Câu chuyện quốc tế: Khi tỷ phú đi tìm... “thiên đường”

Cập nhật: Chủ nhật 01/05/2022 - 10:22
 Elon Musk hiện là cổ đông cá nhân lớn nhất của Twitter. Ảnh: Medium
Elon Musk hiện là cổ đông cá nhân lớn nhất của Twitter. Ảnh: Medium

Việc Twitter chấp nhận thương vụ 44 tỷ USD của tỷ phú giàu nhất thế giới người Nam Phi Elon Musk mua lại mạng xã hội này giúp ông có cơ hội thực hiện kế hoạch tuyên bố trước đó là đưa Twitter thành "thiên đường cho tự do ngôn luận".

Nhưng trên thực tế, người ta vẫn chưa rõ kế hoạch đó của tỷ phú Musk diện mạo ra sao, ngoài những tuyên bố như sẽ biến Twitter thành nền tảng cho tự do ngôn luận toàn cầu, hay mọi hoạt động trên mạng xã hội này sẽ không bị kiểm duyệt.

Trước đó, tỷ phú Musk từng nổi giận khi biết Twitter xóa một số bài đăng cũng như cấm vĩnh viễn một số tài khoản, đồng thời nhấn mạnh mạng xã hội này nên trở thành “thiên đường” cho tự do ngôn luận. Ông còn gọi “Twitter là quảng trường của thị trấn kỹ thuật số, nơi các vấn đề quan trọng đối với tương lai của nhân loại được tranh luận”.

Các tuyên bố này có vẻ giúp tạo dựng hình ảnh một tỷ phú Elon Musk dù kiếm ra rất nhiều tiền nhưng mục đích của ông không chỉ là tiền. Bởi vậy, có không ít ý kiến hoài nghi rằng, là một tỷ phú kinh doanh tài giỏi trên nhiều lĩnh vực khác nhau nên dù ông Musk có làm gì thì mục đích cuối cùng vẫn là để kiếm tiền.

Có thể thấy, việc đề cập tới tự do ngôn luận giống với tầm nhìn dài hạn của tỷ phú Musk hơn là một kế hoạch hay cam kết chắc chắn. Trong trao đổi với các ngân hàng hỗ trợ tài chính cho thương vụ mua lại Twitter, ông chủ yếu đề cập tới các ý tưởng để hồi phục kinh doanh của công ty.

Theo đó, tỷ phú Musk đề xuất phát triển cách để kiếm tiền từ các dòng tweet hay trả tiền cho những người có ảnh hưởng để tạo nội dung như cách TikTok vẫn làm để thu hút nhiều người dùng hơn. Còn ông không nói cụ thể làm gì để bảo đảm quyền tự do ngôn luận trên Twitter.

Nhưng dù sao thì tuyên bố tham vọng này của ông đã thu hút sự chú ý của dư luận thế giới đối với Twitter vốn không thể so sánh được với Facebook hay YouTube về lượng người sử dụng. Tự do ngôn luận có thể sẽ giúp Twitter có thêm một lượng người dùng nhất định, trong đó khó tránh khỏi những đối tượng lợi dụng ưu thế và sức ảnh hưởng của các mạng xã hội với ý đồ xấu. Nhưng ở chiều ngược lại, Twitter sẽ phải đối mặt với rủi ro đánh mất một số lượng người dùng lớn hơn nếu nới lỏng quy định về việc kiểm duyệt bài đăng. Liệu người dùng có còn thiết tha ở lại nơi mà họ có thể trở thành nạn nhân của các vụ quấy rối, đọc những thông tin sai trái và hiểu lầm về thế giới xung quanh, mua phải hàng giả hay nhức mắt bởi các nội dung khiêu dâm, đồi trụy?

Việc Twitter đang là kênh truyền thông được ưa chuộng của các nhà lãnh đạo chính trị và nhân vật nổi tiếng trên thế giới cũng sẽ làm gia tăng rủi ro với tình hình chính trị toàn cầu một khi các nội dung sai lệch, không qua kiểm duyệt được đăng lên. Bởi vậy, tuyên bố của tỷ phú Musk gây ra nhiều quan ngại một khi ông bắt tay vào thúc đẩy ý tưởng, nhất là trong bối cảnh vấn nạn tin giả, thông tin kích động bạo lực, thù hận, khiêu dâm... đang ngày càng nhức nhối.

Nhưng nói thì dễ, làm mới là cả vấn đề. Tỷ phú Elon Musk nổi tiếng với những ý tưởng táo bạo, vượt qua giới hạn tư duy và ông đã làm được, như thành lập hệ thống thanh toán qua mạng PayPal, hãng xe điện Tesla và hãng SpaceX đưa người ra ngoài không gian. Nhưng liệu ông có tiếp tục thành công với Twitter và biến mạng xã hội quyền lực này thành nơi ai muốn làm gì thì làm?

Tỷ phú Musk không phải là người đầu tiên đề cập tới ý tưởng biến Twitter thành “thiên đường” của tự do ngôn luận. Một thập kỷ trước, các giám đốc điều hành Twitter, bao gồm CEO Dick Costolo, từng tuyên bố mạng xã hội này là nơi để mọi người tự do ngôn luận. Nhưng kể từ đó, cũng giống như các mạng xã hội hay nền tảng công nghệ khác như Facebook, YouTube, Twitter đã bị vướng vào những bê bối liên quan tới thông tin sai lệch, thông tin giả gây tác động xấu tới xã hội.

Thực tế này đã buộc họ phải thay đổi lập trường mềm mỏng về quyền tự do ngôn luận sang hướng cứng rắn hơn. Theo đó, họ gắn nhãn những bài đăng chưa được kiểm duyệt nội dung. Cả Facebook, Twitter lẫn YouTube đều đã cấm cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump xuất hiện trên các nền tảng của họ sau cuộc bạo động tại Điện Capitol vào đầu năm 2021.

Chưa kể việc Twitter sẽ phải đối mặt với những quy định đang được siết chặt nhằm kiểm soát hoạt động truyền thông xã hội trên các nền tảng kỹ thuật số đang bộc lộ nhiều mặt trái ở nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới. Ngay sau khi có tin về thương vụ 44 tỷ USD mua Twitter, Giám đốc thị trường nội bộ của Liên minh châu Âu (EU) Thierry Breton đã “tuýt còi” tỷ phú Musk rằng: “Elon Musk có thể điều chỉnh Twitter như cách anh ấy muốn, nhưng cảnh báo vị tỷ phú rằng, chúng tôi có các quy định nghiêm ngặt về trực tuyến...

Chúng tôi có các quy tắc”. Các luật mới, bao gồm Đạo luật Dịch vụ Kỹ thuật số ở EU, yêu cầu Twitter phải có những hành động cứng rắn hơn trong việc loại bỏ các thông tin sai lệch. Thậm chí, ở một số nước, các công ty truyền thông xã hội có nguy cơ gặp rủi ro pháp lý khi người dùng đăng tải những gì mà chính phủ nước đó cho là không phù hợp.

Tỷ phú Musk sẽ phải đưa ra quyết định cuối cùng về quyền tự do ngôn luận trên Twitter sau khi thương vụ hoàn tất vào khoảng tháng 9 hoặc tháng 10. Hãy cùng chờ xem tỷ phú Elon Musk sẽ biến Twitter trở thành “thiên đường” theo cách ông mong muốn trong thời gian tới ra sao...


Theo qdnd.vn
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: