EU đối mặt với cuộc khủng hoảng nước
Một đoạn lòng sông Po khô cạn ở Boretto, phía Đông Bắc Parma (Italy), ngày 15-6. Ảnh: AFP |
Chưa kịp hết “quay cuồng” trước cuộc khủng hoảng nhiên liệu, lạm phát tăng cao, nhiều quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) tiếp tục phải đối mặt với tình trạng hạn hán nghiêm trọng.
Theo một báo cáo mới đây của Đài quan sát Hạn hán toàn cầu (GDO), sông Po, sông Danube và các nhánh lưu vực đang phải đối mặt với những tác động nghiêm trọng do hạn hán kéo dài, dẫn đến thâm hụt lượng mưa. Sông Po là con sông dài nhất của Italy, chảy qua miền Bắc nước này. Sông Danube chảy qua 10 nước EU và cũng là con sông dài thứ hai ở châu Âu.
Cả hai sông đều đóng vai trò rất quan trọng đối với giao thông, thủy lợi, là nguồn cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp cũng như sản xuất thủy điện cho nhiều quốc gia EU.
Tình trạng nghiêm trọng hơn cả là ở khu vực miền Bắc Italy, nơi đang hứng chịu đợt hạn hán tồi tệ nhất trong 70 năm qua. Chính quyền nước này đã kêu gọi người dân hạn chế tiêu thụ nước. Thậm chí, đầu tháng 7 này, Chính phủ Italy đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp đối với 5 khu vực từ nay cho đến cuối năm, đồng thời lên kế hoạch dành khoản ngân sách trị giá 36 triệu euro để đối phó khẩn cấp với tình trạng hạn hán ở nước này.
Sau nhiều tháng khô hạn, mực nước sông Po và sông Dora Baltea của Italy đã giảm mạnh so với mức trung bình tới 8 lần. Cả hai con sông đều cung cấp nước cho một trong những khu vực nông nghiệp quan trọng nhất ở EU. Dự báo 30% sản lượng nông nghiệp của Italy có nguy cơ mất trắng bởi hạn hán.
Cơ quan quản lý thủy lợi khu vực sông Sesia (Tây Bắc Italy) thậm chí còn ra lệnh cấm tưới cây ăn quả để dành nước tưới cho cây lương thực. Còn ở Verona, người đứng đầu thành phố đã ra lệnh cấm sử dụng nước để tưới vườn, rửa xe, đổ vào các hồ bơi... từ nay cho đến cuối tháng 8, nhằm bảo đảm có đủ nguồn cung cấp nước uống. Các khu vườn trồng rau chỉ được tưới vào ban đêm để tiết kiệm tối đa lượng nước tiêu thụ.
Tại thành phố Pisa thuộc vùng Tuscany (Italy), chính quyền địa phương bắt buộc thực hiện việc phân chia "khẩu phần" nước. Theo đó, người dân chỉ được phép sử dụng nước “cho sinh hoạt và vệ sinh cá nhân”, nếu ai vi phạm có thể bị phạt tới 500 euro.
Ở Milan, tất cả đài phun nước công cộng bị dừng hoạt động. Thị trưởng của thị trấn nhỏ Castenaso cấm các hiệu làm tóc gội đầu cho khách hàng của họ hai lần, nhằm mục đích tiết kiệm tối đa lượng nước tiêu thụ mỗi ngày cho thị trấn.
Ở Bồ Đào Nha, từ đầu năm 2022, tình trạng ít mưa và mực nước ở các đập xuống thấp đã khiến chính phủ hạn chế vận hành các nhà máy thủy điện. Đến cuối tháng 5, hạn hán nghiêm trọng đã diễn ra ở 97% diện tích quốc gia này. Hiệp hội tưới tiêu nông nghiệp ở các thị trấn Silves, Lagoa và Portimao ở miền Nam Bồ Đào Nha đã kích hoạt một kế hoạch khẩn cấp, theo đó 1.800 trang trại phải cắt giảm một nửa lượng nước tưới cho nhiều loại cây trồng.
Bộ trưởng Hành động vì môi trường và khí hậu Bồ Đào Nha Duarte Cordeiro kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp nước này tích cực đầu tư vào các biện pháp tiết kiệm nước.
Tình trạng hạn hán nghiêm trọng cũng diễn ra tại nhiều vùng của Đức, Pháp, Bỉ. Với Tây Ban Nha, tình hình còn trầm trọng hơn khi có đến 2/3 diện tích đất đai có nguy cơ bị sa mạc hóa. Tại thị trấn nhỏ Vacarisses thuộc Barcelona, các giếng nước ngầm đều khô cạn.
Người dân địa phương được cấp nước sinh hoạt trong khoảng thời gian 6-10 giờ sáng và từ 20 giờ đến nửa đêm. Tây Ban Nha là nước sản xuất nông nghiệp lớn thứ 3 EU. 70% tổng lượng nước ngọt của quốc gia này được sử dụng cho nông nghiệp.
“40% đất đai châu Âu dành cho nông nghiệp và lĩnh vực này sử dụng tới 44 triệu lao động”, ông Juan Pardo Martinez, Giám đốc Phòng Nghiên cứu và Phát triển Novagric cho hay. Điều đó cũng có nghĩa là tình trạng hạn hán nghiêm trọng do biến đổi khí hậu mà châu Âu đang phải gánh chịu cùng với tác động từ cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu do xung đột Nga-Ukraine chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới những biến động kinh tế-chính trị của nhiều nước EU.
Theo nhận định của hãng truyền thông Đức DW, có lẽ do quá bận rộn với việc củng cố các liên minh quân sự và dành hàng tỷ euro tiền thuế của người dân để tăng gấp đôi ngân sách quốc phòng, các chính phủ châu Âu dường như đã không dành đủ sự quan tâm đến một thực tế là lục địa này đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng nước nghiêm trọng.