Cảnh giác với dịch sốt xuất huyết
Các bác sĩ Bệnh viện A Thái Nguyên hướng dẫn người dân xóm Cao Biền (xã Phú Thượng, Võ Nhai) cách ăn sạch, uống sạch, vệ sinh môi trường, bảo vệ sức khỏe. |
Từ đầu năm đến nay, Thái Nguyên xuất hiện 2 ca mắc bệnh sốt xuất huyết, giảm 3 ca so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, thời điểm này mới chỉ bắt đầu bước vào đầu mùa dịch nên việc chủ động phòng, chống, không để dịch bùng phát, hạn chế tối đa số mắc và tử vong trên địa bàn tỉnh vẫn rất cần được quan tâm.
Sốt xuất huyết nằm trong danh sách những bệnh truyền nhiễm phổ biến, xảy ra theo mùa và gây ra biến chứng nguy hiểm đến tính mạng người bệnh nếu không được điều trị kịp thời.
Đây là loại bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus mang Dengue có trong muỗi vằn gây ra. Bệnh có khả năng lây truyền từ người này qua người khác, qua vật trung gian (là muỗi vằn), thời gian phát bệnh chỉ từ 4 - 5 ngày sau khi nhiễm mầm bệnh. Bệnh xảy ra ở cả trẻ em và người lớn, nhưng trẻ em là đối tượng dễ mắc bệnh hơn cả.
Bác sĩ CKII Hoàng Thị Thư, Trưởng Khoa Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên) cho hay: Loại bệnh này diễn tiến rất khó lường, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc-xin phòng bệnh. Rất nhiều bệnh nhân đến cơ sở y tế khám trong tình trạng sốt cao, khó thở, mê sảng và thậm chí là vật vã... Những bệnh nhân này nếu không được cấp cứu kịp thời, có thể dẫn đến các tình trạng suy tim, suy thận; sốc do mất máu; xuất huyết não; tràn dịch màng phổi; hôn mê; có thể gây sinh non hoặc sẩy thai ở phụ nữ mang thai…
Nhằm ứng phó với nguy cơ dịch bệnh bùng phát trên địa bàn, ngay từ đầu năm, Sở Y tế đã xây dựng phương án phòng, chống các loại dịch bệnh truyền nhiễm, trong đó có dịch sốt xuất huyết.
Ông Đặng Ngọc Huy, Giám đốc Sở Y tế cho biết: Dự phòng cho trường hợp trên địa bàn xuất hiện các ổ dịch, chúng tôi đã chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh tổ chức tốt việc thu dung điều trị bệnh nhân, hạn chế tối đa các trường hợp tử vong do sốt xuất huyết, đặc biệt tại các cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân, tránh tình trạng bệnh nhân không được tư vấn, cấp cứu, điều trị và chuyển tuyến kịp thời. Đồng thời có kế hoạch phân tuyến điều trị, hỗ trợ tuyến dưới, tránh tình trạng quá tải bệnh viện.
Ngoài ra, ngành Y tế cũng chỉ đạo tuyến cơ sở, phối hợp tổ chức các đoàn công tác kiểm tra, giám sát, lồng ghép công tác chỉ đạo phòng, chống dịch sốt xuất huyết tại các điểm nóng, các khu vực có nguy cơ bùng phát dịch với công tác phòng, chống COVID-19, hỗ trợ tuyến dưới phòng, chống dịch…
Vài năm trở lại đây, nhờ làm tốt việc tuyên truyền, vận động nên công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết ở Thái Nguyên đã đạt kết quả khá tích cực. Theo đó, vài năm nay, Thái Nguyên không có các trường hợp tử vong do sốt xuất huyết. Dù vậy, năm nay được dự đoán là có diễn biến thời tiết phức tạp, mưa nhiều, tạo thuận lợi cho dịch bệnh phát sinh. Các chuyên gia y tế cảnh báo, đầu tháng 7 mới là thời điểm dịch bệnh sốt xuất huyết dễ bùng phát ở Thái Nguyên. Bởi vậy, để phòng, tránh dịch bệnh, rất cần sự vào cuộc của các cấp, ngành chức năng và cả người dân.
Bác sĩ Triệu Thị Đông, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Quân Chu (Đại Từ) nói: Cách đây 2 năm, trên địa bàn xã đã xuất hiện 2 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết. Ngày sau đó, chúng tôi đã khoanh vùng kịp thời, không để dịch bệnh lây lan trên địa bàn. Đây cũng là kinh nghiệm để chúng tôi thực hiện tốt nhiệm vụ nếu thời gian tới xuất hiện các ca mắc sốt xuất huyết. Theo kinh nghiệm của chúng tôi, để phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, ngoài sự nỗ lực trong công tác tuyên truyền của cán bộ y tế và chính quyền địa phương… thì người dân cần vệ sinh chỗ ở, môi trường xung quanh sạch sẽ. Sử dụng các loại xua đuổi muỗi (phun thuốc diệt muỗi hoặc sử dụng vợt muỗi để tiêu diệt muỗi vằn).
Bên cạnh đó, người dân nên phát quang bụi rậm và mắc màn khi đi ngủ để hạn chế bị muỗi đốt. Đồng thời, diệt bọ gậy (loăng quăng), diệt muỗi trưởng thành, loại bỏ ổ chứa nước đọng; đậy kín các vật dụng chứa nước, thường xuyên thay nước ở các bình hoa và nơi thả cá để diệt lăng quăng…