Cảnh báo nguy cơ nhiễm bệnh khi ăn tiết canh
Nhiều người dân có thói quen ăn tiết canh, coi đây là món khoái khẩu. Tuy nhiên, Bộ Y tế cảnh báo người dân không nên ăn tiết canh và các món ăn tái sống, vì dễ nhiễm bệnh liên cầu khuẩn, viêm não mô cầu, giun sán, cúm gia cầm...
Theo Bộ Y tế, món tiết canh liên quan tới 70% các ca bệnh liên cầu khuẩn lợn ở người, lợn mang liên cầu khuẩn là nguồn lây nhiễm chính. Ở nhiệt độ 25 độ C, liên cầu khuẩn lợn sẽ sống ít nhất trong 24 giờ. Liên cầu khuẩn lây sang người thông qua việc ăn thịt lợn và các sản phẩm từ lợn còn sống hoặc chưa được nấu chín như tiết canh, nem chua, nem chạo… hoặc có thể lây do liên cầu khuẩn lợn tiếp xúc với các vết thương trên da người bệnh. Trường hợp bệnh nặng, người bệnh có thể sốc, trụy mạch, suy đa phủ tạng và tử vong.
Liên cầu khuẩn lợn là căn bệnh diễn tiến nhanh chóng và nguy hiểm, chi phí điều trị tốn kém. Còn nếu ăn tiết canh ngan, vịt rất dễ nhiễm vi rút cúm gia cầm (A/H5N1, H1N1, H7N9, H10N8) và nguy cơ mắc bệnh rất cao, có thể tử vong. Ăn tiết canh chó dễ nhiễm bệnh dại... Do vậy, người dân cần phòng tránh bằng cách không ăn tiết canh, ăn thực phẩm an toàn, bảo đảm đã chín kỹ.
Các chuyên gia y tế cảnh báo, trong trường hợp đã ăn tiết canh hoặc các món tái cần chú ý, khi thấy dấu hiệu của cơ thể như: Sốt nóng, sốt lạnh, tiêu chảy, đau đầu, ù tai, cứng gáy, tri giác lơ mơ, hoại tử trên da do nhiễm trùng huyết, viêm màng não mủ do nhiễm liên cầu lợn… thì cần đến ngay bệnh viện gần nhất để xét nghiệm và điều trị kịp thời.