Nắng nóng tạo thêm sức ép tăng giá năng lượng tại châu Âu
Hoàng hôn tại Oisy-le-Verger, Pháp, ngày 14/7. (Ảnh: Reuters) |
Các đợt nắng nóng liên tiếp và thời tiết khô hạn đã ảnh hưởng lớn đến quá trình sản xuất năng lượng hạt nhân, thủy điện và năng lượng gió ở châu Âu. Vì vậy, khí đốt buộc là nguồn năng lượng thay thế và giá năng lượng đang tiếp tục tăng trở lại.
Sau ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, cuộc xung đột ở Ukraine và tình trạng ngừng hoạt động của các nhà máy điện hạt nhân Pháp, thời tiết nắng nóng và hạn hán đang làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng năng lượng tại châu Âu.
Hạn hán kết hợp với nắng nóng khắc nghiệt tại “lục địa già” có khả năng ảnh hưởng đến việc sản xuất điện từ các tua-bin gió, các công trình thủy điện, các nhà máy nhiệt điện than và lò phản ứng hạt nhân. Pháp, quốc gia có một loạt các nhà máy điện hạt nhân nhưng trong đó hơn một nửa không hoạt động do đã quá niên hạn sử dụng, là quốc gia đặc biệt bị ảnh hưởng tại châu Âu.
Ở Pháp, tác động có thể nhìn thấy đầu tiên của tình trạng nắng nóng trong việc sản xuất điện là liên quan đến các nhà máy điện hạt nhân có hệ thống làm mát sử dụng một lượng nước lớn.
Vào cuối chu kỳ sản xuất, nước làm mát của nhà máy được thải vào các con sông gần các nhà máy điện, hậu quả là làm tăng nhiệt độ nước tại các con sông đến mức có nguy cơ gây hại cho đa dạng sinh học. Tuy nhiên, áp lực cung cấp điện đang ở mức mà 5 nhà máy điện hạt nhân của Pháp đã được cho phép tiếp tục thải nước nóng ra ngoài môi trường cho tới giữa tháng 9.
Trước đó, ngày 3/8, Công ty năng lượng EDF của Pháp đã thông báo rằng một số nhà máy điện của họ nằm trên sông Rhône và Garonne có khả năng sản xuất ít điện hơn trong những ngày tới do ảnh hưởng của đợt nắng nóng.
Một hậu quả nghiêm trọng khác của khí hậu khắc nghiệt tại châu Âu là công suất của các nhà máy thủy điện cũng buộc phải giảm bớt do ảnh hưởng của hạn hán. Đồng thời, cũng cần lưu ý rằng gió yếu trong những ngày qua nhiều khả năng sẽ không tạo điều kiện thuận lợi cho việc sản xuất điện gió.
Giới chuyên gia cho rằng sự kết hợp của các yếu tố này dường như buộc các nước châu Âu phải chuyển sang sử dụng khí đốt nhiều hơn để đảm bảo nguồn cung về điện, theo đó đẩy giá năng lượng này tăng cao.