Ấn Độ kỳ vọng quan hệ Mỹ-Nga cải thiện

Cập nhật: Thứ ba 29/06/2021 - 11:33
 Tổng thống Vladimir Putin và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi trong một cuộc gặp tại Nga năm 2017. Ảnh: Reuters
Tổng thống Vladimir Putin và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi trong một cuộc gặp tại Nga năm 2017. Ảnh: Reuters

Tín hiệu tích cực từ hội nghị thượng đỉnh giữa hai lãnh đạo Nga-Mỹ trong tháng này được đánh giá sẽ nâng cao hy vọng cho Ấn Độ.

Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc) đưa tin Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Nga Vladimir Putin đã gặp gỡ tại Geneva (Thụy Sĩ) vào ngày 16-6. Mặc dù vẫn còn khác biệt về một số vấn đề nhưng hai nhà lãnh đạo đã đạt được một số đồng thuận nhất định sau hội nghị thượng đỉnh này.

Sự kiện đồng thời mang lại cho Ấn Độ kỳ vọng rằng mối quan hệ Mỹ-Nga nồng ấm hơn có thể tạo không gian để New Delhi tăng cường mối quan hệ riêng với hai quốc gia.

Cựu đại sứ Ấn Độ tại Washington trong giai đoạn từ 2016-2018, ông Navtej Sarna phân tích New Delhi có mối quan hệ quan trọng và phạm vi rộng đối với cả Washington cùng Moskva. Ông Navtej Sarna cũng cho rằng đối đầu giữa Mỹ và Nga có thể là nguồn gây căng thẳng cho Ấn Độ.

Ấn Độ đã hình thành mối quan hệ với Nga từ thời Liên Xô cũ. Đến nay, Nga là nhà cung cấp vũ khí hàng đầu cho Ấn Độ, chiếm tới 56% lượng vũ khí New Delhi nhập khẩu. Ngoài ra, hai quốc gia cũng hợp tác trong công nghệ vũ trụ và năng lượng hạt nhân.

Mỹ trong khi đó là “đối tác quốc phòng chính” của Ấn Độ từ năm 2016, hai quốc gia đã ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác. Kể từ năm 2001, Mỹ đã cung cấp vũ khí trị giá 18 tỷ USD đến Ấn Độ. Mỹ cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ với giao dịch hai chiều đạt mức 92 tỷ USD trong năm 2019-2020.

Các nhà phân tích cho biết Ấn Độ đã phải luôn cân đối mối quan hệ của nước này với Nga và Mỹ để tránh gây nghi ngại.

Ấn Độ là thành viên của của "Bộ tứ kim cương" (còn gọi là QUAD) cùng Mỹ, Nhật Bản và Australia vốn được coi là nỗ lực trong chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của Washington để đối trọng với Bắc Kinh.

Nga trong khi đó nghi ngờ QUAD và chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương là phương pháp của Mỹ để làm hao mòn mối quan hệ thân thiết Moskva-New Delhi dưới vỏ bọc mối đe dọa Trung Quốc.

Cựu Ngoại trưởng Ấn Độ Kanwal Sibal cho rằng hội nghị thượng đỉnh Nga-Mỹ trong tháng 6 đã đem lại hy vọng cho Ấn Độ.

Điều này sẽ được thể hiện qua “bài kiểm tra” diễn ra trong vài tháng tới khi hệ thống phòng thủ S-400 đầu tiên của Nga được chuyển đến Ấn Độ trong khuôn khổ thỏa thuận 5,5 tỷ USD New Delhi ký kết với Moskva năm 2018. Mỹ từng cảnh cáo áp đặt Đạo luật Chống đối thủ của Mỹ thông qua trừng phạt (CAATSA) lên Ấn Độ về thỏa thuận này. Nhưng đến nay Mỹ có thể cân nhắc lại điều đó vì lo lắng về dư luận Ấn Độ cũng như rủi ro gây ảnh hưởng đến các đàm phán trong tương lai với Nga.


Theo TTXVN
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: