Cẩn thận với bệnh xương khớp

Cập nhật: Chủ nhật 08/08/2021 - 08:46

Khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, thời gian ở nhà kéo dài khiến nhiều người ít vận động hơn trước. Điều này tiềm ẩn nguy cơ với sức khỏe, đặc biệt là hệ xương khớp.

Bệnh cơ xương khớp là nguyên nhân hàng đầu gây tàn phế.

Nguy cơ tiềm ẩn

Đại dịch COVID-19 khiến xu hướng làm việc online trở nên phổ biến. Cách làm việc này có thể làm gia tăng hiệu quả công việc và giúp phòng tránh sự lây lan của dịch bệnh, nhưng nếu không cẩn thận, làm việc online quá nhiều cũng có thể khiến gia tăng các rối loạn cơ xương khớp. Khi làm việc một tư thế quá lâu dẫn tới việc tăng áp lực lên bề mặt một số khớp nhất định, đồng thời giảm lưu thông khí huyết, tăng nguy cơ huyết khối, tắc mạch và suy giãn tĩnh mạch, teo cơ, loãng xương. 

Bác sĩ Nguyễn Mạnh Khánh, Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình 1, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho hay: Tình trạng ít hoạt động thể lực do phải làm việc liên tục hàng giờ bên máy tính trong tư thế gò bó có thể ảnh hưởng xấu đến cột sống, đặc biệt là cột sống cổ và cột sống thắt lưng. Bên cạnh đó, các cơ cạnh cột sống phải co cứng, giữ tư thế cho cột sống, các mạch máu do vậy bị chèn ép. Hậu quả là nhiều người có thể bị đau vai gáy, đau thắt lưng, toàn thân, co cứng cơ, chuột rút. Làm việc online nhiều cũng có thể dẫn tới đau, cứng các khớp cổ tay, bàn, ngón tay...

Chưa kể, việc ở trong nhà thường xuyên cũng làm giảm mức độ luyện tập thể lực, nhất là đối với những gia đình phải sinh hoạt trong không gian nhỏ hẹp. Ngoài ra, các thói quen như nằm ngủ gối quá cao (trên 6 cm), nằm đệm quá mềm, nằm võng nhiều, đặt máy tính quá thấp trên bàn làm việc hoặc thói quen cúi gằm mặt để dùng điện thoại đều gây hại cho cột sống cổ và cột sống lưng.

Đặc biệt, khi làm việc tại nhà, nếu không đảm bảo chế độ ăn uống khoa học, việc không được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng, vitamin, khoáng chất có thể gây yếu cơ, đau mỏi cơ, co cứng cơ, chuột rút. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, vitamin D là thành phần thiết yếu để xây dựng và duy trì xương chắc khỏe, do canxi là thành phần chính của xương và chỉ có thể được cơ thể hấp thụ khi có vitamin D. Một phần lớn vitamin D của cơ thể được tổng hợp từ ánh sáng mặt trời. Tuy nhiên, trong thời gian dịch bệnh COVID-19, việc phải ở trong nhà kéo dài dễ dẫn đến cơ thể thiếu vitamin D.

Cải thiện ra sao?

Để phòng tránh các bệnh xương khớp trong mùa dịch, cần duy trì chế độ làm việc khoa học, cần có thời gian nghỉ 5-10 phút sau một giờ làm việc, đứng lên đi lại trong nhà hoặc làm vài động tác thể dục đơn giản. Cần bảo đảm bàn ghế có đủ độ cao cần thiết, khi cần có thể dựa vào thành ghế để cơ thể nghỉ ngơi trong lúc làm việc, giữ đúng tư thế ngồi thẳng lưng.

Theo bác sĩ Đỗ Chí Hùng, Trưởng khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện E: Khi làm việc tại nhà, người dân cứ tối đa 90 phút nên đứng dậy đi lại, vươn thở, ép giãn, xoay khớp cổ tay, cổ chân, khớp gối, khớp vai và gấp ưỡn cột sống lưng, cột sống cổ. Bên cạnh đó, cần thiết lập chế độ tập thể dục tại nhà - khoảng 30 phút mỗi ngày.

Người dân có thể tập thể dục, khí công, yoga, thiền, tập aerobic, tập nhảy theo các bài tập hướng dẫn trên mạng. Nếu có điều kiện, người dân có thể mua xe đạp, máy tập thể dục, tạ tay, dây chun để tập tại nhà. Song, việc tập thể dục tại nhà cũng có thể đơn giản là đi bộ trong nhà, leo cầu thang, làm việc nhà, trồng và chăm sóc hoa, cây cảnh, dọn dẹp...

Theo bác sĩ Nguyễn Hồng Quân, Phó Chủ nhiệm khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108: Khi không may mắc các bệnh xương khớp, người dân không nên lạm dụng các loại thuốc giảm đau. Việc bổ sung các vitamin, khoáng chất cần thiết như canxi, vitamin A, B, C, D, E, acid béo omega 3 nên theo chỉ dẫn của cán bộ y tế.

Để giữ gìn hệ cơ xương khớp khỏe mạnh, người dân cần đảm bảo ngủ đủ 7-8 giờ một ngày. Ngoài ra, cần đảm bảo chế độ ăn

uống khoa học, đầy đủ các chất dinh dưỡng, thực phẩm đa dạng.Một điều quan trọng nữa cần lưu ý là phải uống đủ 1,5-2 lít nước mỗi ngày. Uống từ từ, chia làm nhiều lần. Việc uống nước đầy đủ, đúng cách giúp cho hệ tuần hoàn làm việc tốt, tăng khả năng thải độc cho cơ thể qua đường tiết niệu và giúp bôi trơn sụn khớp.


Theo Hanoimoi.com.vn
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: