Nhật Bản sẽ phát triển tên lửa tầm xa đối phó với Nga, Trung Quốc
Thành viên của Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản (JGSDF) hạ quốc kỳ trên đảo Miyako, tỉnh Okinawa, Nhật Bản. Ảnh: Reuters |
Nhật Bản tuyên bố nước này sẽ phát triển và sản xuất hàng loạt tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo tốc độ cao, theo một phần của kế hoạch mở rộng quân sự nhằm đối phó với các mối đe dọa từ Trung Quốc và Nga.
Theo hãng tin Reuters, kế hoạch mua sắm vũ khí này nằm trong yêu cầu ngân sách quốc phòng hàng năm của Bộ Quốc phòng Nhật Bản. Động thái này thể hiện sự khác biệt rõ ràng so với chiến lược hàng chục năm qua của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản, vốn chỉ biên chế các dòng tên lửa có tầm bắn vài trăm km.
“Trung Quốc đang đe dọa sử dụng năng lực quân sự để đơn phương thay đổi hiện trạng khu vực, cũng như đẩy mạnh quan hệ đồng minh với Nga”, Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết trong yêu cầu ngân sách của mình.
Báo động về mối đe dọa từ Trung Quốc trong khu vực đã tăng lên trong tháng này, sau khi Bắc Kinh phòng 5 tên lửa đạn đạo vào vùng biển cách Nhật Bản chưa đầy 160km. Động thái này được cho là hành động phô trương lực lượng sau khi Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi thăm Đài Loan (Trung Quốc). Thêm vào đó, Nhật Bản cũng xem Triều Tiên là một mối đe dọa.
Yêu cầu ngân sách quốc phòng hàng năm của Nhật Bản bao gồm việc cấp vốn để sản xuất hàng loạt tên lửa hành trình phóng từ mặt đất, cải tiến tên lửa đất đối hạm Type 12 do Mitsubishi Heavy Industries phát triển và nâng tầm bay của chúng. Bộ Quốc phòng cũng đang tìm vốn để phát triển các loại tên lửa khác, trong đó có cả đầu đạn siêu thanh. Tuy nhiên, bộ không nêu rõ phạm vi của các loại vũ khí đề xuất hoặc cho biết số lượng vũ khí dự định triển khai.
Mô hình tên lửa tấn công Kongsberg trong triển lãm hàng không Japan Aerospace 2016 tại Tokyo, Nhật Bản, năm 2016. Ảnh: Reuters
Nhật Bản đã đặt hàng các tên lửa phóng từ trên không, bao gồm tên lửa tấn công liên hợp (JSM) do Tập đoàn Kongsberg của Na Uy chế tạo và tên lửa không đối đất liên hợp (JASSM) do Tập đoàn Lockheed Martin chế tạo với tầm bắn lên đến 1.000km.
Ngoài việc tăng dự trữ tên lửa và các loại vũ khí khác, quân đội Nhật Bản còn muốn phát triển khả năng phòng thủ không gian mạng, khả năng tác chiến điện tử và sự hiện diện trong không gian.
Chính phủ Thủ tướng Fumio Kishida dự kiến sẽ chấp thuận yêu cầu gia tăng ngân sách quốc phòng vào cuối năm. Thời điểm đó, Chính phủ Nhật Bản cũng sẽ công bố một chiến lược quốc phòng lớn của nước này. Ông Kishida đã mô tả tình hình an ninh ở khu vực Đông Á là mong manh, sau khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Nhà lãnh đạo này cam kết sẽ tăng đáng kể chi phí quốc phòng giúp Nhật Bản đối phó với các mối đe doạ trong khu vực.
Trong tuyên ngôn bầu cử thượng viện vào tháng 7, đảng Dân chủ Tự do cầm quyền của ông Kishida đã cam kết tăng gấp đôi chi tiêu quốc phòng lên 2% tổng sản phẩm quốc nội trong vòng 5 năm tới. Điều đó sẽ khiến Nhật Bản trở thành nhà chi tiêu quân sự lớn thứ 3 trên thế giới, chỉ sau đồng minh lớn là Mỹ và nước láng giềng Trung Quốc.