Điểm sáng trong sàng lọc trước sinh và sơ sinh ở vùng cao
Phụ nữ trong độ tuổi sinh sản khi đến khám bệnh đều được các y, bác sĩ của Trạm Y tế xã Cúc Đường tư vấn về lợi ích của sàng lọc trước sinh và sơ sinh. |
Mặc dù là một trong những xã 135 của huyện Võ Nhai, đời sống kinh tế của người dân còn gặp nhiều nhưng trong những năm qua, nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Cúc Đường về sàng lọc trước sinh và sơ sinh có nhiều chuyển biến tích cực. Nhờ đó, trẻ sinh ra phát triển bình thường, chất lượng dân số được nâng cao.
Xã Cúc Đường có 635 hộ với trên 3.100 nhân khẩu, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số (Mông, Tày, Nùng, Dao) chiếm 97%. Tổng số phụ nữ từ 15-49 tuổi trên địa bàn xã là 785 người, trung bình mỗi năm có từ 30-40 phụ nữ mang thai. Tuy nhiên, do phong tục tập quán của đồng bào, đời sống kinh tế khó khăn mà trước đây, nhiều phụ nữ còn thờ ơ và chưa quan tâm đến vấn đề sàng lọc trước sinh và sơ sinh. Đặc biệt, phụ nữ đồng bào dân tộc Mông đa phần sinh tại nhà, rất ít trường hợp đến cơ sở y tế. Vì thế, có trường hợp trẻ em mắc các bệnh như: Down, thiểu năng trí tuệ, suy giáp bẩm sinh…
Nhằm hạn chế tình trạng trên, trong mấy năm gần đây, các đoàn thể của xã, xóm đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ về việc chăm sóc sức khỏe thai sản, khám thai định kỳ, kiểm tra sàng lọc trước sinh và sơ sinh.
Trạm y tế xã thường xuyên phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên xã tổ chức các buổi truyền thông về chăm sóc sức khỏe sinh sản, công tác dân số... Trung bình mỗi xóm tổ chức từ 2-3 buổi/năm. Cùng với đó là đẩy mạnh tuyên truyền thông qua mạng xã hội Zalo, Facebook, hệ thống loa truyền thanh của xã, xóm.
Bác sĩ Hà Văn Pháo, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Cúc Đường cho biết: Hằng tháng, cán bộ của Trạm cùng với đội ngũ y tế thôn bản của 5 xóm đều thống kê chi tiết số phụ nữ mang thai trên địa bàn xã, cung cấp những thông tin cần thiết cho phụ nữ đang mang thai; tuyên truyền để họ đến Trạm Y tế xã hay các cơ sở y tế siêu âm, làm các xét nghiệm để chẩn đoán dị tật bẩm sinh ở thai nhi. Còn đối với những phụ nữ khi sinh đẻ tại Trạm, chúng tôi đều vận động, thuyết phục đến các cơ sở y tế tuyến trên để xét nghiệm máu gót chân từ 24-72 giờ sau khi trẻ chào đời nhằm phát hiện các rối loạn bẩm sinh, di truyền ở trẻ, nhằm phát hiện và điều trị kịp thời.
Nhờ đẩy mạnh tuyên truyền, trong 3 năm qua, 100% phụ nữ mang thai trên địa bàn xã đã chủ động đến các cơ sở y tế khám sàng lọc trước sinh, trên 90% số trẻ được khám sàng lọc sau sinh. Phụ nữ trong thời kỳ mang thai đều đến Trạm Y tế siêu âm từ 3-4 lần, không còn phụ nữ sinh con tại nhà.
Chị Lý Thị Mai, dân tộc Mông ở xóm Mỏ Chì, cho hay: Nhà tôi hiện có 2 cháu, cháu lớn năm nay được 3 tuổi, còn cháu nhỏ được hơn một tuổi. Trong quá trình mang thai 2 cháu, tôi được cán bộ y tế xã đến tận nhà tuyên truyền về lợi ích của việc sàng lọc trước sinh và sơ sinh. Vì thế, tôi đã ra Trạm Y tế siêu âm, các cháu sau khi sinh, tôi đều làm xét nghiệm máu gót chân tại Bệnh viện A Thái Nguyên. Nhờ đó, các cháu đều khỏe mạnh.
Còn chị Ngô Thị Minh, xóm Trường Sơn, vừa sinh con tại Trạm Y tế xã được hơn 1 ngày, chia sẻ: Không kịp lên Bệnh viện A Thái Nguyên nên tôi sinh con tại Trạm. Không chỉ được các y, bác sĩ chăm sóc chu đáo, tôi còn được tư vấn về khám sàng lọc sau sinh.