EU nỗ lực tự chủ năng lượng
Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters) |
Ủy ban châu Âu (EC) vừa lên kế hoạch chi 195 tỷ euro đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi sang năng lượng sạch, cũng như tìm kiếm các nguồn cung năng lượng mới. Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định, châu Âu phải quyết liệt hơn mới có thể thúc đẩy kế hoạch đầy tham vọng này, nhất là khi nội bộ Liên minh châu Âu (EU) chưa thể “đồng thanh tương ứng” trong việc dừng nhập khẩu dầu mỏ từ Nga.
Với giá trị 195 tỷ euro, kế hoạch tự chủ năng lượng nêu trên sẽ là khoản đầu tư lớn nhất trong gói ngân sách dự chi cho việc thực hiện mục tiêu khí hậu của EU vào năm 2030, giúp giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch theo đúng lộ trình EU cam kết ứng phó biến đổi khí hậu tại COP26. EC đề xuất nhiều luật và các kế hoạch không ràng buộc cho chính phủ các nước thành viên EU, trong đó có cả việc điều chỉnh kế hoạch sử dụng khoản ngân sách phục hồi sau đại dịch Covid-19 để phục vụ chuyển đổi năng lượng.
Kế hoạch của EC còn đề cập việc điều chỉnh luật của EU nhằm đẩy nhanh việc cấp phép một số dự án năng lượng tái tạo ở châu Âu. EC đề xuất quá trình cấp phép cho các dự án mới không được quá một năm đối với một số địa điểm phù hợp để khai thác năng lượng tái tạo và ít tác động đến môi trường. Nếu được thông qua, thời gian cấp phép sẽ được rút ngắn đi nhiều so với quy định hai năm như hiện nay.
Các dự án năng lượng tái tạo thường bị trì hoãn trong thời gian dài do thủ tục rườm rà, sự phản đối của người dân địa phương cũng như những lo ngại về tác động tới hệ sinh thái. Điều này làm gia tăng quan ngại rằng EU sẽ gặp khó khăn trong việc đẩy nhanh tiến độ khai thác năng lượng gió và mặt trời để đáp ứng các mục tiêu bảo vệ môi trường. Thông qua các quy định mới, dự thảo của EC đã nêu bật vai trò quan trọng của các nguồn năng lượng tái tạo trong chống biến đổi khí hậu, giảm giá năng lượng, giảm sự phụ thuộc của EU vào nhiên liệu hóa thạch và bảo đảm an ninh nguồn cung cho liên minh. Giới chức châu Âu cũng cân nhắc nâng mức sử dụng năng lượng tái tạo trong số các loại năng lượng lên 45% vào năm 2030, cao hơn mức 40% hiện nay và cắt giảm 13% năng lượng tiêu thụ trên toàn khối vào năm 2030.
Tuy nhiên, một trở ngại lớn nhất lúc này của châu Âu vẫn là sự phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng từ Nga. EU đặt mục tiêu giảm hai phần ba sự phụ thuộc dầu mỏ và khí đốt của Nga vào cuối năm 2022 và tiến tới chấm dứt hoàn toàn cuối năm 2027.
Lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ của Nga là một trong những nội dung chính tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao EU vừa diễn ra ở Brussels (Bỉ). Tuy nhiên, Hungary cùng một số nước Đông Âu, vốn phụ thuộc lớn vào nguồn cung dầu mỏ từ Nga, tiếp tục không ủng hộ gói trừng phạt. Slovakia, Séc, Bulgaria và Croatia tỏ ra khá dè dặt. Bulgaria chính thức yêu cầu khoảng thời gian hai năm để thoát khỏi “cái bóng” quá lớn từ dầu mỏ của Nga.
Những phương án mang tính tổng thể và dài hạn đã được giới chức châu Âu tính đến, tuy nhiên, với quan điểm khác biệt giữa các nước thành viên như hiện nay, có lẽ EU sẽ cần một khoảng thời gian dài mới có thể tự chủ về nguồn cung năng lượng.