lớn tài nguyên tại khu vực Thái Bình Dương diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc đang tìm cách tăng cường quan hệ với các nước trong khu vực và thúc đẩy quyền lực mềm, nhằm gia tăng lợi thế trong cuộc cạnh tranh giành ảnh hưởng với Mỹ và đồng minh tại Thái Bình Dương.

Các chuyên gia cho biết, khối lượng tài nguyên mà Bắc Kinh nhập khẩu từ Thái Bình Dương nhiều hơn so với khối lượng của 10 quốc gia nhập khẩu khác cộng lại. Theo nhận định, Trung Quốc sẽ “dễ dàng vượt xa các nước khác, trong đó có cả Australia, xét về tác động đến môi trường tổng thể của các ngành khai thác trong khu vực”. 

Năm 2019, Trung Quốc đã nhập khẩu 4,8 triệu tấn gỗ, 4,8 triệu tấn khoáng sản và 72.000 tấn thủy sản từ Thái Bình Dương. Khách hàng lớn thứ hai là Nhật Bản – nước nhập khẩu 4,1 triệu tấn khoáng sản, chủ yếu là dầu mỏ, 370.000 tấn gỗ và 24.000 tấn hải sản. Australia đứng thứ 3 với 600.000 tấn khoáng sản, 5.000 tấn gỗ và 200 tấn thủy sản.

Nhà nghiên cứu Shane McLeod tại Viện Lowy ở Australia, cho rằng, Trung Quốc trở thành khách hàng lớn nhất của Thái Bình Dương do nước này có vị trí địa lý gần gũi và có nhu cầu phát triển kinh tế mạnh mẽ.

“Họ luôn khao khát và có nhu cầu tìm kiếm tài nguyên thiên nhiên. Thái Bình Dương rất gần về mặt địa lý vì thế sẽ giúp rút ngắn tuyến đường cung ứng. Chẳng hạn, mỏ niken Ramu ở Papua New Guinea là nơi trực tiếp cung cấp nguyên liệu thô cho Trung Quốc mà không cần vận chuyển quá xa”.

Ước tính, Trung Quốc nhập khẩu hơn 90% sản lượng tài nguyên từ Quần đảo Solomon, hơn 90% tổng sản lượng gỗ được khai thác từ Papua New Guinea và Quần đảo Solomon.

Ngoài việc nhập khẩu tài nguyên trực tiếp, dữ liệu từ Viện Doanh nghiệp Mỹ cho biết, các công ty Trung Quốc đã đầu tư hơn 2 tỷ USD vào lĩnh vực khai thác ở Thái Bình Dương trong 2 thập kỷ qua,  trong đó có các mỏ khai khoáng Porgera, Ramu Nickel và Frieda River gây tranh cãi ở Papua New Guinea.

Hệ lụy từ chính sách khai thác triệt để

Giáo sư Bill Laurance thuộc Đại học James Cook ở bắc Queensland (Australia) nhận định,với tiềm lực kinh tế to lớn của mình, Trung Quốc sẽ dễ dàng vượt xa các nước khác về khả năng hút tài nguyên từ khu vực Thái Bình Dương. Nhưng điều đó sẽ gây ảnh hưởng đến môi trường, cân bằng sinh thái và đặt ra thách thức về phát triển bền vững.

“Khoáng sản, gỗ, nhiên liệu hóa thạch, thực phẩm và các mặt hàng khác mà Trung Quốc nhập khẩu từ các nước trong khu vực Thái Bình Dương nhiều một cách đáng kinh ngạc. Điều này đang tạo ra những thách thức lớn cho sự phát triển bền vững trong khu vực”.

Papua New Guinea, Quần đảo Solomon, Vanuatu, Tonga và Palau thường xuyên xuất khẩu hơn 90% sản lượng gỗ được khai thác sang Trung Quốc. Tuy vậy theo một số báo cáo, lượng gỗ được khai thác bất hợp pháp chiếm 70% lượng gỗ tròn được xuất khẩu từ Solomon.

Là quốc gia đông dân lại có vị trí gần, lẽ dĩ nhiên Trung Quốc sẽ trở khách hàng tiềm năng cho lĩnh vực xuất khẩu của Thái Bình Dương. Nhưng các chuyên gia cho rằng, Bắc Kinh đang thiếu luật chống nhập khẩu gỗ bất hợp pháp và thiếu trách nhiệm giải trình về tác động đối với môi trường và xã hội.

Thực trạng khai thác gỗ tràn lan trong khu vực đang ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của các cộng đồng dân cư. “Hầu hết số gỗ đó được khai thác bất hợp pháp, thông qua hành vi vi phạm quyền sở hữu đất đai. Đây không phải điều xa lạ với Papua New Guinea nhưng nó đang ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân nơi đây. Phần lớn các cộng đồng ở nông thôn phụ thuộc trực tiếp vào đất và rừng.  Khi các cánh rừng biến mất, hậu quả sẽ rất nghiêm trọng”.

Về hoạt động ngư nghiệp, đánh bắt thủy hải sản là lĩnh vực mang lại nguồn thu nhập chính cho nhiều quốc gia nhỏ ở Thái Bình Dương. Nhưng phần lớn đều chưa nắm bắt được toàn bộ giá trị của nguồn tài nguyên dồi dào này. Điều đó tạo cơ hội cho Trung Quốc cùng nhiều quốc gia khác tham gia quá trình khai thác trong khu vực.

Một cuộc khảo sát các tàu thuyền hoạt động ở Thái Bình Dương vào năm 2016 cho thấy tàu gắn cờ Trung Quốc xuất hiện nhiều hơn tàu thuyền của bất cứ quốc gia nào. Trung Quốc có 290 tàu công nghiệp được cấp phép hoạt động trong khu vực vào thời điểm đó. Trong khi đó, số lượng tàu của các nước Thái Bình Dương gộp lại là 240 chiếc.

Ngoài Papua New Guinea, có rất ít tàu thuyền của các nước Thái Bình Dương thực hiện hoạt động đánh bắt xa bờ, thay vì đó họ chỉ tập trung khai thác ở các vùng biển ven bờ. Tiến sĩ Hugh Govan tại Đại học Nam Thái Bình Dương, vùng biển này có rất nhiều loài hải sản có giá trị như hải sâm, nhưng chúng đang bị đánh bắt quá mức hoặc bị tận diệt.

Hải sâm là mặt hàng ưa chuộng tại khu vực miền Nam Trung Quốc, song chúng đã bị khai thác quá nhiều đến nỗi Papua New Guinea phải ra quy định ngừng đánh bắt sản phẩm này.

Trong lĩnh vực khoáng sản, Quần đảo Solomon xuất khẩu hầu hết khoáng sản của nước này sang Trung Quốc, phần lớn là quặng nhôm. Khoáng sản chiếm hơn 90% tổng kim ngạch xuất khẩu của Papua New Guinea, trong đó hơn 30% khối lượng được đưa đến Trung Quốc. Australia cũng nhập khẩu một lượng lớn khoảng sản từ các nước khác trong khu vực, gần 100% vàng thô từ Fiji và 80% vàng từ Papua New Guinea. Nhưng tính theo trọng lượng vẫn khá ít so với lượng khoáng sản được xuất khẩu sang Trung Quốc. 

Nhiều hoạt động khai thác khoáng sản quy mô lớn ở Papua New Guinea đã gây ra những thảm họa về môi trường, trong đó phải kể đến việc xử lý chất thải tại mỏ Ok Tedi của BHP - công ty liên doanh Anh – Australia hay mỏ Ramu Nickel do người Trung Quốc điều hành.

Vào tháng 8-2019, công ty khai thác mỏ Ramu Nickel thuộc sở hữu của Tập đoàn Luyện kim Trung Quốc (MCC) đã phải xin lỗi sau khi để xảy ra sự cố làm tràn khoảng 200.000 lít bùn độc hại xuống biển ở tỉnh Madang, Papua New Guinea. Nhà chức trách Papua New Guinea đã yêu cầu công ty này bồi thường thiệt hại và nộp phạt./.


Theo VOV.VN
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: